09:29 28/04/2022

Nhiều công ty chấp nhận trả tiền mua khí đốt Nga bằng Rúp, châu Âu lên tiếng cảnh báo

An Huy

Hiện châu Âu vẫn đang cố gắng tập trung sức mạnh của toàn khối để ứng phó với việc Moscow bắt đầu cắt cung cấp khí đốt cho một số nước - động thái được coi là “vũ khí hoá” năng lượng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo các công ty trong khu vực không được chấp nhận yêu cầu mà phía Nga đưa ra về việc trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Rúp. Hiện châu Âu vẫn đang cố gắng tập trung sức mạnh của toàn khối để ứng phó với việc Moscow bắt đầu cắt cung cấp khí đốt cho một số nước - động thái được coi là “vũ khí hoá” năng lượng.

Tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga ngày 27/4 đã ngừng bơm khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, đẩy căng thẳng giữa Nga với phương Tây lên một nấc cao mới. Động thái này hiện thực hoá lời cảnh báo mà điện Kremlin đưa ra hồi tháng 3 rằng nếu các quốc gia “không thân thiện” không dùng đồng Rúp để thanh toán cho khí đốt mua từ Nga, họ sẽ bị Nga cắt khí đốt.

Câu hỏi lớn nhất đặt ra lúc này là những nước tiêu thụ nhiều khí đốt Nga nhất trong EU, như Đức và Italy, sẽ phản ứng thế nào với động thái của Nga. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck đã cảnh báo rằng nguy cơ có thêm các quốc gia trong EU bị Nga cắt khí đốt cần phải được nhìn nhận nghiêm túc.

 

Các công ty năng lượng châu Âu đang tiếp tục tìm kiếm những “đường vòng”, và hướng dẫn mà EU đưa ra vào tuần trước có thể khuyến khích họ làm điều đó. Các công ty có thể tìm kiếm sự xác nhận của phía Moscow rằng một giao dịch đã được hoàn tất một khi thanh toán được thực hiện bằng Euro, cho dù sau đó số Euro này được chuyển đổi sang Rúp.

Nỗ lực của châu Âu nhằm tạo ra một mặt trận thống nhất trước yêu cầu của Nga đang bị thử thách – hãng tin Bloomberg nhận định.

Theo một nguồn thạo tin thân cận với Gazprom, một số công ty châu Âu đã đáp ứng yêu cầu thanh toán bằng Rúp mà phía Nga đưa ra. Nguồn tin nói rằng đã có 4 công ty thực hiện thanh toán bằng Rúp và 10 công ty mở tài khoản Rúp.

Hãng năng lượng khổng lồ Eni SpA của Italy đang chuẩn bị các bước cần thiết để có thể mua khí đốt Nga bằng đồng Rúp. Hãng Uniper SE của Đức tin rằng có thể tiếp tục mua khí đốt từ Nga mà không vi phạm các biện pháp trừng phạt.

“Các công ty có hợp đồng mua khí đốt Nga không nên ngả theo yêu sách của Nga”, bà von der Leyen phát biểu. “Đó sẽ là một sự vi phạm trừng phạt, đặt ra rủi ro cao cho các công ty đó”.

Thời hạn để châu Âu trả tiền khí đốt Nga bằng Rúp sẽ bắt đầu từ tháng tới, và các chính phủ và doanh nghiệp trong khu vực sẽ phải lựa chọn giữa một bên là đáp ứng yêu cầu này, một bên là đối mặt với cảnh phải chia khầu phần khí đốt.

Giá khí đốt tại thị trường châu Âu có lúc tăng hơn 20% trong phiên ngày 27/4, nhưng sau đó thu hẹp mức tăng khi các nhà giao dịch đánh giá về khả năng cắt khí đốt trên diện rộng.

Chính phủ Đức tiếp tục kêu gọi các công ty của nước này duy trì thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Euro, theo đúng hướng dẫn của EU. Ông Habeck nói châu Âu cần chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp bị Nga ngừng cung cấp khí đốt trên toàn khối.

“Nga đang chứng tỏ là họ đang sẵn sàng làm đúng những gì họ nói. Nếu như có một ai đó không tuân thủ đúng yêu cầu về thanh toán, họ sẵn sàng dừng cung cấp khí đốt”, ông Habeck phát biểu. “Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề nghiêm túc, cả Đức và các nước châu Âu khác”.

Tuy nhiên, các công ty năng lượng châu Âu đang tiếp tục tìm kiếm những “đường vòng”, và hướng dẫn mà EU đưa ra vào tuần trước có thể khuyến khích họ làm điều đó. Khối này đã ra một tài liệu nói rằng các công ty nên tiếp tục trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Euro, nhưng yêu cầu mà Nga đưa ra không báo trước sự miễn trừ. Điều này có nghĩa là các công ty có thể tìm kiếm sự xác nhận của phía Moscow rằng một giao dịch đã được hoàn tất một khi thanh toán được thực hiện bằng Euro, cho dù sau đó số Euro này được chuyển đổi sang Rúp.

Uniper cho biết đang đàm phán với Gazprom về vấn đề này.

Ông Habeck nói hiện chưa rõ Nga sẽ phản ứng thế nào nếu các công ty châu Âu tiếp tục thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng Euro.

Các đợt thanh toán tiền mua khí đốt nối tiếp nhau, và Ba Lan có vẻ là một trong những nước đầu tiên nhận hoá đơn thanh toán bằng Rúp. Những khách mua khác có nhiều thời gian hơn, như Uniper phải đến cuối tháng 5 mới phải thanh toán bằng Rúp.

Ba Lan là một trong những nước chỉ trích mạnh mẽ nhất cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và là một trong những quốc gia vận động trừng phạt ngành năng lượng Nga. Đến nay, châu Âu chưa đưa ra một biện pháp mạnh tay nào với năng lượng Nga, nhưng đang cân nhắc cấm vận dầu thô Nga.

Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến cả châu Âu bị sốc khi đưa ra yêu cầu rằng khách hàng “không thân thiện” mua khí đốt Nga, chủ yếu là các nước châu Âu, phải thanh toán bằng Rúp. Ông Putin cũng liên tục nhấn mạnh về tổn thất kinh tế và chính trị khi giá năng lượng leo thang ở châu Âu, cho rằng các nước phương Tây không thể chịu được sức ép của một đợt cắt khí đốt kéo dài.