16:52 29/06/2009

“CPI tăng không có gì đáng ngạc nhiên!”

Anh Quân

Nhận định của TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, về diễn biến giá tiêu dùng 6 tháng qua

Ông Ánh cho rằng chỉ số giá 6 tháng đầu năm 2009 diễn biến theo quy luật.
Ông Ánh cho rằng chỉ số giá 6 tháng đầu năm 2009 diễn biến theo quy luật.
Sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng liên tiếp trong ba tháng gần đây (tháng Tư tăng 0,35%; tháng Năm tăng 0,44% và tháng Sáu tăng 0,55%), một số cảnh báo về tái lạm phát đã thu hút quan tâm của dư luận.

Song, ngược dòng quan điểm kể trên, TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định: “Việc CPI tăng không có gì đáng ngạc nhiên!”.

Trao đổi với VnEconomy, ông Ánh nói:

- Cho đến lúc này, ít nhất có thể khẳng định chỉ số giá 6 tháng đầu năm 2009 là diễn biến theo quy luật. Tức là nếu nhìn vào diễn biến giá cả 6 tháng đầu năm 2009 thì nó giống hệt diễn biến giá cả của 6 tháng đầu năm 2007.

Hai tháng đầu thì tăng, tháng thứ ba giảm, và ba tháng sau tăng, tháng sau cao hơn tháng trước. Có thể nhìn rất rõ.

Tuy nhiên, mức độ tăng từng tháng thì thấp hơn của năm 2007. Ví dụ tháng trước thì CPI tăng 0,44%, tương tự của năm 2007 tăng 0,77%. Tháng 6/2009 tăng 0,55% thì của năm 2007 tăng 0,85%.

Diễn biến CPI tăng không có gì là đáng ngạc nhiên cả. Chúng ta còn nên mừng vì nó đã tăng khá thấp!

Ông có thể nói rõ hơn về việc diễn biến CPI 6 tháng đầu năm nay lại giống năm 2007?

Ở đây có một điểm cần lưu ý là vấn đề kinh tế của năm 2009 tương tự như vấn đề của năm 2007. Năm 2007, chúng ta nỗ lực bằng mọi cách để tăng trưởng kinh tế cao, cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8,5%, và cuối cùng đạt 8,48%, chính vì thế có chuyện nới lỏng tiền tệ để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Sang 2009, tình hình cũng tương tự như vậy. Thay vì cố gắng tăng trưởng cao thì chúng ta cố gắng tăng trưởng không quá thấp. Thế thì đều lấy mục tiêu là kích thích tăng trưởng.

Phân tích các chính sách thì cũng tương tự như thế, và đã được áp dụng. Và đấy là những căn cứ để tính toán.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đưa con số cung tiền M2 (gồm tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng) đã tăng trên 16%, dư nợ tín dụng tăng trên 17% nếu so với cuối năm 2008. Điều này có tác động như thế nào đến lạm phát trong 6 tháng đầu năm nay, theo ông?

Vừa rồi, chương trình hỗ trợ lãi suất đã đưa ra một lượng tiền khá lớn. Cho đến nay, 1 tỷ USD đã xuất ra 25 tỷ rồi, như thế là hết. Từ giờ đến cuối năm sẽ không còn. Nếu đến cuối năm, duy trì cung tiền khoảng 25% thì khả năng lạm phát cao là khó.

Như năm 2007, lượng cung tiền tăng cao thì lạm phát lại rơi vào năm 2008. Tức là cung tiền tác động đến lạm phát có độ trễ khoảng nửa năm.

Theo logic này thì có khả năng đến năm 2010 sẽ có rủi ro lạm phát cao, thưa ông?

Cung tiền chỉ là một tác nhân đến lạm phát. Năm 2010 thì còn phải tính toán thêm mức tăng chi đầu tư của Nhà nước. Mà vừa rồi mức bội chi Ngân sách Nhà nước dự kiến điều chính dưới 8%.

Đặc điểm chi đầu tư Nhà nước thì sẽ tác động lạm phát ngay tức khắc. Đó là chu trình đầu tiên, tác động ngay đến nền kinh tế.

Nhưng chu trình tiếp theo thì bàn chất nó là đầu tư, nên cái công trình đầu tư ấy phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế thì phát huy tốt, không gây lạm phát.

