08:59 17/07/2009

Cẩn trọng lạm phát gia tăng

Anh Quân

Ngày càng có nhiều quan điểm trong giới chuyên môn lo ngại lạm phát sẽ tăng cao trở lại

Trái với mức tăng nhẹ của 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước dự báo lạm phát cả năm sẽ ở mức 6-9%.
Trái với mức tăng nhẹ của 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước dự báo lạm phát cả năm sẽ ở mức 6-9%.
Ông Vũ Minh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội bỗng trầm giọng tại một hội thảo về diễn biến giá tiêu dùng ngày 16/7, ngay sau khi nói rằng lạm phát khiến cho các siêu thị dường như bán được nhiều hàng hơn.

Trái với những phân tích trước đó, cho rằng mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2009 so với tháng 12/2008 chỉ 2,68% là tương đối thấp, ông Phú thẳng thắn: “Nhìn vào chỉ số giá cả thì rất “vui”, nhưng đời sống của người dân thì không lên được”.

Và trong khi bất ổn kinh tế vĩ mô buộc nhiều người dân phải thắt lưng, buộc bụng, thì theo TS. Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cả Tp.HCM và Hà Nội đều “lên hạng” trong danh sách các thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Với Hà Nội, từ vị trí 80 đã “nhảy cóc” lên vị trí 69.

Nhiều nguy cơ... trái chiều

Nỗi lo lạm phát của ông Phú và ông Phong cũng là “tinh thần” chung của nhiều học giả, chuyên gia kinh tế hàng đầu hiện nay. TS. Nguyễn Minh Phong liệt kê đến 9 “nhiệm vụ bất khả thi” chưa từng có tiền lệ.

Trong khi vừa phải đề phòng nguy cơ tái lạm phát cao, Chính phủ cũng phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế và giảm phát; vừa phải gia tăng kích cầu, vừa phải chống lại nguy cơ gia tăng nợ khê đọng; vừa phải chịu áp lực tổng cầu giảm, vừa chịu áp lực mở cửa thị trường trong nước.

Chính sách tài khóa vừa phải đáp ứng yêu cầu tăng chi ngân sách nhà nước, trong khi chịu áp lực suy giảm nguồn thu; chính sách điều hành tỳ giá linh hoạt đi cùng yêu cầu ổn định tiền tệ vĩ mô…

Và có lẽ, do tính hai mặt của chính sách áp dụng trong thời gian này khiến cho việc giữ kinh tế vĩ mô ổn định không dễ.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại - Dịch vụ - Giá cả (Tổng cục Thống kê) cho rằng nguy cơ lạm phát có thể tăng cao trở lại ngay sau giai đoạn kích cầu.

Còn ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) bất bình: “Với tư cách một người dân thôi, cũng chưa thể thuyết phục được chúng tôi tại sao tăng giá xăng dầu 5 lần liên tục từ đầu năm đến nay”.

Phân tích tác động của lãi suất đến lạm phát, TS. Đặng Ngọc Tú (Viện Khoa học tài chính) cũng đi đến kết luận: “Từ quý hai năm nay, lãi suất có xu hướng gia tăng. Do ảnh hưởng trễ hai quý của lãi suất, có thể dự đoán lạm phát sẽ gia tăng trong hai quý tới”.

Ở góc độ khác, phân tích từ tình hình thực tế giá cả thế giới cũng cho thấy, có những diễn biến đáng lo ngại đang lớn dần.

Bà Đoàn Thị Mai, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, phân tích rằng nhu cầu tiêu dùng gạo trên thế giới vẫn tăng cao hơn so với nguồn cung, sẽ là một trong những nhân tố gây tác động tăng đối với giá gạo trong thời gian tới.

Gia tốc lớn dần?

Xu hướng lạm phát tăng là khá rõ ràng. Trái với mức tăng nhẹ của 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước dự báo lạm phát cả năm sẽ ở mức 6-9%. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng sẽ rơi vào khoảng 7-8%.

Với một số tổ chức quốc tế, Ngân hàng Thế giới cho rằng con số này sẽ rơi vào khoảng 8%, trong khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch nhận định ở mức 7,3%.

Ở góc nhìn bi quan hơn, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng trong xu hướng gia tăng các tác động trễ và trái chiều của chính sách kích cầu trong nước và quốc tế, cùng với sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, chắc chắn lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng, thậm chí với gia tốc nhanh hơn, khiến CPI cuối năm có thể đạt mức tăng 13-15% so với cùng kỳ 2008.

Trái lại, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại - Dịch vụ - Giá cả (Tổng cục Thống kê), tin rằng CPI có thể tiếp tục tăng nhẹ trong các tháng tiếp theo, nhưng không có biến động lớn. “Quan điểm cá nhân tôi cho rằng lạm phát năm nay có lẽ vào khoảng 7-8%”, ông Thắng nói.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng cảnh báo, “với giá cả tăng liên tục và có xu hướng như hiện nay, có khả năng sẽ xảy ra lạm phát lớn hơn vào năm 2010”.

Cũng đồng tình quan điểm này, ông Ánh cho rằng: “Xác suất lạm phát cao quay trở lại trong năm 2010 là rất lớn”.