CEO VinCommerce: “Bao nhiêu điểm bán không quan trọng bằng mô hình hoạt động hiệu quả nhất”
Đó là chia sẻ của của ông Trương Công Thắng - Tổng giám đốc VinCommerce tại Hội nghị đối tác năm 2020
Đó là chia sẻ của của ông Trương Công Thắng - Tổng giám đốc VinCommerce tại Hội nghị đối tác năm 2020. Sau gần 1 năm về với Masan, VinCommerce thực hiện nhiều chiến lược tái cấu trúc mạnh mẽ, bổ nhiệm các vị trí quan trọng trong Công ty.
TÁI CẤU TRÚC TRÊN CƠ SỞ VẬN HÀNH ỔN ĐỊNH VÀ ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG PHỤC VỤ KHÁCH HÀNG
Ra đời năm 2014, chỉ trong vòng 6 năm, quy mô của VinCommecre (VCM) tăng trưởng với tốc độ "Thánh Gióng", trở thành nhà bán lẻ có quy mô lớn nhất Việt Nam khi sở hữu mạng lưới hơn 2600 siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ tại 58 tỉnh/thành trên cả nước.
"Về tay" Masan vào cuối năm 2019, VinCommerce chính thức bước vào giai đoạn cải thiện hiệu quả hoạt động sau khi quy mô đã bỏ xa các đối thủ.
"VinCommerce là hệ thống lớn, chúng tôi không thể tái cấu trúc quá nhanh mà phải từ từ để vận hành ổn định và đảm bảo chất lượng phục vụ người mua hàng", ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan từng chia sẻ.
Việc tái cấu trúc dựa trên một trong những ưu tiên chiến lược chính của Masan: phát triển VCM trở thành mô hình kinh doanh hàng tiêu dùng với các thương hiệu mạnh, lọt TOP 50 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới.
Tối ưu hóa danh mục sản phẩm, tăng tỷ trọng hàng tươi sống trên cả hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+, triển khai các các chương trình bán hàng giá tốt nhằm tạo động lực thu hút khách hàng. VCM cũng điều chỉnh mô hình hoạt động của VinMart+, bao gồm việc khai trương các cửa hàng thí điểm tại Tp.HCM và Hà Nội với hình thức bày trí mới. Các mô hình thí điểm này sẽ được áp dụng khi mở cửa hàng mới nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn. Đây là các cải tiến nổi bật đã được VCM thực hiện trong thời gian qua.
Cùng với đó, VCM mạnh tay đóng cửa các siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ hoạt động kém hiệu quả nhằm cắt lỗ. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2020, các siêu thị và cửa hàng có tỷ lệ doanh thu/m2 thấp hơn 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn được đóng cửa. Song song với đó, 57 cửa hàng VinMart+ và 1 siêu thị VinMart được mở mới tại các khu vực giàu tiềm năng.
Kết quả, 3 quý đầu năm 2020, VinCommerce mang về khoản doanh thu 23.678 tỷ đồng, chiếm 42,5% trong tổng doanh thu 55.600 tỷ đồng toàn hệ thống Masan. EBITDA của VCM được cải thiện từ -5,1% trong quý I, -8,5% trong quý II lên -2,8% trong quý III và dự kiến hòa vốn EBITDA trong quý IV năm nay.
VCM dự kiến phục vụ 300 triệu lượt khách hàng, , tạo tiền đề cho việc mở rộng mạng lưới điểm bán mạnh mẽ trong năm 2021. Mục tiêu đến năm 2025, VCM sẽ sở hữu 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+ tại 63 tỉnh/thành với 10 triệu khách hàng thân thiết.
NHÂN SỰ LÀ YẾU TỐ THEN CHỐT TRONG QUÁ TRÌNH TÁI CẤU TRÚC
Bên cạnh việc thực thi nhiều giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống VinMart/VinMart, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được xem là "quân bài" chiến lược của VinCommerce trong quá trình tái cấu trúc.
Ngày 2/12/2020, Masan công bố bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phương đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc thường trực VinCommerce. Ở vị trí này, bà Phương chịu trách nhiệm điều hành hệ thống siêu thị VinMart.
Trước khi gia nhập VinCommerce, bà Phương có hơn 17 năm công tác tại các chuỗi bán lẻ như Central Retail Việt Nam, Big C Việt Nam và Metro Cash & Carry.
Với việc bổ sung và củng cố đội ngũ lãnh đạo, có thể thấy rằng, VCM đang kỳ vọng sẽ mang lại nhiều giá trị hơn nữa cho khách hàng, tăng lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và lợi nhuận cho VCM.