15:35 25/02/2023

Kinh tế Nga trụ vững thế nào sau 1 năm chiến tranh?

An Huy

Trong năm đầu tiên của chiến tranh Nga-Ukraine, nền kinh tế Nga đã suy yếu vì hứng chịu sự trừng phạt của phương Tây, nhưng vẫn thể hiện được sự vững vàng đáng ngạc nhiên...

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Bloomberg.
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Bloomberg.

Cách đây một năm, xung đột Nga-Ukraine bùng nổ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 24/2/2022 hạ lệnh mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Đáp trả Moscow, phương Tây đã áp các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ lên Nga, với mục đích tạo ra một đòn kinh tế khiến Nga không còn nguồn lực để phục vụ cho cuộc chiến.

Hứng chịu “cơn bão” trừng phạt, nền kinh tế Nga suy yếu, nhưng vẫn thể hiện được sự vững vàng đáng ngạc nhiên. Khi dầu thô Nga bị phương Tây “tẩy chay”, Moscow đã chuyển hướng xuất khẩu nhiều dầu hơn sang châu Á.

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã chặn đứng được một cuộc khủng hoảng tiền tệ bằng cách tung những biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt và mạnh tay tăng lãi suất. Chi tiêu quân sự tăng hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong khi nỗ lực thay thế công nghệ và thiết bị phương Tây giúp đầu tư tăng trưởng.

“Nền kinh tế và hệ thống Chính phủ Nga hoá ra đã trở nên mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì phương Tây nghĩ”, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước Quốc hội nước này hôm 22/2.

Tuy nhiên, trang CNN Business nhận định rằng những vết rạn đã bắt đầu xuất hiện và có thể trở nên lớn hơn trong 12 tháng tới. Liên minh châu Âu (EU) - thị trường chi hơn 100 tỷ USD để mua năng lượng hoá thạch Nga trong năm 2021 - đã đạt được những bước tiến lớn trong việc “cai” năng lượng Nga.

Trong năm ngoái, khối này đã giảm mạnh sự phụ thuộc vào khí đốt Nga và từ tháng 12 đã triển khai lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga vận chuyển đường biển. Tháng 2 này, EU triển khai lệnh cấm tương tự đối với các sản phẩm dầu tinh luyện từ Nga.

Đã có những dấu hiệu cho thấy các biện pháp này gây áp lực lên tình hình tài chính của Nga khi nước này phải tìm khách hàng thay thế để mua năng lượng. Tháng 1 vừa qua, Chính phủ Nga công bố khoản thâm hụt ngân sách 1.761 tỷ Rúp, tương đương 23,5 tỷ USD. Chi tiêu tăng 59% so với cùng kỳ năm trước trong khi thu ngân sách giảm 35%. Từ tháng 3 trở đi, Nga sẽ cắt giảm sản lượng khai thác dầu 625.000 thùng/ngày.

“Kỷ nguyên lợi nhuận dồi dào từ thị trường dầu thô và khí đốt đối với Nga đã kết thúc”, chuyên gia về kinh tế Nga Janis Kluge thuộc Viện Các vấn đề quốc tế và an ninh Đức nói với hãng tin CNN.

Đồng Rúp Nga gần đây tụt giá xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 4 năm ngoái. Sự mất giá của đồng Rúp dẫn tới lạm phát ở Nga tăng cao hơn. Trong một cuộc khảo sát gần đây do một viện nghiên cứu Nga tổ chức, phần lớn doanh nghiệp nói họ không hình dung được sự tăng trưởng ở thời điểm hiện tại, xét tới mức độ bấp bênh cao về kinh tế.

Tất cả những yếu tố này có thể đặt nền kinh tế Nga vào một xu hướng suy giảm. “Năm nay có thể là một bài kiểm tra thực sự”, chuyên gia Timothy Ash thuộc tổ chức nghiên cứu Chatham House nhận định.

NHỜ ĐÂU NGA ĐỨNG VỮNG TRONG “BÃO” TRỪNG PHẠT?

Nhằm “hạ gục” Nga về mặt kinh tế, các nước phương Tây đã sử dụng ảnh hưởng của họ trong hệ thống tài chính toàn cầu để tung ra hơn 11.300 lệnh trừng phạt kể từ khi xung đột bắt đầu và đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga.

Cùng với đó, hơn 1.000 công ty nước ngoài, từ BP cho tới McDonald’s và Starbucks đã rút khỏi hoặc cắt giảm hoạt động ở thị trường Nga, một mặt để bày tỏ quan điểm phản đối chiến tranh, mặt khác do những khó khăn về logistics.

Theo số liệu của Chính phủ Nga, nền kinh tế nước này giảm 2,1% trong năm ngoái. Tuy nhiên, cú sốc này là nhỏ hơn so với dự báo ban đầu. Khi “cơn bão” trừng phạt của phương Tây bắt đầu trút xuống, một số chuyên gia kinh tế đã dự báo kinh tế Nga giảm 10-15% trong năm 2022.

Một nguyên nhân phía sự sự vững vàng bất ngờ của nền kinh tế Nga nằm ở việc nước này đã phấn đấu theo hướng “tự lực tự cường” sau khi sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Bằng một chính sách có tên “pháo đài Nga”, Chính phủ nước này đã đẩy mạnh sản xuất lương thực-thực phẩm trong nước và ngân hàng trug ương hối thúc các ngân hàng thương mại tăng dự trữ. Chuyên gia Ash nói rằng nỗ lực này của Moscow đã tạo ra sức bền cho kinh tế Nga.

