11:55 02/01/2024

5 câu hỏi của giới đầu tư chứng khoán Mỹ năm 2024

Bình Minh

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc năm 2023 với chỉ số S&P 500 cận kề ngưỡng kỷ lục mọi thời đại. Vậy trong năm nay, đâu là những nhân tố có thể gây biến động giá cổ phiếu ở Phố Wall?

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Theo hãng tin Bloomberg, với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu hoàn thành chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát, thị trường đang chú trọng nhiều hơn vào các rủi ro ngoài chính sách tiền tệ như triển vọng của nền kinh tế, triển vọng lợi nhuận của các công ty niêm yết, và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Một thách thức đối với nhà đầu tư chứng khoán Mỹ năm nay sẽ là việc đánh giá hiệu ứng đến trễ của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Đây là vấn đề khiến các chiến lược gia ở Phố Wall đưa ra những nhận định không đồng nhất về hướng đi của thị trường trong năm nay. Năm ngoái, nhiều người cũng đã dự báo sai: họ cho rằng năm 2023 sẽ là một năm tồi tệ của thị trường, nhưng S&P 500 rốt cục đã tăng hơn 24% bất chấp cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực, nỗi lo suy thoái kinh tế và lãi suất Fed tăng lên mức cao nhất 22 năm.

Bloomberg đã đưa ra 5 chủ đề quan trọng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư chứng khoán Mỹ trong năm 2024:

BAO GIỜ FED BẮT ĐẦU CẮT GIẢM LÃI SUẤT?

Gần đây, thị trường nhận được sự hỗ trợ quan trọng từ dự báo cho rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024. Thị trường cũng kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất quyết liệt, với 6 lần giảm và tổng mức giảm 1,5 điểm phần trăm trong cả năm, trong đó đợt giảm đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 3.

Số lần và mức giảm lãi suất như vậy nhiều gấp đôi so với dự báo mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed đưa ra trong lần cập nhật vào tháng 12.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc giới đầu tư đặt hy vọng Fed giảm lãi suất vào tháng 3 là lạc quan quá mức. Thay vào đó, họ cho rằng Fed phải đến tháng 5 hoặc tháng 6 mới có thể bắt đầu giảm lãi suất, thậm chí đợi tới nửa sau của năm 2024.

Việc Fed xoay trục trong năm 2024 là điều gần như chắc chắn, nhưng quan trọng hơn cả là việc giảm lãi suất sẽ bắt đầu vào thời điểm nào, mà điều này sẽ tuỳ thuộc nhiều vào tốc độ giảm của lạm phát và thực tế các số liệu kinh tế vĩ mô cụ thể của Mỹ trong thời gian tới.

CỔ PHIẾU BIG TECH CÓ CÒN DƯ ĐỊA TĂNG?

7 cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn đã đóng góp 64% vào thành quả tăng của S&P 500 trong năm nay, khi Phố Wall chứng kiến một “cơn sốt” trí tuệ nhân tạo (AI). Nhóm cổ phiếu này - bao gồm Nvidia, Microsoft, Amazon, Apple, Alphabet, Meta và Tesla - được dự báo đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 22% trong năm tới, cao gấp đôi so với mức tăng trưởng lợi nhuận dự báo bình quân của các cổ phiếu thành viên S&P 500.

Vấn đề ở đây là kỳ vọng tăng trưởng đó đã được phản ánh bao nhiều vào giá cổ phiếu, và còn bao nhiêu chưa được phản ánh, nhất là trong bối cảnh kỳ vọng về một cuộc hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ ngày càng lớn.

Một báo cáo của công ty Naviellier & Associates cho rằng trong số 7 cổ phiếu trên, có 6 cổ phiếu có triển vọng tăng tốt trong năm 2024. Riêng triển vọng của Apple bấp bênh hơn và phụ thuộc vào việc “táo khuyết” có tung ra được một sản phẩm hay công nghệ mới đủ ấn tượng để thúc đẩy lợi nhuận.

HIỆU ỨNG LỊCH SỬ CỦA BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ CÓ LẶP LẠI?

Lịch sử cho thấy, một năm bầu cử với sự tham gia tranh cử của Tổng thống đương nhiệm thường là một năm tăng điểm của chứng khoán Mỹ. Từ năm 1949 tới nay, S&P 500 đạt mức tăng trưởng bình quân gần 13% mỗi năm trong những năm bầu cử như vậy - theo cuốn Stock Trader’s Almanac. Trái lại, trong những năm bầu cử mà tổng thống đương nhiệm không tái tranh cử, chỉ số giảm bình quân 1,5%/năm.

Lý do của việc thị trường tăng điểm trong những năm bầu cử có Tổng thống đương nhiệm tái tranh cử là vị Tổng thống đó thường thực thi các chính sách mới hoặc giảm thuế để kích thích nền kinh tế và thu hút sự ủng hộ của cử tri trước kỳ bầu cử.

CHÂU Á SẼ MANG TỚI NHỮNG RỦI RO GÌ?

Một mối quan tâm lớn của giới đầu tư chứng khoán Mỹ và toàn cầu trong năm nay là liệu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có chấm dứt chính sách lãi suất âm. BOJ đang là ngân hàng trung ương cuối cùng trên thế giới còn giữ lãi suất âm, và khoảng 2/3 số nhà kinh tế học được Bloomberg khảo sát dự báo BOJ sẽ có đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007 vào tháng 4 năm nay.

Kinh tế Trung Quốc đã gây thất vọng trong năm 2023, và nhà đầu tư đang chờ kỳ họp Quốc hội sắp tới của nước này để biết về mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay, cũng như tìm kiếm tín hiệu về các biện pháp kích cầu mới.

Trong khi đó Ấn Độ vẫn đang là một điểm sáng của kinh tế châu Á, thu hút được nhiều hợp đồng sản xuất lớn, tiếp tục đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, và nổi lên như một địa chỉ sản xuất thay thế cho Trung Quốc.

CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ CỦA CHÂU ÂU VÀ ANH SẼ ĐI THEO HƯỚNG NÀO?

Thị trường đang dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ bắt đầu giảm lãi suất trước cuối tháng 4, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) được cho là sẽ bắt đầu giảm lãi suất sau cả Fed và ECB vì Anh đang có mức lạm phát thuộc hàng cao nhất trong số 7 nền công nghiệp phát triển (G7).

Việc ngân hàng trung ương nào hạ lãi suất trước hay sau sẽ gây biến động tỷ giá giữa các đồng tiền và dòng tiền. Ngoài ra, tốc độ giảm lãi suất khác nhau giữa các ngân hàng trung ương cũng sẽ gây biến động, mà việc này sẽ tuỳ thuộc vào tốc độ giảm lạm phát và tình hình tăng trưởng cụ thể ở mỗi nền kinh tế.