10:33 27/08/2024

Cần 3 tỷ USD cho đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Chương Phượng

Nếu thực hiện thành công 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, có thể giúp toàn ngành lúa gạo tăng giá trị thêm khoảng 21.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Đề án là việc kêu gọi nguồn vốn thực hiện, cần phải huy động khoảng 3 tỷ USD…

Mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Chiều 26/8/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì gặp mặt Đoàn đại biểu Quốc hội của 12 tỉnh, thành phố thuộc vùng Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

MỤC TIÊU TĂNG GIÁ TRỊ NGÀNH LÚA GẠO THÊM 840 TRIỆU USD/NĂM

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chất lượng cao được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023, nếu thực hiện thành công, sẽ là một cuộc cách mạng về sản xuất lúa gạo. Đề án sẽ triển khai nhiều công việc đồng bộ từ hạ tầng, phương thức canh tác, cơ giới hóa… Bên cạnh đó, còn tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết giữa người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, thương lái để giảm rủi ro về giá cả, thị trường.

“Đây là chương trình sản xuất lúa giảm phát thải quy mô lớn nhất thế giới từ trước đến nay. Nhiều quốc gia đều ngỏ ý quan tâm và muốn lấy Việt Nam làm mô hình học hỏi”, ông Tuấn nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì buổi gặp mặt và làm việc chiều 26/8/2024
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì buổi gặp mặt và làm việc chiều 26/8/2024

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng 7 mô hình thí điểm qua 3 vụ sản xuất lúa liên tiếp tại Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp. Trong đó, mô hình rộng 50 ha thực hiện ở Hợp tác xã Tiến Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho thấy nông dân giảm sử dụng lượng lúa giống từ 140 kg xuống còn 60 kg/ha, giảm lần bón phân từ 3-4 lần còn 2 lần mỗi vụ, giảm tối thiểu 20% lượng phân bón vô cơ, cây lúa ít bị ngã, giảm dịch bệnh và tổn thất sau thu hoạch... Việc giảm lượng lúa giống còn 60 kg/ha giúp tiết kiệm chi phí về giống 1,2 triệu đồng, phân bón giảm 0,7 triệu đồng; năng suất đạt từ 6,3-6,5 tấn mỗi ha so với 5,8-6,1 tấn mỗi ha ở cách làm truyền thống.

 

"Sở dĩ việc kêu gọi vốn cho Đề án gặp vấn đề khó là bởi những dự án thấp hơn 100 triệu USD khó kêu gọi được nhà tài trợ. Ngoài ra, nếu thời gian chuẩn bị của đề án vượt quá 12 tháng, các nhà tài trợ cũng ngần ngại việc rót vốn. Chưa kể, khi triển khai giải ngân về địa phương, còn cần lưu ý thêm Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công…”.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trên cơ sở kinh nghiệm đúc rút, Bộ sẽ ban hành sổ tay hướng dẫn, chỉ rõ những tiến bộ kỹ thuật cần áp dụng. Theo ông Tuấn, Mục tiêu chương trình đến năm 2025, 12 tỉnh thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long trồng 180.000 ha lúa phát thải thấp và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho vùng đạt chuẩn. Đến năm 2030, vùng mở rộng thêm 820.000 ha lúa phát thải carbon thấp. Chương trình cũng đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm 20% chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.

Theo ước tính, đề án sẽ tạo ra giá trị mới tương đương khoảng 21.000 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 840 triệu USD/năm.Con số này bao gồm giảm chi phí sản xuất (9.500 tỷ đồng), tăng giá bán sản phẩm (7.000 tỷ đồng), bán tín chỉ carbon (khoảng 2.500 tỷ đồng), tận dụng phế phụ phẩm (2.000 tỷ đồng). Chưa kể, thu nhập của người dân được dự báo tăng 40%, đồng thời 1 triệu công ăn việc làm cho người nông dân thuộc vùng dự án được đảm bảo, góp phần xây dựng hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chỉ rõ khó khăn lớn nhất của đề án là việc kêu gọi nguồn vốn thực hiện, cần khoảng 3 tỷ USD. Con số này sẽ được chi cho hạ tầng, thủy lợi, cũng như nâng cao kỹ năng, hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương. Dự kiến 60% là nguồn vốn xã hội hóa, còn lại khoảng 1,2 tỷ USD sẽ được huy động tài trợ từ các tổ chức quốc tế như World Bank, ADB…

