06:00 21/12/2021

Cấp tín dụng điện tử: Cho phép nhưng chưa dám làm

Đào Hưng

Cho phép thực hiện nghiệp vụ cấp tín dụng thông qua phương thức điện tử, nhưng việc quy định còn chung chung, có thể gây khó dễ, đẩy các ngân hàng và khách hàng đến chỗ tranh chấp pháp lý...

Vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm “Thực trạng giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng và những kiến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao dịch trong lĩnh vực ngân hàng”.

Theo các chuyên gia, vấn đề phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng là mục tiêu chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 và định hướng năm 2030.

Trong đó, mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2025 là 50% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50% quyết định giải ngân cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của cá nhân được số hóa…

QUY ĐỊNH CÒN XA RỜI THỰC TẾ

Việc đưa ra mục tiêu rõ ràng như vậy cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã sớm bắt nhịp với xu hướng số hóa trên thị trường tài chính thế giới để áp dụng vào Việt Nam. Hơn nữa, xu hướng số hóa ở các lĩnh vực khác đang tác động trực tiếp, vừa tác động gián tiếp đến nghiệp vụ của ngân hàng. Trong đó, doanh nghiệp hiện nay thường có xu hướng dùng hóa đơn điện tử làm căn cứ chứng minh phát sinh giao dịch, hoặc thống nhất giao dịch bằng phương tiện điện tử như email.

Thậm chí, hoạt động đấu thầu cũng online trực tuyến. Đồng thời, doanh nghiệp được cấp chứng nhận, thư chào thầu liên quan đến nghiệp vụ phát hành bảo lãnh ngân hàng cũng thường được gửi qua mạng. Điều này dẫn tới việc khách hàng đến quầy giao dịch cũng không có nhiều ý nghĩa.

Ngoài ra, đối với khoản vay có tính an toàn cao như được bảo đảm bằng sổ tiết kiệm, khách hàng luôn muốn được cấp tín dụng nhanh gọn, thuận tiện và tiết kiệm thời gian qua các phương tiện điện tử, mà không muốn giao dịch trực tiếp tại ngân hàng.

Cộng thêm yếu tố dịch bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng sâu, rộng và làm gián đoạn quan hệ giao dịch kinh tế trong xã hội, số lượng khách hàng có nhu cầu vay vốn qua phương thức điện tử ngày càng nhiều.

Được quan tâm và thực tế cũng cho thấy nhu cầu cấp thiết, thế nhưng khuôn khổ pháp lý cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng công nghệ điện tử cho hoạt động cấp tín dụng còn rất thiếu, ngoại trừ những quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ điện tử trong hoạt động bao thanh toán được quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-NHNN.

Chia sẻ tại tọa đàm nói trên, bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban pháp chế BIDV, cho rằng các thông tư của Ngân hàng Nhà nước về cấp tín dụng (gồm có: Thông tư 39/2016/TT-NHNN; Thông tư 07/2015/TT-NHNN; Thông 04/2013/TT-NHNN) đều chưa có quy định cụ thể liên quan đến việc sử dụng phương tiện điện tử.

“Thông tư 39 chỉ có một số nội dung hướng đến các hợp đồng, các thỏa thuận vay mang tính truyền thống, các chữ ký phê duyệt là chữ ký truyền thống (chữ ký tươi)”, bà Phương nhấn mạnh.

 
"Quy định tại Thông tư 39 yêu cầu thỏa thuận cho vay giữa tổ chức tín dụng, công ty tài chính với khách hàng phải lập thành văn bản.  Điều này dẫn tới việc công ty tài chính cho vay trực tuyến qua nền tảng công nghệ thì vẫn phải ký kết hợp đồng trực tiếp với khách hàng".
Bà Tô Thị Hải Yến, Trưởng phòng Pháp chế, Công ty Tài chính Điện lực

Cũng theo bà Phương, Thông tư 39 chưa có quy định về việc các tổ chức tín dụng được thẩm định và phê duyệt tín dụng tự động trên cơ sở ứng dụng kết quả chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng, các tiêu chuẩn thẩm định và phê duyệt được xây dựng và cài đặt để hệ thống có khả năng tự động kiểm tra phê duyệt mà không cần có sự tham gia của cá nhân người thẩm định, người phê duyệt.

Đáng chú ý, vị đại diện BIDV còn cho biết thêm, gần đây một số ngân hàng đã xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước để được phép sử dụng phương tiện điện tử trong hoạt động cấp tín dụng.

