09:09 05/12/2007

Chờ “sóng” FDI đổ vào bất động sản

Phan Dương

Theo ước tính, hiện thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút hàng chục tỷ USD vốn đầu tư

"Nhằm đón đầu cơ hội phát triển các loại hình bất động sản khi Việt Nam đã gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp FDI triển khai các dự án vốn hàng trăm triệu USD".
"Nhằm đón đầu cơ hội phát triển các loại hình bất động sản khi Việt Nam đã gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp FDI triển khai các dự án vốn hàng trăm triệu USD".
Theo bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, thời gian tới sẽ có một làn sóng đầu tư mới đổ vào bất động sản Việt Nam.

Bà nhận định như thế nào về nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản của Việt Nam trong thời gian gần đây?

Theo ước tính, hiện thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút hàng chục tỷ USD vốn đầu tư. Ngoài các doanh nghiệp trong nước thì vốn đầu tư nước ngoài cũng ngày một mạnh khiến cho thị trường bất động sản Việt Nam đang ngày một “nóng” lên. Nhằm đón đầu cơ hội phát triển các loại hình bất động sản khi Việt Nam đã gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp FDI triển khai các dự án vốn hàng trăm triệu USD.

Ví như tại Tp.HCM có: dự án Saigon Sport City do Singapore đầu tư 130 triệu USD; Saigon Happiness Square, vốn đầu tư của Đài Loan trị giá 428 triệu USD... Tại Hà Nội, Công ty Kaengnam (Hàn Quốc) đang xây dựng khu căn hộ, văn phòng và khách sạn với 3 cao ốc với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn 1 tỷ USD, Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) đầu tư 500 triệu USD xây dựng tổ hợp khách sạn, căn hộ và văn phòng phía sau Trung tâm Hội nghị quốc gia...

Các quỹ đầu tư nước ngoài bắt đầu tìm kiếm cơ hội tham gia vào thị trường, các quỹ đầu tư chuyên ngành cũng bắt đầu xuất hiện. Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang tăng trưởng và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 50 năm nữa. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của thị trường lại nằm trong vòng 10 năm tới với mức tăng trưởng dự báo khoảng 50 - 100%.

Theo bà, đâu là yếu tố thu hút đầu tư vào thị trường này?

Trong thời gian gần đây, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã tiếp rất nhiều đoàn doanh nghiệp thuộc các nước, lãnh thổ như Mỹ, Úc, Canada, Ý, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Hong Kong, Thái Lan, Đài Loan, Philippines...

Đa số là những tập đoàn lớn, có tiềm lực vốn rất mạnh, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Các doanh nghiệp này rất quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và Tp.HCM nói riêng. Họ cho biết hiện nay thị trường bất động sản ở một số nước châu Á khác gần như bão hòa, nếu đầu tư vào lĩnh vực này không mang lại lợi nhuận cao.

Tại các quốc gia phát triển, việc đầu tư vào bất động sản rất khó khăn vì hạ tầng của họ đã khá đầy đủ. Trong khi đó, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của tiến trình đô thị hóa. Các thành phố lớn ở Việt Nam dân số tăng nhanh, nhu cầu về nhà ở, văn phòng làm việc, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, khách sạn rất cao. Đây là cơ hội tốt để họ đầu tư vào thị trường này.

Theo phản ánh của các nhà đầu tư nước ngoài với HoREA, đâu là những khó khăn mà họ thường gặp phải khi thực hiện đầu tư xây dựng các dự án bất động sản tại Việt Nam, thưa bà?

Qua nhiều lần làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đang thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam và những nhà đầu tư nước ngoài đang muốn đầu tư vào Việt Nam, tôi nhận thấy được một s khó khăn mà đầu tư nước ngoài thường gặp.

Thứ nhất, khó tìm được vị trí đắc địa với mức giá hợp lý. Thực tế, đã có nhiều khu đất có vị trí rất tốt được đưa ra gọi vốn đầu tư, nhưng do giá đất cao hoặc mật độ xây dựng, tầng cao hạn chế nên nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc khi đầu tư.

Thứ hai, về thủ tục pháp lý và công tác bồi thường giải tỏa, nhà đầu tư nước ngoài thường băn khoăn về những vấn đề, như giá cả, đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, thời hạn thuê đất...

Hiện vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần phải giải quyết liên quan đến việc xin giấy phép đầu tư, tiêu chuẩn quy hoạch. Tuy nhiên, gần đây các nhà đầu tư nước ngoài đều nhận định rằng Việt Nam đang có những nỗ lực trong việc cải thiện các vấn đề trên.

Vậy các doanh nghiệp bất động sản trong nước cần phải làm như thế nào để không lãng phí các cơ hội hợp tác đầu tư?

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp bất động sản trong nước hiện đang tích cực chuẩn bị cho vấn đề sắp xếp lại đội ngũ nhân viên của mình cũng như xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực có thể đáp ứng thời kỳ hội nhập.

Đồng thời, họ cũng học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước để xây dựng chiến lược kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án, nhanh chóng đưa vào triển khai xây dựng do chính mình đầu tư hoặc hợp tác với các nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài.

Theo bà, trong thời gian tới, xu hướng đầu tư nước ngoài vào bất động sản Việt Nam sẽ diễn biến ra sao?

Theo tôi, trong thời gian tới sẽ có làn sóng đầu tư mới từ nhiều quốc gia khác nhau đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam. Là một hiệp hội của các nhà phát triển bất động sản thành phố, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác, thông qua các buổi tiếp xúc, hội thảo, hội nghị.