11:54 22/02/2023

Nga, Trung Quốc thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu

An Huy

Một loạt sự kiện lớn trên trường quốc tế trong những ngày gần đây đã làm lộ rõ bức tranh u ám về mối quan hệ giữa các cường quốc, khi Nga và Trung Quốc cùng thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu và đẩy cao khả năng các mối quan hệ này còn có thể xấu đi hơn nữa – theo tờ Wall Street Journal...

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp - Ảnh: Reuters.

Trong một bài phát biểu ở Moscow ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố dừng tham gia hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa nước này với Mỹ. Hiệp ước này vốn được xem là dấu tích của cấu trúc an ninh đã giúp duy trì hoà bình trong suốt nhiều thập kỷ qua. Trong bối cảnh căng thẳng bị đẩy cao chưa từng thấy kể từ thời chiến tranh lạnh, động thái của ông chủ điện Kremlin trong vấn đề kiểm soát vũ khí được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ có chuyến thăm Ukraine và cam kết “hỗ trợ vô tận” cho Kiev trong xung đột Ukraine-Nga, cuộc chiến mà ông Putin xem là có ý nghĩa sống còn đối với nước Nga.

Câu chuyện càng thêm phần phức tạp khi Trung Quốc có khả năng sẽ đề xuất một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình, với ông Putin - nguồn thạo tin tiết lộ với Wall Street Journal. Ông Vương Nghị - nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc - đã mạnh mẽ chỉ trích Mỹ tại một hội nghị an ninh ở Đức, trước khi ông tới Moscow để gặp giới chức Nga.

Những diễn biến trên là dấu hiệu của sự căng thẳng gia tăng trong hệ thống quốc tế, khi Mỹ và các nước đồng minh đối mặt với sự nổi lên của Trung Quốc - quốc gia đã và đang là một đồng minh kinh tế quan trọng của Nga, trong khi Nga - với chủ trương phục thù - muốn đàm phán lại kết thúc của chiến tranh lạnh.

NGA -TRUNG NỒNG ẤM GIỮA XUNG ĐỘT NGA-PHƯƠNG TÂY

Nga và Trung Quốc có một lợi ích chung trong việc làm suy yếu sự thống trị của Mỹ trong trật tự thế giới, trật tự mà Moscow và Bắc Kinh có thể đánh giá là đã được củng cố bởi sự đoàn kết của phương Tây trong vấn đề Ukraine. Một mối quan hệ nồng ấm Nga-Trung hiện nay sẽ thay thế mối quan hệ đối tác chống lại phương Tây mà họ đã có trong thời chiến tranh lạnh bằng mối quan hệ có một điểm khác biệt lớn. Đó là Bắc Kinh, thay vì Moscow, sẽ là bên “cầm trịch” trong mối quan hệ mới này.

Tuy nhiên, triển vọng Nga và Trung Quốc, hai cường quốc chiếm phần lớn diện tích của lục địa Á-Âu, xích lại gần nhau cũng đặt ra một số rủi ro đối với Bắc Kinh. Điều đó có thể sẽ buộc các nước châu Âu hiện đang hy vọng duy trì được mối quan hệ thương mại mật thiết với Trung Quốc phải dịch chuyển quyết đoán hơn về phía Mỹ - quốc gia giữ vai trò bảo trợ an ninh cho châu Âu. Nếu điều đó xảy ra, cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa một bên là phương Tây, cùng với các đồng minh của họ ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, và một bên là trục Moscow-Bắc Kinh sẽ được đẩy cao.

Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đang cân nhắc cung cấp vũ khí cho Nga - một động thái mà ông cho là sẽ đặt ra “vấn đề nghiêm trọng” trong quan hệ Mỹ-Trung. Giới chức Mỹ nói rằng đến hiện tại Trung Quốc chưa cũng cấp vũ khí sát thương cho Nga, nhưng giới phân tích nói rằng một động thái như vậy sẽ cho thấy Bắc Kinh quyết định rằng các lợi ích chiến lược của mình nằm ở việc Nga không thua trong cuộc chiến ở Ukraine, từ đó sẽ khiến cuộc chiến này kéo dài hơn.

Tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến mà Nga cho là có nguyên nhân bắt nguồn từ phương Tây, ông Putin nói với các nghị sỹ Nga vào ngày 21/2 rằng ông sẽ dừng hợp tác với Mỹ trong Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới. Tuy nhiên, ông Putin không đề cập đến việc rút khỏi hiệp ước này, và giới chức Nga nói rằng Moscow sẽ tiếp tục tuân thủ các giới hạn cốt lõi của hiệp ước về số đầu đạn hạt nhân và về tên lửa và máy bay ném bom có năng lực hạt nhân. Hiệp ước START mới giới hạn số đầu đạn hạn nhân chiến lược mà Mỹ và Nga được phép triển khai ở con số 1.550 đầu đạn mỗi nước, và cho phép mỗi bên thực hiện các cuộc thanh tra tại chỗ tại cơ sở vũ khí của đối phương.

