17:05 07/08/2023

Các địa phương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

Thanh Xuân

Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang tích cực đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, nhằm đáp ứng cho người có thu nhập thấp ở đô thị và công nhân khu công nghiệp…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tỉnh Thái Nguyên cho biết đã rà soát và lựa chọn 82 dự án, vị trí quỹ đất thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

HÀNG LOẠT DỰ ÁN DỰ KIẾN XÂY DỰNG

Cụ thể, TP. Sông Công có số dự án nhà ở xã hội nhiều nhất với 35 dự án. Tiếp đến, TP. Phổ Yên 26 dự án, TP. Thái Nguyên 17 dự án; huyện Phú Bình 4 dự án gồm: Khu nhà ở xã hội số 1 Hương Sơn 6,75 ha; Khu nhà ở xã hội số 1 Tân Hòa 6,75 ha; Khu nhà ở xã hội xã Điềm Thụy 4,2 ha; Dự án nhà ở xã thuộc Khu tái định cư và nhà ở công nhân khu công nghiệp Điềm Thụy 18ha… Tương tự, tỉnh Vĩnh Phúc cũng lên kế hoạch phát triển nhà ở xã hội năm 2023, trong đó, TP. Vĩnh Yên và huyện Lập Thạch, huyện Vĩnh Tường cùng có 1 dự án; còn TP. Vĩnh Phúc, huyện Bình Xuyên, huyện Tam Dương, mỗi địa phương dự kiến phát triển 2 dự án nhà ở xã hội.

Tỉnh Bình Dương cũng dự kiến xây dựng đến năm 2030 khoảng 172.879 căn nhà ở xã hội nhằm phục vụ cho 678.307 người. Để thực hiện, Bình Dương sẽ dành 612,1 ha đất để triển khai, với diện tích sàn xây dựng ước đạt hơn 10 triệu m2. Tổng mức đầu tư  92.661 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2021-2025, tỉnh có thể dành 158 ha đất đầu tư hoàn thành 42.256 căn, đáp ứng cho 163.476 người, với  mức đầu tư là 24.668 tỷ đồng.

Trong khi đó, TP. Đà Nẵng vừa thông tin về việc đang triển khai 6 dự án, quy mô 3.814 căn và lập thủ tục kêu gọi đầu tư 4 dự án mà khi hoàn thành hứa hẹn cung cấp được 3.451 căn hộ. Mặt khác, thành phố còn giới thiệu cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai 1 dự án thiết chế công đoàn và nhà ở công nhân quy mô 460 căn.

Theo Bộ Xây dựng, tính đến quý 2/2023, cả nước có 294 dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng, với quy mô 288.499 căn. Trong đó: Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị đang tiếp tục triển khai xây dựng 201 dự án với 162.227 căn; dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai có 6 dự án với 1.892 căn. Ngoài ra, Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp tiếp tục triển khai 93 dự án, quy mô xây dựng 127.272 căn.

"Đáng chú ý tháng 7/2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp khởi công là 10 dự án (19.853 căn), bao gồm: 7 dự án nhà ở xã hội (8.815 căn); 3 dự án nhà ở cho công nhân (11.038 căn). Hiện các địa phương cùng chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang rất tích cực triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”; theo đó, 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng", báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết.

NÊN BẢO ĐẢM CHO ĐỊA PHƯƠNG QUYỀN CHỦ ĐỘNG

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, nhu cầu của địa phương về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là khác nhau; điều kiện, năng lực, áp lực thực thi chính sách ở địa phương chắc chắn khác nhau. Vì vậy, chúng ta nên có chính sách để bảo đảm cho các địa phương có quyền chủ động chính sách nhiều hơn, chứ không nên có chính sách giống nhau khiến địa phương không có quyền chủ động.

Đưa ra ý kiến, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, nhận xét rằng mặc dù 2 quý vừa qua, thị trường bất động sản nổi lên nhiều tín hiệu tích cực ở phân khúc nhà ở xã hội. Nhưng qua khảo sát của Hiệp hội, những nhóm khó khăn hiện nay vẫn tồn tại tập trung vào pháp lý, nguồn vốn và tổ chức thực hiện.

"Vì vậy, để phát triển nhà ở xã hội cần cơ chế ưu đãi mạnh mẽ, hấp dẫn chủ đầu tư như chính sách về quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư, giao đất…; quy trình đầu tư thì phải có tính đặc thù, rút ngắn thời gian giải quyết. Hiện tại nếu chúng ta vẫn cứ như các dự án nhà ở thương mại từ 24-36 tháng sẽ rất khó khăn. Tôi đề nghị rút ngắn xuống dưới 12 tháng. Đồng thời với tiêu chí người mua nhà ở xã hội và quy trình thủ tục xét duyệt, đề nghị tận dụng ngay dữ liệu dân cư mà ngành công an đang quản lý, giúp rút ngắn và đơn giản hóa thủ tục xét duyệt đối tượng được mua nhà", ông Khôi nói.

Riêng về lãi suất, hiện chủ đầu tư đang vay mức lãi suất 8,7% và người mua nhà ở xã hội 8,2% năm là rất cao. Chúng tôi kiến nghị, chủ đầu tư được vay ở mức dưới mức 6%, người mua nhà dưới 4,5% năm; lợi nhuận định mức các doanh nghiệp kiến nghị nên quy định trên 10%, thay cho dưới 10% như hiện nay.

Đặc biệt, ông Khôi lưu ý, các địa phương nên ưu tiên đầu tư hạ tầng ở ngoài hàng rào dự án để khi dự án nhà ở xã hội triển khai sẽ kết nối được ngay. “Cần đẩy nhanh việc triển khai dự án nhà ở xã hội cho giai đoạn từ năm 2024 trở đi, vì nếu địa phương không rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cũng như chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó có phân khúc nhà ở xã hội ngay trong 6 tháng cuối năm 2023, thì bước sang năm 2024 sẽ vẫn lúng túng khi triển khai ở xã hội cũng như nhà ở thương mại”, ông Khôi khẳng định.