06:00 24/01/2023

Chuẩn bị nguồn nhân lực đủ kỹ năng đón “làn sóng” FDI

Thu Hằng

Nhân dịp đầu Xuân mới, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc phỏng vấn ông Andree Mangels, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam xung quanh câu chuyện lao động và tuyển dụng nhân sự cho năm 2023, nhất là trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có nhiều thay đổi...

Ông Andree Mangels, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam.
Ông Andree Mangels, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam.

Trình độ kỹ năng thấp là một trong những yếu tố khiến Việt Nam hiện là một trong những nước có năng suất lao động thấp nhất khu vực. Trong tương lai, nguồn nhân công giá rẻ sẽ không còn là điều kiện quan trọng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài mà chính là yếu tố kỹ năng. Lao động Việt Nam cần cải thiện nhiều cả kỹ năng mềm và chuyên môn, để tận dụng cơ hội thu hút những doanh nghiệp nước ngoài lớn đầu tư vào Việt Nam…

Thế giới việc làm và thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19 và công nghiệp 4.0. Những yếu tố này sẽ tác động như thế nào đến thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số diễn ra ở mức độ cao và nhanh hơn ở nhiều ngành nghề. Theo khảo sát về thực trạng và nhu cầu kỹ năng của lao động trong các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tại các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam giai đoạn 2021-2023, do ManpowerGroup Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học, Lao động và Xã hội tiến hành trên 200 doanh nghiệp trên cả nước, phần lớn các doanh nghiệp FDI ngành sản xuất hiện nay đang ứng dụng công nghệ hiện đại ở trình độ cao đến rất cao (chiếm tỷ lệ 32% doanh nghiệp khảo sát). Số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ ở mức độ trung bình chiếm 63% và chỉ có 5% doanh nghiệp hiện không ứng dụng công nghệ.

Cũng theo khảo sát trên, hầu hết các doanh nghiệp FDI đều có định hướng rõ ràng trong năm tới với mức áp dụng công nghệ từ thấp đến rất cao, chiếm tới 94%. Chỉ có 6% doanh nghiệp khảo sát không có kế hoạch này.

Nhiều doanh nghiệp/nhà đầu tư đã bày tỏ lo ngại trước việc thiếu cục bộ lực lượng lao động có kỹ năng nghề để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Thậm chí, có ý kiến cho rằng nguồn lực chất lượng cao nếu không được chú trọng cải thiện trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mất dần sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Theo báo cáo Tổng chỉ số lao động Việt Nam 2022  (Total Workforce Index 2022), lao động có kỹ năng tay nghề cao của Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 11,6%. Đây là một điểm yếu của lao động Việt Nam khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực ASEAN. (Ví dụ, tỷ lệ lao động tay nghề cao của Thái Lan là khoảng 15%, Philippines là 18,5%, thậm chí Malaysia là 28,24%...). Trình độ kỹ năng thấp là một trong những yếu tố khiến Việt Nam hiện là một trong những nước có năng suất lao động thấp nhất khu vực, làm giảm hiệu suất công nghiệp và khả năng cạnh tranh của đất nước trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Trong tương lai, nhân công giá rẻ sẽ không còn là điều kiện quan trọng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, mà chính là yếu tố kỹ năng. Khảo sát xu hướng tuyển dụng nửa cuối năm 2022 của ManpowerGroup Việt Nam cũng cho biết, hiện có khoảng 57% doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Như vậy, người lao động trong nước cần cải thiện nhiều cả kỹ năng mềm và chuyên môn, nếu không sẽ tuột cơ hội vào tay các thị trường khác, cũng như khiến Việt Nam khó thu hút những doanh nghiệp nước ngoài lớn đầu tư.

Việc tuyển dụng nhóm lao động có kỹ năng này đối với các doanh nghiệp thường gặp những khó khăn gì và đâu là những nguyên nhân chính, thưa ông?

Những khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng tại Việt Nam phải kể đến như: không tuyển được đủ số lượng nhân sự mong muốn; ứng viên không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng chuyên môn và cả kỹ năng ngoại ngữ, đặc biệt là thị trường tuyển dụng cạnh tranh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tuyển dụng nhóm lao động này khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là do cầu cao hơn cung. Nhu cầu nhân lực có kỹ năng ngày càng cao ở các ngành nghề, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số, nhưng  nguồn cung thị trường lại không đủ. Đặc biệt, nguồn cung lao động giảm nhiều sau đại dịch, trong đó có việc chuyển đổi ngành nghề, rút khỏi thị trường lao động, rời thành phố lớn về các vùng quê.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do lương và chính sách đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn. Yêu cầu về kỹ năng lao động doanh nghiệp đặt ra ngày càng cao, trong khi  thực trạng đào tạo và đội ngũ lao động hiện tại chưa đáp ứng kịp. Mặt khác, số lượng doanh nghiệp gia nhập mới tăng cao, bao gồm doanh nghiệp FDI, do Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn sau dịch dẫn đến thị trường tuyển dụng càng cạnh tranh.

Như vậy, để tuyển dụng và giữ chân được nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề, lao động chất lượng cao, doanh nghiệp sẽ cần có những chính sách gì để thu hút nhóm lao động này, thưa ông?

