05:18 10/05/2014

Chủ tịch nước yêu cầu rà lại vụ Huyền Như

Ngô Trang

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu rà soát lại vụ án Huyền Như trước những thông tin cho rằng đã xảy ra sót người, lọt tội

Với việc chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, bị cáo Huyền Như đã bị kết án tù chung thân.<br>
Với việc chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, bị cáo Huyền Như đã bị kết án tù chung thân.<br>
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa yêu cầu các cơ quan tố tụng khẩn trương rà soát lại quá trình điều tra, xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm, trước những dư luận cho rằng, đã để xảy ra sót người, lọt tội.

Theo công văn từ Văn phòng Chủ tịch nước gửi các cơ quan bảo vệ pháp luật, sau khi Toà án Nhân dân Tp.HCM xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn, có nhiều ý kiến khác nhau về bản án đã được tuyên.

Cụ thể, ngoài những ý kiến tán thành, còn nhiều ý kiến chưa đồng tình với kết quả xét xử sơ thẩm, đề nghị xem xét lại tội danh của Huỳnh Thị Huyền Như và tư cách tham gia tố tụng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) vì cho rằng bản án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, chưa công bằng, nghiêm minh và chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế.

Nhiều bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án này có đơn kháng cáo; Viện Kiểm sát nhân dân Tp.HCM cũng có kháng nghị phúc thẩm. Vụ án đang trong quá trình được Toà án Nhân dân Tối cao xem xét, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

Trước tình hình này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương rà soát lại vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo.

Từ đó, xác định tội danh và quyết định mức hình phạt theo đúng luật định, xét xử công bằng, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để sót người, lọt tội, nhưng cũng không làm oan người vô tội.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật cần làm rõ và đầy đủ những vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, không loại trừ tổ chức, cá nhân nào, từ đó có hình thức xử lý tương xứng, đáp ứng kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân, có tác dụng tốt trong việc răn đe, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, trong đó có tội phạm lĩnh vực kinh tế.

Trước đó, theo cáo trạng của viện kiểm sát, do thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, từ năm 2010, Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro VietinBank, đã làm giả nhiều con dấu, chữ ký của các cá nhân tổ chức để lừa chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.

Với hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, ngày 27/1/2014, bị cáo Huyền Như đã bị tòa tuyên phạt mức án tù chung thân, đồng thời tuyên buộc 23 bị cáo trong vụ án phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt bất chính, trong đó bị cáo Huyền Như phải trả gần 4.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt của cá nhân, doanh nghiệp nói trên.

Đáng chú ý, hầu hết các nguyên đơn dân sự, bị hại trong vụ án đều kháng cáo, đề nghị Toà án Nhân dân Tối cao xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của VietinBank trong vụ án, và buộc ngân hàng này phải có trách nhiệm đối với số tiền mà Huyền Như, với tư cách là người của VietinBank, đã chiếm đoạt của họ.