06:38 08/04/2013

“Cần đột phá gì để đổi chiều nền kinh tế”?

Nguyên Vũ

Phó chủ tịch Quốc hội nói bà đã lắng nghe với sự say mê thích thú các ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013 - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013 - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Cần đột phá gì để đổi chiều nền kinh tế? Đây là câu hỏi được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong phát biểu kết thúc Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013, vừa diễn ra tại Nha Trang. Đây là diễn đàn thường niên do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với UNDP và VCCI tổ chức, quy tụ khá đông đủ các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực.

Tại diễn đàn này, hơn một trăm vị khách mời, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, là đã không vắng mặt một ai.

Hơn 30 bản tham luận tập trung vào triển vọng kinh tế 2013 và nhìn lại một năm tái cơ cấu nền kinh tế, vẫn theo Chủ nhiệm Giàu, được chuẩn bị chu đáo, sâu sắc.

Tuy nhiên, ngay cả các vị được “đặt hàng” vẫn thoát ly văn bản chuẩn bị sẵn, để tranh luận “vo” trước các ý kiến đa chiều về những vấn đề được đặt ra tại diễn đàn. Nhiều vị đã cầm micro hơn một lần.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nhận xét, Việt Nam có nhiều hội thảo về kinh tế, nhưng đối với ông, đây là một trong các diễn đàn có chất lượng tốt nhất với tinh thần khoa học và xây dựng.

Ngồi ghế chủ tọa cả 4 buổi thảo luận, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói bà đã lắng nghe với sự say mê thích thú, kể cả những điều ngược lại suy nghĩ của mình. Bởi, quan trọng là đưa ra kiến nghị để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, chứ không phải “nói cho đã”!

“Cần đột phá gì để đổi chiều nền kinh tế”? 1Việc không thể có số liệu đáng tin cậy về tồn kho bất động sản, đặc biệt là nợ xấu cũng dẫn đến tình huống “khó xử” ngay tại diễn đàn...

Vậy thì các chuyên gia đã nói gì?

Nếu như ở Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2012 tròn một năm trước, tình hình kinh tế có được cải thiện hay không vẫn nằm trong tranh luận, thì năm nay các nhận định đã gần nhau hơn và đều gặp nhau ở ba chữ khó khăn hơn. Điều đáng nói là không chỉ kinh tế mới đang “có vấn đề nghiêm trọng”.

“Đất nước đang rơi vào tình trạng suy thoái toàn diện từ kinh tế, xã hội, văn hóa, đạo đức, giáo dục y tế đến niềm tin, kỷ luật, kỷ cương, pháp luật, đạo đức”, TS. Lê Đăng Doanh chọn cách in nghiêng những dòng này trong bản tham luận của ông.

Cũng theo nhìn nhận của vị chuyên gia từng trải này, trong xã hội đã xuất hiện những động lực làm giàu nhanh bằng các thủ đoạn bất chính, thông qua các mối quan hệ với một số người có chức có quyền. Các giá trị đạo đức của xã hội bị thách thức hay đảo lộn. Xã hội ngày càng phân hóa, khoảng cách giữa người dân và giới cầm quyền ngày càng xa cách. Tâm tư, nguyện vọng của người dân chưa có cơ chế thể hiện một cách trung thực và an toàn.

Với chủ đề của diễn đàn thì kinh tế vẫn là nội dung được tập trung bàn thảo sâu nhất. Đi vào những con số cụ thể, nhiều ý kiến đều quan ngại khi tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm hầu như bằng không (0,03%), trong khi thu ngân sách chỉ đạt 16,7% dự toán.

Điều này khiến cho nghi ngờ về tương quan giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP và độ trung thực (dù chỉ là tương đối) của các con số thống kê trở đi trở lại ở các phiên thảo luận.

Nhất là ngay phần mở đầu phiên thứ nhất, một vị diễn giả đưa ra phát hiện giật mình là con số GDP năm trước thì dựa vào giá cố định của năm khác, còn GDP năm nay thì dựa vào giá cố định của năm 1994.

Việc không thể có số liệu đáng tin cậy về tồn kho bất động sản, đặc biệt là nợ xấu cũng dẫn đến tình huống “khó xử” ngay tại diễn đàn, khi chủ tọa phải đem con số của bản tham luận này hỏi tác giả của bản tham luận khác. Câu trả lời đã có chút ngập ngừng và dường như chưa thể đủ thuyết phục đối với nhiều người.

Bởi vậy, không ít các kiến nghị đều gặp nhau ở một điểm: cần giảm thiểu rủi ro chính sách qua việc cải thiện mức độ tin cậy của các con số thống kê. Bởi, nếu không có nguồn số liệu đúng và đủ, không thể đưa ra đánh giá đúng tình hình, không thể dự báo chính xác các xu hướng, do đó không thể đưa ra các quyết sách, chủ trương, chính sách và giải pháp đúng được.

“Cần đột phá gì để đổi chiều nền kinh tế”? 2Theo ghi nhận của VnEconomy, hầu như tất cả các kiến nghị, đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013 đều không mới, mới chăng là sự sốt ruột đến cao độ khi việc thực thi còn nhiều bất cập, trong khi lực cản rất lớn cho công cuộc cải cách đã xuất hiện.

Các đề xuất khác là đẩy mạnh cải cách thể chế, là áp đặt kỷ luật cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước, là lập ủy ban độc lập để tái cơ cấu nền kinh tế, khôi phục lòng tin…

Cần thiết kế lại chế độ trách nhiệm cá nhân, thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng cơ chế kiểm soát lợi ích nhóm bất chính, tư duy nhiệm kỳ lợi dụng đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước để làm giàu bất chính, ông Doanh đề nghị.

Theo ghi nhận của VnEconomy, hầu như tất cả các kiến nghị, đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013 đều không mới, mới chăng là sự sốt ruột đến cao độ khi việc thực thi còn nhiều bất cập, trong khi lực cản rất lớn cho công cuộc cải cách đã xuất hiện. Theo phân tích của một diễn giả, đó chính là những nhóm lợi ích thao túng ngân hàng, tài chính, bất động sản, thu hồi đất, giàu lên bất chính mà không đóng góp tương xứng cho xã hội.

Cần đột phá gì để đổi chiều nền kinh tế? Để trả lời câu hỏi này, dù nhiệt liệt hoan nghênh tất cả các đề xuất tại diễn đàn, song Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn mong sau khi kết thúc, diễn đàn vẫn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp.

Với tranh luận có nên “tái cơ cấu” đề án tái cơ cấu nền kinh tế hay không, bà Kim Ngân nghiêng về quan điểm cần tiếp tục làm cái đã có, làm tới đâu sửa tới đó, hơn là loay hoay làm cái mới.