Chuẩn bị cho trẻ đi học lại, phải có phương án xử lý ca F0 trong trường học
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đi học phải an toàn, kiểm soát được dịch, bảo vệ được sức khoẻ cho học sinh và cộng đồng nhưng điều đó không có nghĩa tuyệt đối không có học sinh mắc Covid-19...
Ngày 3/11, dưới sự chủ trì của hai Phó Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã họp bàn về công tác phòng, chống dịch; Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19; kế hoạch đầu tư, mua sắm vaccine, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch theo các cấp độ.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tính tới 16h ngày 2/11, cả nước ghi nhận 932.357 ca mắc Covid-19, trong đó có 929.064 ca trong nước. Đến nay, đã có 824.806 người khỏi bệnh, 22.131 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 929.505 ca, trong đó có 927.494 ca trong nước (99,8%), 821.989 người đã khỏi bệnh (88%), 22.096 tử vong tại 44 tỉnh, thành phố.
Đến ngày 1/11, đã tiếp nhận và phân bổ 75 đợt vaccine với tổng số gần 105 triệu liều. Cả nước đã tiêm được hơn 83,25 triệu liều, trong đó có 33 triệu người tiêm một liều vaccine và 25,1 triệu người tiêm đủ 2 liều vaccine. Tỉ lệ tiêm ít nhất một liều vaccine là 80,4% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là 34,7% dân số từ 18 tuổi trở lên.
"Trong tuần qua, số ca mắc mới trong cộng đồng đã có dấu hiệu tăng trở lại. Tình hình dịch bệnh trong nước vẫn còn nguy cơ diễn biến khó lường. Các địa phương căn cứ vào cấp độ dịch được công bố, các huyện, thị xã, thành phố phải áp dụng ngay các biện pháp tương ứng để kiểm soát dịch trên địa bàn", Thứ trưởng Bộ Y tế báo cáo.
KHÔNG THỂ TUYỆT ĐỐI KHÔNG CÓ HỌC SINH MẮC COVID-19
Tại cuộc họp, thảo luận về công tác chuẩn bị cho học sinh trở lại trường, các ý kiến nhận định, việc không được đến lớp ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập, phát triển tâm sinh lý của học sinh. Đây không chỉ là nhu cầu của học sinh mà còn là của gia đình, phụ huynh học sinh.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi, chưa có khuyến nghị chính thức tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, không thể đợi tiêm hết vaccine hoặc hết ca nhiễm trong cộng đồng mới cho trẻ đi học trở lại.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đi học phải an toàn, kiểm soát được dịch, bảo vệ được sức khoẻ cho học sinh và cộng đồng.
"Điều đó không có nghĩa tuyệt đối không có học sinh mắc Covid-19. Do đó, ngành giáo dục, y tế phải hướng dẫn rất chi tiết về các quy định phòng, chống dịch trong lớp học, khi ra chơi, phương án xử lý khi có ca mắc trong trường học…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định, chuyển sang thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 nhưng vẫn phải kiên trì thực hiện nguyên tắc phòng, chống dịch từ những ngày đầu: “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị sớm”.
CÓ KẾ HOẠCH TIÊM NHANH NHẤT CHO ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VÀ TÂY NGUYÊN
Các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế khẩn trương phân bổ đủ vaccine cho các địa phương, đặc biệt là các địa phương có nguy cơ cao, rất cao; trong đó bảo đảm đủ vaccine, có phương án chi viện nhân lực để theo kịp tiến độ, kế hoạch tiêm vaccine nhanh nhất cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.
Bộ Y tế cũng cần sớm rà soát, thống kê nhu cầu sinh phẩm xét nghiệm của các địa phương phục vụ cho công tác xét nghiệm đối với người từ vùng dịch về và tầm soát trong cộng đồng.
Liên quan đến vấn đề này, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản cho biết, tình hình dịch bệnh ở TP.HCM đến nay cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, các đơn vị quân đội vẫn sẵn sàng chi viện khi được điều động, cụ thể như hỗ trợ các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 khi có yêu cầu.
Về việc tổ chức mua sắm tập trung một số vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc điều trị…, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng pháp luật đã quy định, mô hình thực tiễn cũng đã có.
"Bộ Y tế phải tổ chức, tính toán phương án mua sắm hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm đúng quy trình, công khai, minh bạch, rõ ràng. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp vướng mắc, Bộ Y tế chủ động đề xuất cụ thể với cấp có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ theo đúng quy định của pháp luật", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế khẩn trương tổng hợp nhu cầu trang thiết bị, vật tư y tế theo đúng kịch bản phòng, chống dịch đã được phê duyệt và tổ chức mua sắm theo thẩm quyền, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới.
TRIỂN KHAI THỐNG NHẤT NGHỊ QUYẾT 128
Tại cuộc họp, các ý kiến cũng đánh giá hệ thống giám sát y tế, dịch bệnh trong cộng đồng phải nâng cao hơn một mức so với trước đây. Các giải pháp tuyên tuyền, vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch phải thống nhất, không để lúc chặt quá, khi lỏng quá.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh công tác vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; củng cố hoạt động của các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục chủ động chăm lo đời sống an sinh của người dân trong bối cảnh dịch bệnh.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh cần phải thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ thống nhất trong toàn quốc, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở trong công tác phòng, chống dịch. Song song đó, Bộ Y tế tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hướng dẫn chi tiết trong xác định cấp độ dịch, biện pháp ứng phó phù hợp, sát với tình hình dịch của mỗi địa phương.
Góp ý dự thảo Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, các ý kiến lưu ý, đây là chiến lược chuẩn bị triển khai sau khi cả nước đã tiêm phủ vaccine (dự kiến vào cuối năm 2021). Trong khoảng thời gian này, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phải linh hoạt, mềm dẻo với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.