TÁI CẤU TRÚC LẠI TOÀN NGÀNH HÀNG LÚA GẠO

Ông Thạch Phước Bình, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, băn khoăn về việc quy hoạch và phát triển hạ tầng cho trồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long chưa đồng bộ, thủy lợi, giao thông, kho bãi... chưa được kết nối. Về vấn đề nhân lực, chuyên gia nông nghiệp ở địa phương còn yếu và thiếu về trình độ, số lượng. “Người dân còn thiếu và hạn chế về công nghệ, tri thức, cũng như không am hiểu thị trường.  Do đó, khả năng chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để đạt mục tiêu giảm phát thải sẽ gặp rào cản”, ông Bình nói,

Ông Bình cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần có thêm những đánh giá tác động môi trường, bởi Đồng bằng sông Cửu Long vốn là một vùng rất nhạy cảm với biến đối khí hậu.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Mục tiêu kép của Đề án là giúp người nông dân giảm thiểu lượng khí nhà kính phát thải. Thực hành đúng, bà con có thể có thêm một nguồn thu nữa từ tín chỉ carbon. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn giúp gạo của Việt Nam có được sự ưu tiên hơn khi xuất khẩu ra các thị trường trên thế giới. Việc thực hiện thành công Đề án này sẽ giúp nâng tầm lúa gạo của Việt Nam".

Bà Nga cho hay cử tri rất mong mỏi Đề án sớm triển khai rộng rãi để góp phần nâng cao đời sống của người trồng lúa, cải thiện được môi trường.

“Hiện nay, nhiều hội viên phụ nữ từ bỏ làng quê để đến làm việc tại các khu công nghiệp, bởi làm nông nghiệp thu nhập quá thấp. Tôi tin rằng Đề án này sẽ là "cứu cánh" cho người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long vốn chăm chỉ, cần cù, chịu khó... sẽ phát huy thế mạnh của mình và "sống khỏe" từ cây lúa", bà Nga bày tỏ.

Một số đại biểu khác cho rằng ngoài quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đề án phải thay đổi được nhận thức của người dân. Các đánh giá về rủi ro, lợi ích kinh tế, cùng tính bền vững của dự án cũng cần được thảo luận chi tiết hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan:  Nếu địa phương không xem đây là một cuộc cách mạng thì không thể thành công. 
Bộ trưởng Lê Minh Hoan:  Nếu địa phương không xem đây là một cuộc cách mạng thì không thể thành công. 

Lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh rằng mục tiêu của 1 triệu ha lúa chất lượng cao không chỉ gói gọn trong phạm trù kinh tế. Thông qua những hoạt động thực tế, đề án kỳ vọng sẽ cấu trúc lại hệ sinh thái của cả ngành hàng, bao gồm phương thức canh tác của người dân, hệ thống thương lái, tổ chức liên kết trong hợp tác xã... Giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh chỉ là 1 trong các mục tiêu của Đề án. Đây không chỉ là 1 đề án kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, mà còn là cơ hội để đánh giá lại khả năng sản xuất của vùng nông nghiệp trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long trên góc nhìn của ngành hàng lúa gạo.

 

"Một triệu ha lúa chất lượng cao không phải con đường mà chúng ta vẫn đi. Nếu địa phương không xem đây là một cuộc cách mạng thì không thể thành công. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không thể vươn tới từng người nông dân, thuyết phục họ thay đổi tư duy, tập quán canh tác",

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về việc tại sao không bóc tách ra thành 12 đề án riêng lẻ cho địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nguyên nhân, bởi đề án có hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi chiếm tỷ trọng lớn, cần phải có sự điều hành chung, tránh xung đột xảy ra giữa vùng này với vùng kia.

“Tư duy của người dân chủ yếu là mùa vụ, trong khi doanh nghiệp, thương lái lại là thương vụ. Hai góc nhìn này chưa thật đồng nhất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ đưa "thương lái" vào hệ thống ngành hàng lúa gạo. Ngành hàng lúa gạo muốn bền vững phải có hệ sinh thái với sự tham gia của tất cả các bên: Nông dân, thương lái, doanh nghiệp, Nhà nước", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.