Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm sau khi công bố biên bản họp của FED, giá dầu tăng vọt hơn 3%
Áp lực bán cổ phiếu ở Phố Wall gia tăng vào buổi chiều ngày thứ Tư, sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tháng 12...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (3/1), do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trở nên bấp bênh sau khi biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất được công bố. Giá dầu bật tăng hơn 2 USD/thùng trong bối cảnh phiến quân Houthi tiếp tục có các cuộc tấn công nhằm vào tàu chở hàng hoá đi qua Biển Đỏ.
Lúc đóng cửa, Nasdaq “bốc hơi” 1,18%, còn 14.529,21 điểm, đánh dấu phiên giảm thứ tư liên tiếp của chỉ số với các cổ phiếu công nghệ chiếm đa số. Chỉ số S&P 500 giảm 0,8%, còn 4.704,81 điểm. Chỉ số Dow Jones trượt 284,85 điểm, tương đương giảm 0,76%, còn 37.4301,19 điểm.
Hôm thứ Ba, Nasdaq đã có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10, khi các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn đồng loạt bị bán tháo. Trong đó, cổ phiếu Apple sụt gần 4% sau khi bị ngân hàng Barclays giảm khuyến nghị nắm giữ. Phiên ngày thứ Tư, Apple giảm thêm 0,8%.
Nhà đầu tư có vẻ đang tiến hành chốt lời với cổ phiếu công nghệ sau đợt tăng mạnh mẽ gần đây - đợt tăng dựa trên kỳ vọng rằng Fed sẽ giảm sớm và giảm nhiều lãi suất trong năm 2024. Khi thời điểm Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất trở nên bấp bênh hơn, sự lạc quan đó của thị trường cũng bắt đầu giảm xuống.
“Nhìn về dài hạn, tôi vẫn rất lạc quan. Nhưng trong ngắn hạn, tôi e là mọi người đang bước sang năm mới với một tâm trạng lạc quan quá mức”, nhà quản lý danh mục Steve Eisman của công ty Neuberger Berman nhận định với hãng tin CNBC. Ông Eisman cho rằng các đợt điều chỉnh ngắn hạn là bình thường trên một thị trường vừa thiết lập những mức đỉnh mới, nhưng triển vọng dài hạn 6-12 tháng vẫn tốt.
Áp lực bán tháo cổ phiếu ở Phố Wall gia tăng vào buổi chiều ngày thứ Tư, sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tháng 12. Nội dung của biên bản cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho việc giảm lãi suất.
“Các thành viên tham dự cuộc họp nhìn chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì phương pháp tiếp cận cẩn trọng và dựa vào dữ liệu kinh tế cụ thể để đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ, đồng thời tái khẳng định rằng sẽ là phù hợp nếu chính sách tiền tệ duy trì trạng thái thắt chặt trong một khoảng thời gian cho tới khi lạm phát giảm một cách rõ ràng và bền vững về mục tiêu”, biên bản có đoạn.
Tại cuộc họp này, giới chức Fed dự báo có ba đợt cắt giảm lãi suất, mỗi đợt giảm 0,25 điểm phần trăm trong năm nay. Tuy nhiên, đang có một mức độ thiếu chắc chắn cao về việc liệu những đợt cắt giảm đó có trở thành hiện thực hay không.
Phản ánh kỳ vọng giảm lãi suất suy yếu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm lại vượt 4% trong phiên ngày thứ Năm, trước khi kết thúc phiên giao dịch ở mức hơn 3,9%.
Chiến lược gia Phillip Colmar của công ty MRB Partners nhận định thay vì hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ “không hạ cánh” - tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn so với xu hướng - và điều này sẽ hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất của Fed.
“Việc Fed giảm lãi suất không phải là điều bắt buộc, ngay cả khi ông Powell và các đồng nghiệp của ông ấy quyết tâm làm vậy. Hiện tại, tất cả các lớp tài sản, bao gồm cổ phiếu, đang phản ánh điều kiện tiền tệ nới lỏng”, ông Colmar trao đổi với hãng tin Reuters.
Dữ liệu về thị trường lao động của Mỹ cho thấy tình trạng thắt chặt đang được nới lỏng dần. Số việc làm cần tuyển dụng trong nền kinh tế Mỹ đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 11, với mức giảm 62.000 công việc, còn 879 triệu công việc - theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ.
“Báo cáo này là một dấu hiệu nữa cho thấy Fed đang đưa nền kinh tế hạ cánh mềm”, chiến lược gia Ron Temple của công ty Lazard nhận định, nhưng cũng cho rằng Fed khó cắt giảm mạnh lãi suất trong năm 2024 như thị trường kỳ vọng vì rủi ro lạm phát bùng trở lại.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 2,32 USD/thùng, tương đương tăng 3,29%, đóng cửa ở mức 72,7 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 2,36 USD/thùng, tương đương tăng 3,11%, đạt 78,25 USD/thùng.
Phiến quân Houthi, lực lượng ở Yemen và được Iran hậu thuẫn, ngày thứ Tư tuyên bố đã tấn công tàu container Tage của hãng vận tải biển Pháp CMA CGM. Trong khi đó, hãng ra tuyên bố nói rằng con tàu không gặp phải bất kỳ một sự cố nào.
Hôm thứ Tư, hãng vận tải biển Maersk của Đan Mạch dừng tất cả hoạt động đi lại qua Biển Đỏ cho tới khi có thông báo tiếp theo do liên tục bị Houthi tấn công. Hãng Hapag-Lloyd của Đức xác nhận tiếp tục tránh đi qua Biển Đỏ.
Giá dầu đã biến động mạnh trong tuần này do tin tức từ Biển Đỏ và nỗi lo về cung-cầu. Tuy nhiên, nhà sáng lập Amrita Sen của công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Energy Aspects cho rằng các yếu tố nền tảng vẫn đang chi phối chủ yếu giá dầu. “Chúng tôi nhận thấy lượng dầu tồn kho sẽ tăng lên trong năm nay, và đó là lý do vì sao thị trường không quá nhạy cảm với thông tin từ Biển Đỏ”, bà Sen nói.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, ngày thứ Tư ra tuyên bố đoàn kết để “duy trì nỗ lực ổn định thị trường dầu”. Dù vậy, các nhà giao dịch hoài nghi về cam kết này vì nhận thấy những bất đồng trong nội bộ liên minh.
Ngoài ra, mối lo thừa cung-thiếu cầu dầu đang phủ bóng lên thị trường vì Mỹ đang khai thác dầu với tốc độ kỷ lục, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc suy yếu. Năm ngoái, giá cả hai loại dầu WTI và Brent đều giảm hơn 10% vì lo ngại thị trường thừa cung.