15:16 27/02/2023

“Cấm cửa” dầu Nga, châu Âu ồ ạt nhập dầu Mỹ

An Huy

Một năm xung đột giữa Nga và Ukraine cũng là khoảng thời gian chứng kiến xuất khẩu dầu của Mỹ tăng bùng nổ, giúp gia tăng ảnh hưởng tài chính và sức mạnh địa chính trị cho nước Mỹ...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/WSJ.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/WSJ.

Trong bối cảnh phương Tây quay lưng lại với năng lượng hoá thạch Nga, xuất khẩu dầu thô kỷ lục của Mỹ đã bù đắp cho sự mất mát nguồn cung đó - tờ Wall Street Journal cho hay.

NĂNG LƯỢNG MỸ CHẢY MẠNH SANG CHÂU ÂU

Từ tháng 2/2022 - thời điểm xung đột nổ ra, lượng xuất khẩu dầu thô bình quân hàng tháng của Mỹ sang châu Âu qua đường biển tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ công ty theo dõi vận tải biển Kpler. Những con tàu chở dầu cỡ lớn miệt mài đưa những chuyến hàng từ Mỹ sang Đức, Pháp và Italy – ba nền kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU), cũng như sang Tây Ban Nha, quốc gia đã tăng 88% nhập khẩu dầu thô từ Mỹ trong thời gian nói trên.

Dữ liệu của Kpler cho thấy trong tháng 1, lượng dầu thô đi từ Bờ Vịnh Mexico của Mỹ tới châu Âu đạt 1,53 triệu thùng/ngày và trong những tháng gần đây, châu Âu đã vượt châu Á trở thành thị trường xuất khẩu dầu lớn hơn của Mỹ.

Sự tăng trưởng vượt bậc của xuất khẩu dầu thô Mỹ sang châu Âu trong năm qua là dấu mốc mới nhất trong sự hồi sinh của ngành dầu khí ở Mỹ sau những năm suy giảm ảnh hưởng trên thị trường toàn cầu. Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, xuất khẩu dầu của Mỹ sang các nước đồng minh là một nguồn “nhựa sống” cho các quốc gia này. Nhưng sau đó, sản lượng dầu của Mỹ giảm dần cùng với ảnh hưởng của ngành dầu khí Mỹ trên thị trường toàn cầu.

Giờ đây, khi sự bùng nổ của hoạt động khai thác dầu đã phiến của Mỹ sử dụng công nghệ phân rã thuỷ lực và khoan ngang đã đưa Mỹ trở lại vị trí quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu năng lượng hoá thạch của những thị trường bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraine.

Trong năm 2022, xuất khẩu khí đốt của Mỹ sang châu Âu tăng gấp đôi – theo dữ liệu của Nhà Trắng. Nhờ đó, các hộ gia đình và doanh nghiệp ở châu Âu đã tránh được những hệ quả tồi tệ hơn của cuộc khủng hoảng năng lượng khi Nga “siết van” các đường ống dẫn khí đốt.

Giới phân tích nói rằng sản lượng dầu thô tăng mạnh của Mỹ giúp thị trường năng lượng toàn cầu giữ được sự bình tĩnh khi phương Tây gần đây áp hạn chế lên hầu hết hoạt động xuất khẩu dầu của Nga, bao gồm lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) và trần giá của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và đồng minh.

Xuất khẩu dầu thô Mỹ sang một số nước châu Âu (Anh, Hà Lan, Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Đức) trong hai khoảng thời gian, từ tháng 1/2021-1/2022 và từ tháng 2/2022-2/2023. Đơn vị: thùng/ngày.
Xuất khẩu dầu thô Mỹ sang một số nước châu Âu (Anh, Hà Lan, Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Đức) trong hai khoảng thời gian, từ tháng 1/2021-1/2022 và từ tháng 2/2022-2/2023. Đơn vị: thùng/ngày.

“Nước Mỹ đã trở lại vị thế thống lĩnh mà nước này đã có trên thị trường năng lượng thế giới từ thập niên 1950. Năng lượng Mỹ giờ đây đang trên thành nền móng của an ninh năng lượng châu Âu”, nhà lịch sử học về năng lượng Daniel Yergin, Phó chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường năng lượng S&P Global, nhận định.

Chênh lệch giá dầu giữa châu Âu và Mỹ đã khiến cho việc đánh những chuyến tàu chở dầu giữa hai bờ Đại Tây Dương trở thành một hoạt động kinh doanh béo bở.

