Châu Âu đối mặt suy thoái nếu Nga "khóa van" khí đốt
Khí đốt chiếm khoảng 1/4 sản lượng năng lượng của EU và Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên cho khối này...
Theo một báo cáo nghiên cứu mới công bố, nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding và nhà kinh tế cấp cao Kallum Pickering của ngân hàng Berenberg (Đức) nhận định việc Nga đột ngột dừng cung cấp khí đốt cho châu Âu có thể đẩy nền kinh tế của châu lục này rơi vào suy thoái.
Tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom của Nga tuần này tuyên bố sẽ dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vì hai nước này từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng Rúp theo yêu cầu của điện Kremlin.
CNBC nhận định, với thời hạn thanh toán chỉ còn vài tuần của hàng loạt quốc gia châu Âu – những nước khả năng cao sẽ không thanh toán bằng đồng Rúp, những đe dọa trước đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho những quốc gia “không thân thiện” đang trở thành mối lo hàng đầu.
Khí đốt chiếm 1/4 nhiên liệu đầu vào cho phát điện trong EU, và Nga là nguồn cung cấp 40% lượng khí đốt tự nhiên mà khối này nhập khẩu.
Châu Âu đang phải đối mặt với cú sốc kinh tế do ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraine. Cuộc xung đột này khiến giá lương thực và năng lượng tại châu lục này càng tăng mạnh, làm dấy lên lo ngại về "stagflation" – trạng thái tăng trưởng kinh tế thấp nhưng lạm phát cao.
“Các tính toán cho thấy việc này có thể khiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) của khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) năm 2023 giảm 3 điểm phần trăm so với kịch bản cơ bản. Như vậy có vẻ quá bi quan, nhưng việc này chắc chắn sẽ gây cú sốc lớn cho tới khi kết thúc mùa lạnh vào mùa xuân năm 2023”, hai ông Schmieding và Pickering nói.
Theo kịch bản cơ bản mà các chuyên gia này đưa ra, EU sẽ giảm nhập khẩu khí đốt càng nhanh càng tốt mà không để xảy ra nguy cơ thiếu hụt và có thể chấm dứt nhập khẩu vào năm 2024.
“Theo kịch bản này, giá năng lượng sẽ tiếp tục ở mức cao nhưng có thể không tăng thêm. Châu Âu có thể dần dần thích tứng với cú sốc giá năng lượng, có thể khôi phục đáng kể tăng trưởng kinh tế vào mùa hè, trừ phi các đợt phong tỏa vì dịch Covid-19 ở Trung Quốc và tình trạng thiếu nguồn cung kèm theo đó không xấu đi trong quý 2”, báo cáo của Berenberg nói.
Tuy nhiên, hai vị chuyên gia lưu ý rằng việc ngừng dòng khí đốt từ Nga vẫn là một nguy cơ tiềm ẩn có thể buộc một số nước châu Âu phải phân bổ lại nguồn cung khí đốt cho một số lĩnh vực công nghiệp vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
Trong khi đó, lạm phát tại Eurozone đã tăng lên mức kỷ lục 7,5% trong tháng 3 do chiến tranh ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đẩy giá năng lượng tăng vọt. Động thái ngừng cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria của Nga làm tăng rủi ro lạm phát.
“Chúng tôi hiện dự báo lạm phát của Eurozone là 7% và 3% lần lượt trong năm nay và năm 2023. Nếu giá khí đốt tự nhiên châu Âu tăng lên 150 Euro/MWh và duy trì ở mức này, thay vì giảm xuống 75 Euro vào cuối năm 2023 như chúng tôi đang dự báo, lạm phát toàn phần có thể tăng 0,2 điểm phần trăm so với các dự báo của chúng tôi”, nhà kinh tế Edward Gardner của Capital Economics Commodities nói.
Ông Gardner cũng nói thêm rằng tuyên bố của Gazprom làm tăng rủi ro thiếu khí đốt tại châu Âu – điều có thể “làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái” mà Capital Economics dự báo sẽ xảy ra tại Eurozone trong năm 2022.
“Nếu Nga ngừng xuất khẩu khí đốt sang Đức, Chính phủ nước này có thể hạn chế tiêu thụ khí đốt. Trong khi các hộ gia đình có thể được bảo vệ, các ngành công nghiệp (đặc biệt là hóa chất và luyện kim) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn tới một cuộc suy thoái sâu sắc”, nhà kinh tế của Capital Economics nhận định.