Cao tốc Bắc Nam thiếu hàng chục triệu mét khối cát san lấp cho thi công
Các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam hiện vẫn đang thiếu hàng chục triệu mét khối cát, đất san lắp thi công; trong đó hai dự án đi qua khu vực đòng bằng sông Cửu Long hiện cần khoảng 10 triệu m3 cát san lấp…
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải mới đây cho biết, hiện có đến 3/10 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 đang triển khai vẫn thiếu hơn 3 triệu m3 đất đắp do chưa hoàn thành hồ sơ cấp phép khai thác.
THIẾU HÀNG CHỤC TRIỆU MÉT KHỐI CÁT SAN LẤP
Trong khi đó, hai dự án thành phần là tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và cao tốc Hậu Giang - Cà Mau giai đoạn 2 đang cần khoảng 10 triệu m3 đất cát san lấp.
Cũng theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, tính đến cuối tháng 5/2022, tổng khối lượng xây lắp hoàn thành dự án cao tốc Bắc Nam đạt gần 22.700 tỷ đồng, tương đương 40% giá trị hợp đồng.
Có bốn dự án sẽ hoàn thành trong năm 2022 này, bao gồm: tuyến Mai Sơn – quốc lộ 45, tuyến Cam Lộ - La Sơn, tuyến Vĩnh Hảo – Phan Thiết và tuyến Phan Thiết – Dầu Giây. Bốn dự án sẽ hoàn thành năm 2023, gồm: Tuyến quốc lộ 45 - Nghi Sơn; tuyến Nghi Sơn - Diễn Châu; tuyến Nha Trang - Cam Lâm và dự án cầu Mỹ Thuận 2 thuộc cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Hai dự án sẽ hoàn thành trong năm 2024, đó là tuyến Diễn Châu – Bãi Vọt và tuyến Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
Kế hoạch là vậy. Tuy nhiên, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, chủ đầu tư, các đơn vị thi công, nhà thầu đã tỏ ra khá lo lắng về tiến độ thi công sắp tới do nhiều mỏ đất cát san lấp đến nay vẫn chưa được cấp phép khai thác. Ước tính, cần khoảng trên 3 triệu m3 cát san lấp, đắp nền phục vụ thi công các dự án thành phần nói trên.
Riêng với hai dự án thành phần là tuyến Cần Thơ - Hậu Giang và tuyến Hậu Giang - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài 109,5 km dự kiến sẽ khởi công vào tháng 11/2022, hoàn thành cuối 2025) thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tính toán ban đầu của Bộ Giao thông vận tải cho biết cần khoảng 15 triệu m3 cát san lấp. Trong đó năm 2023 cần khoảng 10 triệu m3 cát đắp, năm 2024 cần khoảng 5 triệu m3 cát đắp. Nếu không thu xếp đủ nguồn cung cấp sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành hai dự án thành phần này.
Vừa qua, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với các địa phương có dự án đi qua (dự án chủ yếu tập trung ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp) để giải quyết các khó khăn về cát san lấp.
Trong trường hợp nguồn vật liệu cát sông phục vụ san lấp bị thiếu hụt, Bộ đề nghị nghiên cứu, tính toán xem có thể dùng cát biển thay thế được không. Tuy nhiên, để có thể sử dụng cát biển cho san lấp phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và môi trường.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị các chính quyền địa phương, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thôngng có tuyến cao tốc đi qua chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp với tư vấn thỏa thuận về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, công bố giá vật liệu, bãi đổ thải và triển khai các thủ tục để có thể sớm khai thác vật liệu phục vụ thi công dự án.
CÁC DỰ ÁN SẼ KHỞI CÔNG VÀO CUỐI NĂM 2022
Bộ Giao thông vận tải đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương, tính đến nay được 682,4 km trong tổng chiều dài 729 km các dự án thành phần, đạt 94%.
Cũng theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các địa phương có dự án đã tiếp nhận hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng, thành lập ban chỉ đạo và hội đồng giải phóng mặt bằng để triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, đáp ứng yêu cầu bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 20/11 và khởi công toàn bộ các dự án thành phần trước cuối tháng 12/2022.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2022, trong chuyến làm việc của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông tại Bình Thuận về tiến độ cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý Dự án giao thông 7 (Ban QL7) Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, tiến độ thi công hiện tại vẫn chậm, không đạt được kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính vẫn do nhà thầu chưa chủ động được nguồn vật liệu đất đắp nền, công đoạn san lấp, đắp nền chỉ đạt 77,4% so với kế hoạch điều chỉnh đã đề ra.
Vào thời điểm lúc đó, Ban QL7 báo cáo cho biết, trong số 4/6 mỏ được cấp phép, mới chỉ có một mỏ có thể khai thác cung cấp cho dự án, ba mỏ còn lại đã được cấp phép, nhưng đến cuối tháng 4/2022 mới có thể khai thác.
Đất, cát cho san lấp thi công các dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam đang là một vấn đề nan giải, gây cản trở đến tiến độ thi công và hoàn thành các dự án. Không riêng gì cát biển nếu bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật và môi trường, sẽ có thể được khai thác phục vụ san lấp; song từ lâu, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo có thể dùng vật liệu khác ngoài cát, để san lấp các dự án, trong đó có vật liệu tro bay (tro xỉ nhiệt điện).
Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng biên soạn và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý; sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Sau đó, ngày 10/8/2017, Bộ Xây dựng đã có công văn 1847/BXD-VLXD gửi Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau về việc sử dụng tro bay làm vật liệu san lấp mặt bằng. Theo đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng biên soạn và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý; sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.