14:50 02/12/2021

“Đặt mồi” trên mạng, tín dụng đen bẫy người dân

Riêng trong 5 năm vừa qua, cơ quan công an thành phố Hà Nội đã phát hiện 1.390 vụ việc có liên quan đến hoạt động tín dụng đen...

Lãi suất "tín dụng đen" lên tới 10 nghìn đồng/1 triệu/1 ngày gây nhức nhối trong xã hội
Lãi suất "tín dụng đen" lên tới 10 nghìn đồng/1 triệu/1 ngày gây nhức nhối trong xã hội

Sáng nay (2/12), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) và Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tổ chức hội thảo “Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn”.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 19/11/2021, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25,11% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 10,21% so với cuối năm 2020 và tăng 34,5% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg (trong đó dư nợ cho vay trên địa bàn nông thôn đạt 1,92 triệu tỷ đồng, chiếm 76,5% tổng dư nợ nông nghiệp nông thôn).

 
"Lãi suất tín dụng đen thường là 2.000 đồng/1 triệu/1 ngày, nhưng các đối tượng biết con nợ đa số cần tiền cấp bách nên thường lấy lãi là 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày (182,5%/1 năm). Nhiều trường hợp là 7.000 đồng, đến 10.000 đồng/1 triệu/1 ngày (250 đến hơn 300%/năm)". 
(Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội"

Bên cạnh những nỗ lực của các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, thời gian qua cũng cần ghi nhận những đóng góp quan trọng từ phía các công ty tài chính tiêu dùng, hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân, Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc "phủ sóng" nhu cầu tín dụng vi mô trong. Theo ông Hùng, tính đến ngày 30/10/2021, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đạt gần 180.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so 2020; dư nợ của hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân đạt 131.000 tỷ đồng tăng 4,5% so 2020, trong đó Ngân hàng Hợp tác xã đạt là 20.630 tỷ đồng tăng 8,84%.

Cùng đó, dư nợ tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội 244.000 tỷ đồng, tăng 7, 51%, trong đó dư nợ các chương trình phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh tạo sinh kế và việc làm chiếm 73,6%, dư nợ phục vụ đời sống  sinh hoạt chiếm tỷ lệ 26,4%.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng, từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã tác động nặng nề đến doanh nghiệp và người dân. Thu nhập của đối tượng lao động thời vụ, công nhân, người kinh doanh nhỏ bị giảm sút… Thậm chí nhiều người dân không có thu nhập để trang trải các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, dẫn tới tình hình tội phạm tín dụng đen có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, nếu như những năm trước, hoạt động tín dụng đen dẫn đến các vụ trọng án, án nghiêm trọng thường xảy ra ở các khu vực các quận nội thành thì trong thời gian vừa qua có xu hướng chuyển dịch về các huyện ngoại thành.

Trong đó, lãi suất thường là 2.000 đồng/1 triệu/1 ngày, nhưng các đối tượng biết con nợ đa số cần tiền cấp bách nên thường lấy lãi là 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày (182,5%/1 năm). Nhiều trường hợp là 7.000 đồng, đến 10.000 đồng/1 triệu/1 ngày (250 đến hơn 300%/năm).

Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)... để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng...

Ngoài ra, các công ty cung cấp ứng dụng kết nối giữa người có tiền cho vay và người có nhu cầu vay tiền, lãi suất đúng như quy định của nhà nước, nhưng lại biến tướng bằng hình thức thu “phí dịch vụ”, số tiền lãi thực tế thường trên 100% so với quy định của ngân hàng Nhà nước. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội.... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.                          

Không những thế, mặc dù là ứng dụng trên mạng Internet nhưng việc đòi nợ các đối tượng thực hiện như các giao dịch vay tín dụng đen thông thường, sẽ có đội ngũ đòi nợ sử dụng số điện thoại gọi đến người vay tiền hoặc trực tiếp đến nhà, trụ sở công ty, nơi làm việc gây áp lực để đòi nợ.

Riêng trong 5 năm vừa qua, cơ quan công an thành phố Hà Nội đã phát hiện 1390 vụ việc có liên quan đến hoạt động tín dụng đen, gồm: 389 vụ phạm pháp hình sự, 926 đối tượng có liên quan và 1001 vụ việc đổ chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động vay, cho vay tài chính, cầm đồ. Đồng thời, đã tổ chức tổng kiểm tra 7098 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ, phát hiện xử lý 585 trường hợp vi phạm.

 
Các công ty cung cấp ứng dụng kết nối giữa người có tiền cho vay và người có nhu cầu vay tiền, lãi suất đúng như quy định của nhà nước, nhưng lại biến tướng bằng hình thức thu “phí dịch vụ”, số tiền lãi thực tế thường trên 100% so với quy định của ngân hàng Nhà nước.

Theo TS. Cấn Văn Lực, để giải quyết vấn đề tín dụng đen, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, bền vững.  

Thứ nhất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, vốn chính thức cho người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Thứ hai, tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để phát triển kinh tế số, tài chính số.

Thứ ba, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ tài chính ngân hàng.

Thứ tư, hết sức chú trọng khâu thực thi cơ chế, chính sách; trong đó tập trung xóa điểm nghẽn phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức tài chính, các hiệp hội ngành nghề và dân sự (hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, mặt trận tổ quốc...).

Thứ năm, triển khai đồng bộ các biện pháp mạnh đối với hành vi tín dụng đen. Bên cạnh các văn bản hiện có như Luật Dân sự và Luật Hình sự (tội cho vay nặng lãi), các nghị định, thông tư; các cơ quan quản lý cần rà soát và bổ sung chỉnh sửa cho phù hợp với việc xử lý hoạt động ngày càng tinh vi…

Thứ sáu, quan trọng hơn cả vẫn là ý thức của người dân, cộng đồng trong phòng, chống tín dụng đen. Người dân, doanh nghiệp cần tránh xa những quảng cáo, kêu gọi hỗ trợ vay vốn, không cần chứng minh thu nhập… tại các tờ quảng cáo, tờ rơi, tin nhắn...