Có thể hình dung thế này. Nếu Nhà nước chi đầu tư một con đường thì lúc đầu, tung tiền ra thì có khả năng gây ra lạm phát vì tăng cung tiền cho nền kinh tế. Nhưng sau đó, đầu tư ra một con đường mà nếu con đường đó không phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế thì khoản tiền bỏ ra lúc đầu là hoàn toàn vô ích, thì tạo lạm phát. Nhưng nếu con đường ấy đem lại hiệu quả, thì tạo ra GDP, thì không tạo lạm phát…

Quay trở lại với những nhân tố tác động đến chỉ số giá năm 2009. Trong 3 tháng đầu năm nay, có khoảng 70 tấn vàng đã được tái xuất và đem về tới gần 2,3 tỷ USD. Lượng tiền này có ảnh hưởng gì đến CPI không, theo ông?

Trong 2,3 tỷ USD đó, theo tôi biết thì hầu hết đều đi về các công ty kinh doanh vàng và một số ngân hàng có chức năng kinh doanh vàng. Hiện số tiền này, theo tôi, vẫn nằm trong các doanh nghiệp mà chưa đi ra ngoài.

Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay là ngoại tệ gửi tại các ngân hàng rất lớn, trong khi ngoại tệ để bán thì thiếu.

Một dấu hiệu nữa của nền kinh tế nóng lên và khả năng tái lạm phát là lãi suất ngân hàng liên tục tăng trong thời gian gần đây. Điều này có hàm ý rằng chi phí vốn tăng và giá cả hàng hóa tăng?

Tư duy theo kinh tế thị trường thì khi tăng lãi suất thì làm giảm lạm phát, vì làm giảm cung tiền trong lưu thông.

Liên quan đến ứng xử của doanh nghiệp thì khi tăng lãi suất, doanh nghiệp sẽ cân nhăc kỹ hơn các khoản vay, ví dụ đáng vay 10 thì chỉ vay 5 thôi, thậm chí có thể dẫn tới thu hẹp sản xuất của doanh nghiệp.

Vừa rồi có một số ý kiến cho rằng thì trường chứng khoán nóng lên và thị trường bất động sản có hiện tượng bong bóng. Có thể cho rằng hai thị trường này hút tiền trong lưu thông và hạn chế tốc độ tăng lạm phát trong 6 tháng qua?

Thị trường chứng khoán vừa qua có một số phiên tăng rất nóng, nhưng cũng có những phiên rất lạnh. Diễn biến như vừa rồi chưa thể nói là thị trường đã nóng được, mà chỉ là biểu hiện rất phù hợp của một thị trường chứng khoán có lên, có xuống. 

Cũng có một nguyên nhân nữa, thị trường này đã xuống đến đáy ở 235 điểm, tức là quá rẻ. Như vậy việc nó bật lên là bình thường.

Còn về thị trường bất động sản, cũng không thể nói giá bất động sản đang tăng nóng được. Hiện nay chỉ nóng cục bộ, tức là có vài địa điểm đang lên giá, thậm chí tăng giá gấp đôi. 

Vấn đề ở đây, thứ nhất là liên quan đến từng vị trí dự án. Thứ hai, có tác động rất lớn của đầu cơ bất động sản. Sau một năm yên ắng, ngồi chơi sơi nước không có gì làm, thì nhà đầu tư bắt đầu quay trở lại. 

Và bởi vị mức độ tập trung của nhà đầu tư, thay vì tham gia vào toàn bộ thị trường thì họ chỉ tập trung vào một số dự án, tạo ra độ nóng giả tạo.

Một số chuyên gia kinh tế có cảnh báo cần xem xét khả năng tái lạm phát trở lại. Quan điểm của ông thế nào?

Theo tôi là chưa có vấn đề gì cần phải lo lắng. 

Vừa rồi chúng ta thực hiện gói kích cầu, mà tiêu dùng tăng thì là đạt mục tiêu (tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 20% so với cùng kỳ - PV), không việc gì phải ngăn cản. Nếu anh nói tăng giá là do tăng tiêu dùng, rồi đi tiết giảm đi là trái với mục tiêu kích cầu.

Cũng có một số chuyên gia đưa ra cảnh báo tái lạm phát. Nếu lạm phát thế này mà đã ngồi “hô” nguy hiểm lắm rồi thì chẳng ai dám làm gì nữa. Cảnh báo xã hội như thế thì để làm gì!

Vậy theo ông, lạm phát đến cuối năm nay sẽ là bao nhiêu?

Tôi cho rằng lạm phát năm nay sẽ được khống chế ở một con số!