Sản lượng của các mỏ dầu ở vùng Biển Bắc nắm giữa Anh và Na Uy từ lâu đã suy giảm, khiến cho giá dầu Brent Biển Bắc – giá tiêu chuẩn của thị trường dầu lửa toàn cầu – tăng cao. Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ đạt mức gần kỷ lục 11,9 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và được dự báo sẽ lập kỷ lục mới trong năm nay và năm tới – theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Trong bối cảnh như vậy, giá dầu WTI, loại dầu tiêu chuẩn của Mỹ, càng rẻ hơn so với dầu Brent – theo chuyên gia Gus Vasquez của công ty tư vấn thị trường năng lượng Argus Media.

MỸ VẪN ĐANG THỪA DẦU

Trong mấy tuần gần đây, những trận bão mùa đông khiến các nhà máy lọc dầu ở Mỹ phải giảm hoạt động, sử dụng ít dầu thô làm đầu vào hơn bình thường. Do đó, lượng dầu thô tồn kho của Mỹ hiện đang cao hơn 9% so với mức bình quân 5 năm ở thời điểm này.

“Nếu không xuất khẩu được số dầu thừa đó, chúng ta chẳng biết phải làm gì với chúng cả”, ông Vasquez nói.

Trước khi chiến tranh nổ ra, giá dầu WTI thường thấp hơn giá dầu Brent 3-4 USD/thùng, số tiền đủ để bù vào chi phí vận chuyển dầu từ Mỹ sang châu Âu và các chi phí khác. Tuy nhiên, khoảng cách này đã nới rộng sau khi chiến tranh nổ ra, có những lúc vượt 10 USD/thùng, do xung đột kinh tế giữa Moscow và phương Tây gây rối loạn hoạt động vận tải biển và đẩy cao nhu cầu đối với tàu chở dầu.

Cuối tuần vừa rồi, giá dầu Brent giao tháng 4 có giá cao hơn 6,84 USD/thùng so với dầu WTI, theo dữ liệu từ Dow Jones. Chênh lệch này là một dấu hiệu cho thấy các nhà giao dịch đang sẵn sàng hơn với việc bán trực tiếp dầu từ các vùng khai thác dầu đá phiến như Permian Basin của Texas thông qua một mạng lưới đường ống nối tới vùng Bờ Vịnh Mexico.

Nhiều trong số những thùng dầu này được đưa tới vùng Corpus Christi của bang Texas, tiếp đó được đưa lên tàu xuất khẩu. Từ cảng này, xuất khẩu dầu thô đạt bình quân 1,9 triệu thùng/ngày trong năm ngoái, tương đương hơn một nửa tổng lượng dầu xuất khẩu của Mỹ.

Cảng Corpus Christi cho phép 1.100 con tàu chở dầu thô loại rất lớn (VLCC) nhận dầu từ bến tàu, thay vì từ những con tàu nhỏ hơn chở dầu từ bến ra tàu lớn hơn nằm cách bờ một khoảng nhất định. “Trong vận tải biển, tàu càng lớn càng tốt”, CEO Sean Strawbridge của cảng Corpus Christi phát biểu.

Nhưng ngay cả khi những cảng nằm dọc Bờ Vịnh Mexico có mở rộng hạ tầng cho xuất khẩu dầu ở quy mô như vậy trong những năm tới, dòng chảy xuất khẩu dầu của Mỹ đang đối mặt những câu hỏi lớn cả ở từ trong và ngoài nước.

Vấn đề nằm ở chỗ các công ty dầu khí của Mỹ hiện nay tập trung vào việc hoàn tiền cho cổ đông, thông qua trả cổ tức và mua lại cổ phiếu, hơn là đầu tư vào sản xuất. Năm ngoái, Mỹ xả 180 triệu thùng dầu từ dự trữ chiến lược nhưng đợt xả này đã hết, và sẽ đến lúc Chính phủ Mỹ phải gom dầu thô để bù lại số đã xả. Ngoài ra, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc cũng được kỳ vọng sẽ dẫn tới gia tăng nhu cầu tiêu thụ dầu.

Nhận thức được vấn đề, châu Âu tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực dịch chuyển khỏi năng lượng hoá thạch, phát triển các nguồn năng lượng sạch. Nhiều nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp của châu Âu đang kêu gọi tăng cường trợ cấp cho năng lượng sạch, tương tự như kế hoạch về chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

“Trước mắt, Mỹ sẽ tiếp tục sản xuất dầu với khối lượng lớn. Câu hỏi lớn đặt ra là châu Âu sẽ quyết định như thế nào cho chính mình”, nhà phân tích Gregory Brew của công ty tư vấn Eurasia Group phát biểu với Wall Street Journal.