14:33 18/09/2022

6 giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nhật Dương

Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững phải phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng, đây cũng là một trong những đột phá chiến lược để phát triển đất nước trong thời gian tới…

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh chia sẻ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh - Quochoi.vn.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh chia sẻ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh - Quochoi.vn.

Phiên thảo luận tại hội thảo Chuyên đề 02: "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững" nhận được nhiều góp ý, chia sẻ của các chuyên gia, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chất lượng nguồn lực, thiếu hụt lao động đang diễn ra.

Phiên thảo luận thuộc Chuyên đề 02 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 sáng 18/9.

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CÓ CHẤT LƯỢNG LÀ ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC

Thảo luận bàn tròn tại Phiên thảo luận 2, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh thừa nhận, chất lượng nguồn nhân lực thời gian qua tuy đã được tập trung đẩy mạnh nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. “Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững phải phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng, đây cũng là một trong những đột phá chiến lược để phát triển đất nước trong thời gian tới”, ông Thanh nhấn mạnh.

Theo ông Thanh, thời gian qua chúng ta đã và đang tập trung để có nhiều giải pháp để đẩy mạnh nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực, trong đó hiện có 6 giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có chất lượng giáo dục đào tạo, trọng tâm là chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, thay đổi phương thức giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Thứ hai, đảm bảo quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, cả doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề. Thứ tư, xây dựng các mô hình gắn kết với giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng địa phương phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù.

Thứ năm, đẩy mạnh dự báo nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là ngành nghề khoa học và kỹ thuật công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao. Thứ sáu, sắp xếp tổ chức mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý cả về cơ cấu ngành, trình độ vùng, miền và đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về đào tạo nhân lực chất lượng cao.

CÓ THỂ THIẾU HỤT LAO ĐỘNG TRONG DÀI HẠN

Liên quan đến thị trường lao động, một trong những vấn đề đáng chú ý hiện nay cũng phải kể đến đó chính là thiếu hụt lao động cục bộ đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh - Quochoi.vn. 
Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh - Quochoi.vn. 

Tham luận tại thảo luận Chuyên đề 02, ông Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hiện nay cần quan tâm đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt là tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực.

Theo các chuyên gia, một mặt, việc thiếu hụt lao động là do nhiều ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19 và mặt khác là do hệ quả của những xu thế tiềm ẩn trong thị trường lao động - việc làm mà đại dịch toàn cầu đã đẩy nhanh hơn, làm trầm trọng hơn.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, trước hết dưới góc độ xã hội, tâm lý người dân lo lắng dịch bệnh vẫn chưa thực sự được kiểm soát dẫn đến việc lao động chưa muốn quay lại đi làm ngay, do vậy, họ vẫn trú ẩn ở các khu vực an toàn tại các vùng nông thôn, sống cùng gia đình với chi phí sinh hoạt thấp hơn khi ở thành thị, tiết kiệm chi tiêu.

Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, cũng có nguyên nhân là người dân vẫn nhận được những chính sách hỗ trợ lao động của Chính phủ cho đến thời điểm này. Chẳng hạn, các gói hỗ trợ nhà ở, trợ cấp thu nhập cho người lao động vẫn đang được triển khai, hoặc vừa mới kết thúc như việc thực hiện Nghị quyết 03 và Nghị quyết 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Do vậy, người lao động có ít động lực để quay lại đảm nhiệm những công việc trước đó với mức lương chưa đủ hấp dẫn, chi phí sinh hoạt tăng cao tại đô thị. Đối với những người lao động phải di chuyển để tìm việc, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn.

Tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, cục bộ tập trung vào các doanh nghiệp có “thâm dụng lao động” trong ngành dệt may, da giày… gắn với nhu cầu các đơn hàng tăng. Tuy nhiên, mức lương còn thấp, điều kiện lao động chưa cao, thời gian làm việc dài khiến các doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động, ước thiếu 120.000 lao động từ nay đến cuối năm.

Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang bước vào xu thế già hoá dân số. Số lượng lao động trẻ mới gia nhập thị trường có xu hướng giảm dần, số người nghỉ hưu tăng lên, trong tương lai sẽ dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lao động tham gia thị trường trong dài hạn.

Nói thêm về việc một số ngành thiếu cục bộ lao động, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề phải chăng một bộ phận lao động đang khu trú ở đâu đó và chưa sẵn sàng tham gia thị trường lao động sau đại dịch. “Đây là vấn đề các cơ quan đều cần tìm ra nguyên nhân, trả lời cho câu hỏi một bộ phận lao động đã đi đâu”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị cần thảo luận, trao đổi nhận diện thêm.