Chiến tranh thương mại: Nền kinh tế nào "đắc lợi" và "vạ lây" nhiều nhất?
3 lĩnh vực tại châu Á chịu tác động lớn nhất của chiến tranh thương mại là công nghệ, sản xuất ôtô và nông nghiệp
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) của Anh, khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, những xáo trộn ngắn hạn nhưng trên diện rộng sẽ xảy ra tại châu Á. Tuy nhiên, bên cạnh một số nền kinh tế chịu thiệt hại nặng, một số khác sẽ được hưởng lợi lớn trong dài hạn.
Trả lời phỏng vấn của CNBC, nhà phân tích Nick Marro của EIU nhận định 3 lĩnh vực tại châu Á chịu tác động lớn nhất của chiến tranh thương mại gồm công nghệ, sản xuất ôtô và nông nghiệp. Các nền kinh tế như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan có thể được hưởng lợi trong dài hạn trên một số lĩnh vực như công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), cũng như sản xuất ôtô, Marro cho biết.
Những "ngư ông đắc lợi" trong lĩnh vực công nghệ
Theo báo cáo của EIU, Việt Nam và Malaysia là hai nước có thể hưởng lợi nhiều nhất khi chiến tranh thương mại leo thang, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cấp thấp như "linh kiện trung gian và sản xuất hàng tiêu dùng như điện thoại di động, laptop".
Nguồn: The Economist Intelligence Unit.
Nhà phân tích Marro cho rằng lĩnh vực có tầm quan trọng nhất trong chiến tranh thương mại đến nay là công nghệ và được dự báo sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn.
"Hầu hết thuế quan đều đã nhằm vào linh kiện điện tử và máy móc. Chúng tôi cho rằng các đòn thuế quan sẽ còn tiếp tục được tung ra để nhắm đến các sản phẩm thành phẩm - như điện thoại, laptop - và ngày càng thúc đẩy các cuộc tranh luận về công nghệ dưới lá bài an ninh quốc gia", Marro nói.
Lĩnh vực công nghệ đóng vai trò lớn trong chiến tranh thương mại bởi hàng điện tử và linh kiện liên quan chiếm lượng lớn nhất trong danh mục nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc và Washington muốn kìm hãm chiến lược phát triển với trọng tâm thúc đẩy công nghệ cao mang tên "Made in China 2025" của Trung Quốc.
Ngành ôtô Thái Lan, Malaysia hưởng lợi nhiều nhất
Thuế quan của Mỹ áp lên phụ tùng ôtô của Trung Quốc sẽ tạo ra những thay đổi trong chuỗi cung ứng và đầu tư, từ đó giúp ích không ít cho một số nền kinh tế tại châu Á như Thái Lan và Malaysia.
"Mỹ là nước nhập khẩu phụ tùng ôtô lớn nhất thế giới. Việc nước này áp thuế lên phụ tùng ôtô chắc chắn sẽ tạo sức ép lên các nhà sản xuất Trung Quốc", Marro giải thích.
Theo đó, "việc tái cơ cấu đầu tư và điều chỉnh trong chuỗi cung ứng sẽ hướng tới các nền kinh tế láng giềng của Trung Quốc", ông nói.
Nguồn: The Economist Intelligence Unit.
Ngành công nghiệp ôtô Thái Lan được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều nhất nhờ quan hệ thương mại đa dạng với Mỹ, Trung Quốc và các nước trong ASEAN. Các nhà sản xuất phụ tùng của nước này có thể sẽ giành được thị phần từ đối thủ Trung Quốc, báo cáo của EIU cho biết. Trong khi đó, Malaysia đang có hơn 800 nhà sản xuất phụ tùng ôtô cùng một mạng lưới xuất khẩu phụ tùng đa dạng - lợi thế lớn trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang.
Những nền kinh tế bị "vạ lây"
Nhiều nền kinh tế tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang Trung Quốc và sẽ phải chịu "thiệt hại trong ngắn hạn", nhà phân tích của EIU nói.
"Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn của hàng hóa trung gian và thành phẩm ICT từ cả 4 nền kinh tế này. Điều đó có nghĩa là các công ty trong lĩnh vực này sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất khi thuế quan tác động đến nhu cầu những sản phẩm này", báo cáo của EIU cho biết.
Việc này có thể gây ra những hậu quả dài hạn bởi các công ty có thể quyết định chuyển đổi theo hướng không phụ thuộc vào Trung Quốc nữa, nhà phân tích Marro giải thích.
Tuy nhiên, Đài Loan và Hàn Quốc có thể sẽ giảm bớt được tác động nhờ vị thế an toàn trong chuỗi cung ứng với năng lực sản xuất thiết bị công nghệ cao.
Vài tháng qua, Mỹ và Trung Quốc liên tiếp tung ra các đòn thuế quan nhắm vào đối phương, khiến căng thẳng thương mại ngày càng leo thang. Mỹ đã áp thuế quan lên thêm 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đe dọa đánh thuế lên toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa từ nước này. Trong khi đó, Bắc Kinh trả đũa bằng đòn thuế quan lên 110 tỷ USD hàng Mỹ.
Theo Ủy viên Hội đồng Nhà nước Trung Quốc Wang Yi, một cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến tổ chức tại Argentina vào tháng này sẽ có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, các nhà phân tích bày tỏ quan điểm trái ngược về khả năng hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.