07:52 28/02/2023

Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ nhờ lợi suất trái phiếu giảm, giá dầu trượt hơn 1%

Bình Minh

Đợt phục hồi đầu năm của chứng khoán Mỹ có vẻ đang “bay màu” do mối lo của nhà đầu tư rằng lãi suất có thể giữ ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (27/2), hồi lại một phần thiệt hại sau khi có tuần giảm mạnh nhất từ đầu năm vào tuần trước. Giá dầu thô đi xuống do nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về ảnh hưởng của triển vọng lãi suất đối với nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 72,17 điểm, tương đương tăng 0,22%, đạt 32.889,09 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,31%, đạt 3.982,24 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,63%, đạt 11.466,98 điểm.

Các chỉ số đi lên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ quay đầu giảm. Hôm thứ Sáu, lợi suất trái phiếu tăng mạnh đã gây ra một phiên bán tháo ở Phố Wall, sau khi số liệu thống kê cho thấy chỉ số lạm phát được ưa chuộng của Fed tăng mạnh hơn dự báo.

“Do tâm điểm chú ý của nhà đầu tư một lần nữa hướng đến sức nóng của lạm phát và tác động của điều này đến triển vọng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vấn đề lãi suất một lần nữa lại đang chi phối diễn biến giá cổ phiếu”, nhà phân tích Ross Mayfield thuộc công ty tư vấn Baird nhận định với hãng tin CNBC.

“Sự dịch chuyển nhanh chóng trong kỳ vọng về lãi suất quỹ liên bang và việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn tăng mạnh đã gây ra tâm lý lo ngại rủi ro trên thị trường chứng khoán. Bởi vậy, khi lợi suất dịu đi ngày hôm nay, giá cổ phiếu đã hồi phục”, ông Mayfield lý giải về phiên tăng này.

Đợt phục hồi đầu năm của chứng khoán Mỹ có vẻ đang “bay màu” do mối lo của nhà đầu tư rằng lãi suất có thể giữ ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn. Biên bản cuộc họp gần đây nhất của Fed cho thấy các quan chức ngân hàng trung ương này quyết tâm tăng lãi suất cho tới khi lạm phát thực sự được khống chế.

“Việc thị trường phục hồi trong tháng Giêng không có nghĩa là biến động đã chấm dứt. Nhà đầu tư đang cố gắng làm quen với ý nghĩ về lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn, và báo cáo lạm phát nóng hơn dự báo vào hôm thứ Sáu về cơ bản đã khẳng định điều đó”, trưởng bộ phận giao dịch của công ty E-Trade, ông Chris Larkin, nói với CNBC.

Tuần này, thị trường tiếp tục dành mối quan tâm cho các số liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ - cơ sở quan trọng để điều chỉnh kỳ vọng về chính sách tiền tệ. Các báo cáo quan trọng của tuần này có chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) các ngành dịch vụ và sản xuất. Ngoài ra, nhà đầu tư còn quan tâm đến báo cáo tài chính của các công ty bán lẻ lớn như Target, Costco, Lowe’s và Macy’s.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,83 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 82,33 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,61 USD/thùng, tương đương giảm 0,8%, còn 75,71 USD/thùng.

Giá dầu tiếp tục chịu áp lực giảm từ nỗi lo về lãi suất và xu hướng tăng giá của đồng USD, đồng thời vẫn được hỗ trợ bởi triển vọng phục hồi của kinh tế Trung Quốc và việc Nga chuẩn bị cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Ngoài ra, trong phiên này, giá dầu còn được nâng đỡ bởi thông tin Nga dừng xuất khẩu dầu tới Ba Lan thông qua một đường ống chủ chốt.

Trong một dấu hiệu về sự cứng rắn của Fed, thống đốc Fed Philip Jefferson nói lạm phát ngành dịch vụ ở Mỹ vẫn “đang quá cao”. Trong khi đó, nguồn cung dầu ở Mỹ đang dồi dào, thể hiện qua việc lượng dầu thô tồn kho của nước này đang ở mức cao nhất kể từ tháng 5/2021.

Công ty lọc dầu PKN Orlen của Ba Lan cho biết Nga đã dừng cung cấp dầu thô cho nước này qua đường ống Druzhba. Diễn biến này xuất hiện một ngày sau khi Ba Lan tuyên bố đã cung cấp những chiếc xe tăng Leopard đầu tiên cho Ukraine. Cũng trong ngày thứ Hai, công ty đường ống quốc doanh Transneft của Nga tuyên bố đã bắt đầu bơm dầu từ Kazakhstan tới Đức qua đường ống Druzhba đi qua Ba Lan, nhưng ngừng cung cấp cho Ba Lan.

Nhưng về các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga và trần giá quốc tế đối với dầu Nga, giới phân tích cho rằng ảnh hưởng đối với nguồn cung dầu nói chung là không lớn. “Sản lượng dầu Nga trong những tháng gần đây vẫn cao hơn dự kiến cho sự lỏng lẻo của các biện pháp trừng phạt”, Bank of America nói trong một báo cáo.