Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 5 liên tiếp
Thị trường chứng khoán Mỹ khép lại tuần giảm mạnh nhất kể từ đợt lao dốc hồi cuối năm 2018
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 5 liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khép lại tuần giảm mạnh nhất kể từ đợt lao dốc hồi cuối năm 2018. Báo cáo việc làm không khả quan như dự kiến của Mỹ làm tăng thêm nỗi lo vốn dĩ đã lớn của giới đầu tư về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, mức giảm của các chỉ số trong phiên này không lớn. Đến cuối phiên, thị trường đã hồi phục khỏi vùng đáy thiết lập trước đó, do nhà đầu tư đánh giá lại về bản báo cáo việc làm và có một số ý kiến cho rằng đợt sụt giảm những ngày qua của thị trường đang đi đến hồi kết.
Theo hãng tin Reuters, đáng chú ý, phiên giảm thứ 5 liên tục này của chứng khoán Mỹ diễn ra đúng lúc Phố Wall chuẩn bị đánh dấu 10 năm thị trường đầu cơ giá lên (bull market) của chỉ số S&P 500. Thời kỳ đầu cơ giá lên này là dài nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ và bắt đầu từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 8/3 cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tạo được 20.000 việc làm mới trong tháng 2, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017. Dữ liệu này gia tăng những dấu hiệu cho thấy sự suy giảm mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế ở Mỹ trong quý 1.
Trước đó cùng ngày, tâm trí của giới đầu tư toàn cầu đã bị đè nặng bởi số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh. Vào hôm thứ Năm, nỗi lo về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu dâng cao sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone trong 2019.
"Mọi người đang lo ngại về báo cáo việc làm của Mỹ và tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung. Đó là lý do khiến thị trường đi xuống", chiến lược gia Brent Schutte thuộc Northwestern Mutual Wealth Management Company nhận định.
Mặc dù vậy, các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên với mức điểm cao hơn nhiều so với đáy thiết lập trong phiên. Sau khi đánh giá kỹ, nhiều nhà đầu tư cho rằng bản báo cáo việc làm chịu ảnh hưởng nhiều của các yếu tố mùa vụ và việc đợt đóng cửa một phần kéo dài của Chính phủ liên bang.
"Lúc đầu, mọi người chỉ nhìn vào con số. Nhưng sau đó, họ cho rằng đây chỉ là một bản báo cáo và nền kinh tế có thể không tệ như những gì thể hiện qua con số đó", chiến lược gia Keith Lerner thuộc SunTrust Advisory Services nhận định.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm 0,09%, còn 25.450,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,21%, còn 2.743,07 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,18%, còn 7.408,14 điểm.
Tính chung cả tuần, Dow Jones và S&P 500 cùng giảm 2,2% mỗi chỉ số, trong khi Nasdaq mất 2,5%.
Với cú giảm này, Nasdaq khép lại chuỗi 10 tuần tăng liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, so với thời điểm đầu năm, S&P 500 hiện vẫn tăng 9,4%.
Năng lượng là nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 phiên này, với mức giảm 2%, do giá dầu sụt giảm. Cổ phiếu hãng dầu lửa Exxon Mobil giảm 1,4%, trở thành một trong những cổ phiếu gây áp lực giảm nhiều nhất lên toàn chỉ số.
Trong khi đó, các nhóm cổ phiếu phòng thủ như dịch vụ tiện ích, hàng tiêu dùng thiết yếu và bất động sản đều kết thúc phiên trong trạng thái tăng.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 1,35 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,21 lần.
Có tổng cộng 7,1 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch ở Mỹ phiên này, thấp hơn so với mức bình quân 7,3 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.