Sự can thiệp nhanh chóng của CBR, gồm tăng lãi suất lên 20% sau khi xung đột nổ và và triển khai các biện pháp kiểm soát tiền tệ để bảo vệ tỷ giá đồng Rúp, cũng là một lực lượng ổn định. Điều này tương tự đúng đối với nhu cầu các nhà máy đẩy mạnh việc sản xuất hàng hoá quân sự và các sản phẩm thay thế cho hàng hoá trước đó nhập khẩu từ phương Tây.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ lớn nhất cho kinh tế Nga đến từ giá năng lượng tăng và “cơn khát” tiếp diễn của thế giới đối với dầu và các hàng hoá cơ bản khác.

Nga, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ nhì thế giới, đã bán được cho Ấn Độ và Trung Quốc những thùng dầu lẽ ra được bán sang châu Âu. Trong năm 2021, EU nhập khẩu bình quân 3,3 triệu thùng dầu, gồm dầu thô và các sản phẩm dầu, mỗi ngày từ Nga. Trong tháng 11, EU vẫn nhập bình quân 2,3 triệu thùng dầu từ Nga - theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Trên thực tế, doanh thu hàng tháng từ xuất khẩu dầu của Nga trong năm 2022 tăng 24%, đạt 18,1 tỷ USD mỗi tháng, theo dữ liệu của IEA. Dù vậy, việc lặp lại kết quả này là điều khó xảy ra.

TRIỂN VỌNG KINH TẾ NGA TRỞ NÊN BẤP BÊNH

Giá mỗi thùng dầu thô Urals - loại dầu thô chính của Nga - giảm còn bình quân 49,5 USD/thùng trong tháng 1 năm nay, sau khi lệnh cấm vận dầu thô Nga của EU và trần giá dầu Nga của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) chính thức có hiệu lực.

Trong khi đó, giá bình quân của dầu Brent là 82 USD/thùng. Điều này cho thấy những khách hàng như Ấn Độ và Trung Quốc đang đàm phán để được hưởng chiết khấu cao hơn khi mua dầu Nga. Kế hoạch ngân sách năm 2023 của Chính phủ Nga dựa trên giá dầu Urals dự kiến hơn 70 USD/thùng.

Việc tìm khách mới cho các sản phẩm dầu tinh luyện của Nga - đối tượng lệnh cấm vận và trần giá của phương Tây từ đầu tháng 2 này - cũng không hề dễ dàng. Trung Quốc và Ấn Độ đều có mạng lưới nhà máy lọc dầu riêng và thích mua dầu thô hơn - theo nhà tư vấn về năng lượng Ben McWilliams thuộc Bruegel.

Trong khi đó, xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đã giảm về mức gần như tối thiểu kể từ Nga khoá van đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1.

Năm 2021, thu từ dầu khí chiếm 45% ngân sách của Chính phủ Nga. Khi nguồn thu này giảm xuống mà Moscow lại có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng, sự đánh đổi tất yếu sẽ xảy ra. Trong kế hoạch ngân sách 2023 công bố vào tháng 12 năm ngoái, Moscow dự kiến giảm chi tiêu cho những hạng mục như nhà ở, y tế, cơ sở hạ tầng…

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga tăng trưởng 0,3% trong năm nay và 2,1% trong năm 2024. Tuy nhiên, mức tăng trưởng thực tế sẽ tuỳ thuộc vào tình hình ở Ukraine.

“Nền kinh tế Nga có suy giảm trong năm 2023 hay không sẽ được quyết định bởi các diễn biến của chiến tranh”, nhà kinh tế Tatiana Orlova thuộc Oxford Economics nhận định trong một báo cáo.  Bà Orlova cho rằng tình trạng thiếu lao động do nhập ngũ và di cư sẽ đặt ra rủi ro không nhỏ đối với kinh tế Nga.

Theo thời gian, ảnh hưởng của lệnh trừng phạt mà phương Tây có thể đẩy kinh tế Nga rơi vào một cuộc khủng hoảng. Bloomberg Economics ước tính đến năm 2026, chiến tranh sẽ khiến Nga mất 190 tỷ USD tổng sản phẩm trong nước (GDP) so với mức trước chiến tranh.

Những lĩnh vực có sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu sẽ hứng chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả. Các hãng xe Nga như Avtovaz - nhà sản xuất xe Lada, một biểu tượng của Nga - đang chật vật xoay sở với tình trạng thiếu nguyên vật liệu và linh kiện. Trong tháng 1 vừa qua, doanh số bán ô tô mới ở Nga giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế Nga, doanh nghiệp đang đối mặt với một tương lai bấp bênh. Một cuộc khảo sát hơn 1.000 danh nghiệp Nga do Viện nghiên cứu Tăng trưởng kinh tế Stolypin của Nga thực hiện cho thấy khoảng 1 nửa doanh nghiệp giữ nguyên mức sản lượng dự kiến trong 1-2 năm tới, không nghĩ gì tới việc tăng trưởng. Viện nghiên cứu này nói rằng điều này làm gia tăng rủi ro “trì trệ kéo dài của nền kinh tế Nga”.