Tuy nhiên, sau đó Ngân hàng Nhà nước trả lời rằng, để làm được như vậy thì ngân hàng thương mại phải đồng thời đáp ứng 3 tiêu chí: (i) phải tuân thủ yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về cấp tín dụng cho vay bao thanh toán, bảo lãnh; (ii) tuân thủ hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về quản lý rủi ro; (iii) tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước giao trách nhiệm cho các tổ chức tín dụng phải tự xây dựng các quy định nội bộ về cấp tín dụng, tuân thủ pháp luật có liên quan về quản trị rủi ro trong quá trình triển khai và tự chịu trách nhiệm về kết quả triển khai.

“Từ câu trả lời trên và từ quy định hiện có, chúng tôi chưa thấy có đủ cơ sở để thực hiện các giao dịch điện tử trong hoạt động cho vay, hoạt động bảo lãnh. Nếu vẫn cố tình triển khai thì hiển nhiên ngân hàng sẽ phải đối diện với rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý”, Giám đốc ban pháp chế BIDV nói. 

Cùng quan điểm, đại diện Ngân hàng Techcombank nêu ví dụ cụ thể, hầu hết các tổ chức tín dụng đang tổ chức giao dịch tập trung và đều phải sử dụng công nghệ để thực hiện. Song, đến khi thực hiện lưu trữ các quyết định cho vay thì không biết lưu trữ bằng chữ ký điện tử hay chữ ký số.

 “Trong các văn bản pháp luật, chỗ thì chữ điện tử, chỗ thì chữ ký số có chứng thực, rồi cả chữ ký số đáp ứng được an toàn khi có chứng thực. Điều này cho thấy khái niệm không đồng nhất”, đại diện Techcombank nói.

CHỜ SỬA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ

Với các vướng mắc nêu trên, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung Thông tư 39, Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về cấp tín dụng bằng phương thức điện tử theo 3 mục tiêu.

Thứ nhất, cho phép tổ chức tín dụng được sử dụng hệ thống công nghệ và xây dựng các tiêu chuẩn để hệ thống thẩm định, phê duyệt, giám sát sau đối với các khoản vay tiêu chuẩn, có giá trị nhỏ.

Thứ hai, hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn có thể do khách hàng kê khai trên phương tiện điện tử, không yêu cầu các tổ chức tín dụng thu thập chứng từ chứng minh khác.

 
"Quy định không cấm nhưng triển khai thì không dám làm, hỏi cũng không ai trả lời được. Trong trường hợp chưa có quy định đầy đủ sẽ có nhiều rủi ro. Nếu các tổ chức tín dụng tự cảm thấy đủ điều kiện và đánh giá theo các chuẩn mực về an toàn giao dịch điện tử thì vẫn có thể triển khai".
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng

Thứ ba, không áp dụng quy định “quyết định cho vay phải có chữ ký của người có thẩm quyền” đối với các khoản vay được thẩm định, phê duyệt tự động bằng công cụ điện tử. Việc phân định trách nhiệm giữa các khâu được xác định bởi cá nhân, bộ phận thực hiện xây dựng, phê duyệt tiêu chuẩn và người quản trị hệ thống công nghệ thông tin.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhìn nhận, các thông tư có liên quan đến hoạt động cấp tín dụng qua phương thức điện tử chưa bắt nhịp được với thực tế hiện tại.

“Bản thân các ngân hàng đang triển khai hàng loạt thủ tục mà còn xảy ra những sai phạm. Nên để được áp dụng thì các ngân hàng cũng cần rất chú trọng tới khâu quản lý rủi ro”, ông Hùng nói.

Hiện tại, với một số vấn đề như chữ ký điện tử, giao dịch điện tử, hợp đồng điện tử, xác thực điện tử… nằm ở Luật Giao dịch điện tử và Luật này đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung. Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển các phản ánh, kiến nghị của tổ chức tín dụng tới cơ quan có thẩm quyền.

Với các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét trong quá trình xây dựng chính sách, đại diện các Vụ chức năng cho biết.

Còn bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cho biết Chính phủ nhận thấy sự cấp bách phải sửa đổi Luật Giao dịch điện tử hiện hành và đã thông qua 9 đề nghị chính sách mới của Luật này. Dự kiến, Dự luật sẽ được trình Quốc hội vào tháng 5/2022.