Chứng khoán Mỹ chốt tháng 2 mất điểm mạnh, giá dầu giảm 4 tháng liên tiếp
Cả chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng giảm mạnh trong tháng 2, trong đó giá dầu đã có chuỗi 4 tháng giảm liên tiếp...
Thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (28/2), dưới sức ép của lạm phát dai dẳng và kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ duy trì việc tăng lãi suất lâu hơn. Giá dầu tăng gần 2% nhờ hy vọng của nhà đầu vào nhu cầu năng lượng của Trung Quốc khi nước này mở cửa trở lại nền kinh tế.
Cả chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng giảm mạnh trong tháng 2, trong đó giá dầu đã có chuỗi 4 tháng giảm liên tiếp.
Niềm lạc quan đưa giá cổ phiếu toàn cầu tăng và lợi suất trái phiếu toàn cầu giảm trong tháng 1 đã suy yếu trong tháng 2, khi dòng dữ liệu vĩ mô từ khắp các nền kinh tế phản ánh tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động vẫn trụ vững bất chấp chiến dịch tăng lãi suất, và đáng ngại hơn cả là lạm phát giảm chậm hơn so với mong đợi. Điều này đồng nghĩa các ngân hàng trung ương sẽ phải nâng lãi suất lên cao hơn nữa và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn nữa mới có thể thực sự khiến nền kinh tế hạ nhiệt, qua đó khống chế được lạm phát.
Theo các nhà phân tích, mối lo lớn hơn của nhà đầu tư hiện nay không phải là nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu, mà là khả năng tình trạng thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ duy trì lâu hơn.
“Thị trường sẽ phải điều chỉnh theo thông điệp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thông điệp của Fed là lãi suất cần phải tăng lên mức cao hơn và giữ ở đó trong một khoảng thời gian lâu hơn”, chuyên gia Douglas Beath của Wells Fargo Investment Institute viết trong một báo cáo, nhấn mạnh rằng thị trường chứng khoán sẽ còn biến động nhiều trong ngắn hạn.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,71%, còn 32.656,7 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,3%, còn 3.970,15 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,1%, còn 11.455,54 điểm.
Kết quả khảo sát do tổ chức Conference Board công bố ngày thứ Ba cho thấy niềm tin người tiêu dùng Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 2. Theo chỉ số giá nhà toàn quốc S&P CoreLogic Case Shiller, giá nhà dành cho hộ gia đình đơn ở Mỹ trong tháng 12 giảm xuống mức thấp nhất kể từ mùa hè năm 2020.
Cùng ngày, số liệu từ châu Âu cho thấy giá tiêu dùng ở một số nước châu Âu như Pháp và Tây Ban Nha tăng tốc. Thông tin này góp phần khiến chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu giảm 0,3% trong phiên cuối tháng. Dù vậy, chỉ số này tăng 1,74% trong tháng 2, đánh dấu tháng tăng thứ tư trong vòng 5 tháng trở lại dây.
Chỉ số MSCI All-World của chứng khoán thế giới giảm 0,2% phiên này và giảm 3% trong tháng 2, sau khi tăng 7% trong tháng 1 nhờ kỳ vọng các ngân hàng trung ương sắp dừng chiến dịch thắt chặt.
Ở Phố Wall, Dow Jones là chỉ số mất điểm nhiều nhất trong tháng 2, giảm 4,19%. S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 2,61% và 1,11%.
Phản ánh kỳ vọng lãi suất tăng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm có lúc đạt gần 5% trong tháng 2 này. Theo dữ liệu từ Refinitiv, đây là tháng 2 mà lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn này có mức tăng lớn nhất kể từ năm 1981.
Trong một báo cáo ngày 28/2, BofA Global Research cho rằng Fed có thể tăng lãi suất lên gần 6%, vì nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ vẫn mạnh và thị trường lao động vẫn thắt chặt buộc ngân hàng trung ương này phải kéo dài cuộc chiến chống lạm phát. Trên thị trường lãi suất tương lai, nhà đầu tư đang đặt cược chủ yếu vào khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3, còn khả năng tăng 0,5 điểm phần trăm là 20%.
Kỳ vọng lãi suất ở châu Âu cũng tăng lên. Thị trường tiền tệ của khu vực này dự báo lãi suất điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lên mức 3,795% trước cuối năm nay, từ mức dự báo 3,77% đưa ra vào tuần trước.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters, chuyên gia kinh tế trưởng Philip Lane của ECB nói rằng áp lực lạm phát ở khu vực Eurozone đã bắt đầu yếu đi, nhưng ECB sẽ không dừng tăng lãi suất cho tới khi thực sự tin tưởng rằng tốc độ lạm phát đang giảm về ngưỡng 2%.
Nhận định về Fed, một báo cáo của Citi cho rằng “giới chức Fed đang chờ các đợt tăng lãi suất đã có khiến cho nền kinh tế giảm tốc, nhưng khả năng cao là hiệu ứng tối đa của việc thắt chặt đó đã qua mất rồi”.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 0,5 điểm phần trăm trong tháng 2, tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 9, chốt ở 3,932%. Lợi suất trái phiếu Đức kỳ hạn 10 năm - mốc tham chiếu của thị trường trái phiếu Eurozone, chốt tháng 2 ở mức 2,639%, cao nhất kể từ tháng 7/2011.
Lạc quan về nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc đã thắng thế mối lo về lãi suất tăng trong phiên này, đưa giá dầu tăng khá mạnh. Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,44 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, chốt ở 83,89 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,37 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, chốt ở 77,05 USD/thùng.
Theo nhà phân tích Phil Flynn của Price Group, dầu còn tăng giá do hoạt động mua vào để đóng trạng thái của các nhà bán khống vì tháng 2 đã hết. Tính cả tháng 2, giá dầu Brent giảm khoảng 0,7% và giá dầu WTI giảm 2,5%. Đây là tháng giảm thứ tư liên tiếp của cả hai loại dầu.
“Sự phục hồi kinh tế Trung Quốc sẽ kéo nhu cầu hàng hoá cơ bản tăng cao hơn. Dầu có thể sẽ là mặt hàng hưởng lợi nhiều nhất”, một báo cáo của JPMorgan viết.
Nguồn thạo tin nói với Reuters rằng xuất khẩu dầu thô Urals từ các cảng phía Tây của Nga tới Trung Quốc trong tháng 2 tăng so với tháng 1 nhờ giá cước vận tải giảm xuống và nhu cầu tăng. Một cuộc khảo sát của Reuters dự báo giá dầu sẽ tăng vượt ngưỡng 90 USD/thùng trong nửa sau của năm nay, khi nhu cầu của Trung Quốc hồi phục và sản lượng dầu của Nga giảm.
Tương tự, JPMorgan giữ nguyên giá dầu bình quân của năm 2023 ở mức 90 USD/thùng.
Cuộc khảo sát của Reuters cũng cho thấy Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) khai thác 28,97 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 2, tăng 150.000 thùng/ngày so với tháng 1, nhưng vẫn ít hơn trên 700.000 thùng/ngày so với tháng 9. Trong khi đó, sản lượng dầu thô của Mỹ giảm còn 12,1 triệu thùng/ngày trong tháng 12, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022 – theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).