Tháng trước, chính quyền ông Biden nói Nga đã vi phạm hiệp ước trên khi từ chối để phía Mỹ thanh tra và từ chối đề nghị của Mỹ về tiến hành cuộc gặp để thảo luận về vấn đề tuân thủ hiệp ước. Giới chức Mỹ cho biết họ đang muốn Nga làm rõ việc liệu Moscow hiện tại có ý định mở rộng việc không tuân thủ thoả thuận bằng cách không cung cấp dữ liệu về lực lượng hạt nhân và không thông báo về những thay đổi trong tình trạng và vị trí của vũ khí chiến lược thuộc phạm vi của hiệp ước.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 21/2 nói Nga sẽ tiếp tục tuân thủ “những hạn chế định lượng về  vũ khí tấn công chiến lược”, và nói thêm rằng Nga cũng sẽ tiếp tục đưa ra thông báo về các vụ thử tên lửa đạn đạo. Giới chức Mỹ nhận định rằng tuyên bố này của Nga sẽ mang lại một chút ổn định chiến lược trong bối cảnh hiện nay.

Dù vậy, bài phát biểu ngày 21/2 của ông Putin vẫn được xem là một dấu hiệu cho thấy việc kiểm soát vũ khí đang đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột Nga-Ukraine, và việc đàm phán thoả thuận tiếp theo cho New START - hiệp ước sẽ hết hạn vào tháng 2/2026 - có thể sẽ gặp nhiều trở ngại.

“Tôi bi quan về triển vọng của các hạn chế đối với vũ khí tấn công chiến lược trong tương lai, cho dù sau mỗi cuộc khủng hoảng, động lực mới có thể xuất hiện”, bà Rose Gottemoeller - người từng giữ vị trí dẫn đầu đoàn đàm phán của Mỹ về thoả thuận New START - nhận định.

THẾ CÂN BẰNG KHÓ KHĂN CỦA TRUNG QUỐC

Sau khi thăm Kiev, ông Biden đã tới Ba Lan và tại Warsaw, ông nói sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine sẽ không dừng lại và Mỹ cùng các đồng minh giữ vững đoàn kết. “Ukraine sẽ không bao giờ là một chiến thắng đối với Nga. Không bao giờ”, ông Biden nói, chỉ vài giờ sau khi ông Putin tuyên bố Nga sẽ không bao giờ thua ở Ukraine.

Chuyến thăm của ông Vương Nghị là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc tới châu Âu sau Đại hội Đảng của Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Bài phát biểu tại Munich được ông Vương Nghị đưa ra trước nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, cùng nhiều quan chức và nghị sỹ Mỹ. Trong bài phát biểu này, ông Vương Nghị miêu tả Trung Quốc và châu Âu là “hai lực lượng lớn, hai thị trường lớn và hai nền văn minh lớn”. Thể hiện sự đồng tình với một cụm từ mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dùng để miêu tả mục tiêu mà châu Âu vẫn chưa đạt được về độc lập an ninh khỏi Mỹ, ông Wang đặt câu hỏi: “Châu Âu nên đóng vai trò gì để thể hiện sự độc lập chiến lược của mình?”

Ngoài ra, nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc nói nước này sẽ sớm công bố một kế hoạch hoà bình cho Ukraine. Theo ông Vương, kế hoạch này sẽ dựa vào tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, các mục đích và tôn chỉ của hiến chương Liên hiệp quốc, đồng thời nhìn nhận nghiêm túc các mối quan ngại hợp lý về an ninh.

Ông Ulrich Speck, một nhà phân tích chính sách đối ngoại Đức, nói rằng một số chính phủ ở châu Âu dành sự quan tâm thận trọng cho việc Trung Quốc tính đề xuất kế hoạch hoà bình cho Ukraine, xét tới ảnh hưởng mà Bắc Kinh đang có hiện nay đối với Moscow. Nhưng bên cạnh đó, cũng có hy vọng rằng Trung Quốc sẽ giảm bớt sự gần gũi với Nga bởi mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Moscow với phương Tây.

Theo ông Speck, có ít nhất hai vấn đề ở đây. “Một thoả thuận ngừng bắn nhanh chóng đạt được có thể giúp Nga đóng băng được những phần lãnh thổ mà họ giành được ở Ukraine, đồng thời giúp Nga được nghỉ ngơi để chuẩn bị cho những giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột”, vị chuyên gia nói. Vấn đề thứ hai nằm ở chỗ Trung Quốc có thể chưa sẵn sàng cho việc thúc đẩy Nga một cách thực sự, mà chỉ làm ngoại giao nửa vời.

Sự chỉ trích của ông Vương Nghị đối với Mỹ và việc ông không loại trừ khả năng leo thang quân sự trong vấn đề Đài Loan cũng khiến khán giả tại diễn đàn ở Munich lo ngại. “Đài Loan chưa bao giờ là một quốc gia và sẽ không bao giờ là một quốc gia trong tương lai”, ông Vương nói.

Hiện tại, Trung Quốc đang là một nguồn hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế Nga, khi nước này bị phương Tây siết chặt trừng phạt. Cùng với Ấn Độ, Trung Quốc đã mua mạnh dầu Nga khi mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga bị phương Tây “tẩy chay”.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đang ở trong một thế cân bằng khó khăn. Khi Trung Quốc càng giúp Nga, mối quan hệ giữa Trung Quốc với châu Âu càng xấu đi. Thêm nữa, khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington càng xuống thấp, châu Âu có thể càng muốn giảm quan hệ kinh tế và ngoại giao với Trung Quốc - Wall Street Journal nhận định.