08:08 03/01/2024

Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt sụt giảm trong phiên đầu năm

Bình Minh

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm vượt mốc 4%, gây lo ngại cho nhà đầu tư...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (2/1), phiên đầu tiên của năm 2024, khi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng và một số nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng mạnh cuối năm ngoái. Giá dầu thô có một phiên biến động và chốt phiên trong trạng thái giảm khá mạnh, trong bối cảnh nhà đầu tư dõi theo các diễn biến ở Biển Đỏ và tiếp tục lo ngại về sản lượng dầu của Mỹ lập kỷ lục trong lúc nhu cầu năng lượng của Trung Quốc suy yếu.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,57%, còn 4.742,83 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,63%, còn 14.765,94 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10. Riêng chỉ số Dow Jones tăng 25,5 điểm, tương đương tăng 0,07%, đạt 37.715,04 điểm.

Gây áp lực giảm lên S&P 500 phiên này là cú giảm mạnh của Apple - cổ phiếu chiếm tỷ trọng hơn 7% trong thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ. “Táo khuyết” sụt gần 3,6% sau khi bị ngân hàng Barclays hạ tỷ trọng khuyến nghị nắm giữ. Trong khi đó, Dow Jones giữ được sắc xanh nhờ sự đi lên của những cổ phiếu phòng thủ như Johnson & Johnson và Merck.

Trước phiên này, chứng khoán Mỹ đã kết thúc năm 2023 với thành quả tăng rực rỡ, trong đó S&P 500 có chuỗi 9 tuần tăng liên tiếp - chuỗi dài nhất kể từ năm 2004. Động lực cho thị trường hồi phục mạnh mẽ vào cuối năm là lạm phát giảm trong khi nền kinh tế vẫn vững vàng, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu kết thúc chiến dịch tăng lãi suất đồng thời dự báo sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Mặc những trở ngại lớn như chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông và cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực ở Mỹ, S&P 500 đã tăng 24% cả năm ngoái.

Cổ phiếu công nghệ, nhất là các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn, đã dẫn dắt xu hướng tăng của thị trường, trong đó phải kể tới Apple với mức tăng 48%; Microsoft tăng gần 57%; Nvidia tăng 239%. Nhờ đó, Nasdaq ghi nhận mức tăng cả năm 43,4%, mạnh nhất kể từ 2020.

Dow Jones tăng 13,7% cả năm ngoái và thiết lập kỷ lục mới.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ xuống thang đã “tiếp sức” cho giá cổ phiếu trong những tuần cuối năm. Sau khi vượt mốc 5%, cao nhất 16 năm, vào cuối tháng 10, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm dưới mốc 3,9% vào cuối năm.

Tuy nhiên, trong phiên ngày thứ Ba, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm vượt mốc 4%, gây lo ngại cho nhà đầu tư. Việc lợi suất tăng được cho là một dấu hiệu cho thấy thị trường đang giảm bớt kỳ vọng vào cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Trao đổi với hãng tin Reuters, chiến lược gia Jack Janasiewicz của công ty Natixis Investment Managers Solutions cho rằng mối lo lớn nhất hiện nay là liệu thị trường có nhầm lẫn sự giảm tốc của nền kinh tế với dấu hiẹu về một cuộc suy thoái kinh tế sắp xảy đến. Trong trường hợp có suy thoái, Fed có thể mới giảm lãi suất tới 6 lần như kỳ vọng của nhà đầu tư trong thời gian gần đây.

“Rủi ro nằm ở chỗ, đã có một vài số liệu kinh tế yếu, nhưng quan trọng nhất vẫn là thị trường lao động thế nào. Tôi cảm tưởng là thị trường đang suy đoán tình trạng yếu đi của nền kinh tế với một cuộc hạ cánh cứng. Đó có thể sẽ là một sai lầm”, ông Janasiewicz nói.

Số liệu kinh tế Mỹ quan trọng nhất trong tuần này là báo cáo việc làm tổng thể tháng 11, dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. Nếu con số được đưa ra mạnh hơn dự báo, kỳ vọng giảm lãi suất sẽ giảm bớt, gây áp lực lên giá các tài sản rủi ro như cổ phiếu và giá hàng hoá cơ bản.

Giá dầu thô WTI giao tháng 2 tại New York giảm 1,27 USD/thùng, tương đương giảm 1,77%, chốt ở mức 70,38 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 3 tại London giảm 1,15 USD/thùng, tương đương giảm 1,49%, còn 75,89 USD/thùng.

Trong phiên, giá dầu có lúc tăng hơn 2% do căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ - một đoạn huyết mạch của hoạt động vận tải biển toàn cầu. Từ cuối năm ngoái, phiến quân Houthi đã tăng cường các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái nhằm vào tàu bè đi qua khu vực nối với kênh đào Suez này, khiến nhiều tàu chở hàng phải thay đổi hải trình.

Bà Helima Croft, chiến lược gia của công ty RBC Capital Markets, nói rằng giá dầu chưa phản ánh được căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ vì các nhà giao dịch vẫn tin rằng sẽ không có sự gián đoạn nguồn cung xảy ra. “Về cơ bản, thị trường đang tuyên bố chờ xem rốt cục điều gì sẽ xảy ra. Nhưng căng thẳng đang gia tăng mỗi ngày”, bà nói.

Hiện tại, các nhà giao dịch đang quan tâm nhiều hơn tới sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ và nhu cầu dầu suy yếu của Trung Quốc, và những yếu tố này đang gây áp lực giảm lên giá dầu - theo chuyên gia an ninh năng lượng Adi Imsirovic của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).