Trước hết là cần tăng cường các chế độ đãi ngộ, phúc lợi đa dạng. Đại dịch đã khiến người lao động thay đổi quan điểm về những giá trị ưu tiên khi đi làm. Bên cạnh yếu tố lương, họ ngày càng quan tâm đến môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp, chế độ đào tạo, an toàn – sức khỏe, sự cân bằng giữa công việc – cuộc sống…

Một con số đáng ngạc nhiên là gần 50% người lao động sẵn sàng chuyển công ty để có được phúc lợi tốt hơn. Do đó, nếu doanh nghiệp chú trọng và mang lại được những điều này, họ sẽ có thể thu hút tốt hơn người lao động, tăng khả năng cạnh tranh với các nhà tuyển dụng khác và gắn kết, giữ chân để người lao động gắn bó lâu dài.

Đồng thời, cần hợp tác với các cơ sở đào tạo, trường nghề, trường đại học trong việc thu hút sinh viên, quảng bá thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp, cũng như đặt đơn hàng đào tạo theo yêu cầu. Ngoài ra cần cân nhắc việc sử dụng lao động thời vụ/ngắn hạn để đảm nhiệm các vị trí vận hành không quá then chốt. Lao động thời vụ/ngắn hạn có thể giúp doanh nghiệp giảm thiểu phần nào chi phí nhân sự và có thể linh hoạt thay đổi theo yêu cầu kinh doanh tại từng thời điểm.

Các doanh nghiệp cũng có thể tìm đến các đơn vị cung cấp nhân sự chuyên nghiệp. Không chỉ đóng vai trò cánh tay nối dài cho bộ phận tuyển dụng nội bộ của doanh nghiệp, đơn vị cung cấp nhân sự chuyên nghiệp còn có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và có thể tư vấn cho các doanh nghiệp nhiều chiến lược quan trọng khác như: Giữ chân nhân tài; phát triển nhân tài nội bộ; đào tạo, xây dựng lộ trình nghề nghiệp…

Nếu đưa ra những gợi mở/khuyến nghị để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngày càng có kỹ năng cao đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, ông sẽ nói gì?

Chúng tôi tin rằng tất cả các bên liên quan nên tham gia để cải thiện trình độ kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam. Từ các tổ chức giáo dục và đào tạo, các trung tâm giáo dục đào tạo cần liên kết với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo thực tiễn và cập nhật với yêu cầu của thị trường. Các cơ sở đào tạo nghề cũng cần quan tâm đào tạo các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm cho học viên, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ và các kỹ năng văn phòng. Ngoài ra, cần tăng cường định hướng nghề nghiệp cho học sinh, khuyến khích các em lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, cập nhật xu hướng và nhu cầu của thị trường.

Từ phía các doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ nhân sự chuyên nghiệp, doanh nghiệp có thể đến thẳng các trung tâm đào tạo để kết nối với lao động trẻ theo chuyên ngành mong muốn, cũng như đặt hàng đào tạo theo yêu cầu cụ thể. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo cập nhật tình hình tuyển dụng và nhu cầu nhân tài; xu hướng thị trường; hay các hội thảo về dự báo nhu cầu nhân lực. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có chính sách đào tạo cho nhân viên nội bộ để không ngừng nâng cao chất lượng nhân lực trong chính tổ chức của mình.

Vậy, đối với người lao động, theo ông đâu là những kỹ năng, yêu cầu cần chuẩn bị để sẵn sàng gia nhập vào một thị trường lao động luôn thay đổi và vận động như hiện nay, thưa ông?

Người lao động cần có cả kỹ năng số, kỹ năng mềm và yêu cầu về ngoại ngữ. Trong đó, về kỹ năng chuyên môn, người lao động cần không ngừng trau dồi, rèn luyện các kỹ năng chuyên môn thông qua nhiều hình thức như: đào tạo tại chỗ; tham gia các khóa học, hội thảo chuyên môn trực tuyến, trực tiếp; đào tạo vừa học vừa làm…

Về kỹ năng mềm, đại dịch Covid-19 qua đi cũng chứng minh tầm quan trọng ngày càng lớn của các kỹ năng mềm. Theo khảo sát của ManpowerGroup, những kỹ năng mềm được doanh nghiệp mong đợi nhiều nhất ở người lao động bao gồm: tính kỷ luật; khả năng thích nghi; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng lập luận và giải quyết vấn đề; khả năng phân tích, đề xuất ý tưởng.

Đối với kỹ năng số, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ, chuyển đổi số ở rất nhiều ngành nghề. Bên cạnh mở ra nhiều cơ hội mới, công nghệ cũng đang đặt ra những thách thức mới cho người lao động. Những người sở hữu kỹ năng số sẽ có nhiều cơ hội làm việc tốt hơn.

Tuy nhiên theo báo cáo Tổng chỉ số lao động Việt Nam 2022, tỷ lệ lao động Việt Nam đủ trình độ tiếng Anh để làm việc chỉ chiếm 5% lực lượng lao động. Tỷ lệ này được đánh giá là khá thấp khi so với các quốc gia không nói tiếng Anh khác trong khu vực ASEAN như: Indonesia (10%), Malaysia (21%), Thái Lan (27%).

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chuẩn bị nguồn nhân lực đủ kỹ năng đón “làn sóng” FDI - Ảnh 1