13:52 03/01/2024

Bất chấp xu hướng giảm lãi suất 2024, tiền có thể không còn rẻ như trước?

An Huy

Năm 2024 có thể mang đến nhưng điều bất ngờ, khi thế giới phải điều chỉnh để thích nghi với một trật tự kinh tế mới mà ở đó tiền không còn rẻ nữa...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giới đầu tư tin chắc rằng các ngân hàng trung ương phương Tây đang tiến gần đến xoay trục chính sách tiền tệ, chuyển từ tăng lãi suất sang giảm lãi suất. Tuy nhiên, hãng tin Reuters cho rằng năm 2024 có thể mang đến nhưng điều bất ngờ, khi thế giới phải điều chỉnh để thích nghi với một trật tự kinh tế mới mà ở đó tiền không còn rẻ nữa.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng điểm và lợi suất trái phiếu chính phủ nhiều nền kinh tế lớn đã giảm trong những tuần gần đây, dù giới chức các ngân hàng trung ương cảnh báo không nên đặt cược quá sớm vào sự dịch chuyển của chính sách tiền tệ. Chẳng hạn ở Mỹ, nhà đầu tư đang cho rằng Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ) sẽ có 6 đợt giảm lãi suất trong năm nay, bắt đầu từ tháng 3, và tổng lượng giảm lãi suất cả năm sẽ là 1,5 điểm phần trăm. Cơ sở của kỳ vọng này là niềm tin rằng Fed sẽ đưa nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm - kéo lạm phát về mục tiêu mà không gây suy thoái.

Niềm tin này dâng cao sau khi kinh tế Mỹ trong năm 2023 gây ngạc nhiên bởi sự vững vàng bất chấp chiến dịch tăng lãi suất của Fed. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã được nâng đỡ một phần bởi lượng tiền tiết kiệm khổng lồ trong đại dịch Covid-19 và sức hấp dẫn của một thị trường đầu tư an toàn trong bối cảnh thế giới nhiều biến động. Giới đầu tư có thể đúng, vì một số chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng Fed trên thực tế đã đưa được nền kinh tế hạ cánh mềm nhiều hơn mọi người vẫn tưởng.

Nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng khả năng Fed đưa được nền kinh tế hạ cánh mềm lần này là tương đối thấp. Lượng tiền tiết kiệm thời đại dịch đang cạn dần và những đám mây đen đang hình thành ở phía chân trời, nhất là với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay được dự báo sẽ là một cuộc đua khốc liệt.

Và giả sử Fed có giảm lãi suất tổng cộng 1,5 điểm phần trăm trong năm nay như những gì mà thị trường đang dự báo, thì lãi suất quỹ liên bang vẫn còn 3,75-4%, cao hơn so với mức của phần lớn thời gian trong 2 thập kỷ qua. Với mức lãi suất như vậy, chính sách tiền tệ vẫn sẽ là một rào cản đối với tăng trưởng kinh tế, vì lãi suất còn cao hơn so với lãi suất trung tính (neutral rate - mức lãi suất không gây hiệu ứng tăng trưởng hay suy giảm kinh tế).

Ngoài ra, triển vọng kinh tế Mỹ 2024 còn bị phủ bóng bởi một số rủi ro khác: hai cuộc chiến tranh, căng thẳng địa chính trị gia tăng gây đảo ngược tiến trình toàn cầu hoá, và các cuộc bầu cử tại một số quốc gia có thể khiến trật tự thế giới thay đổi theo những cách không ai ngờ tới - bài báo của Reuters nhận định.

Lãi suất là yếu tố ảnh hưởng tới mọi thứ trong nền kinh tế, từ tốc độ tăng trưởng kinh tế cho tới giá tài sản tài chính hay chi phí của việc vay nợ để mua nhà, mua xe. Lãi suất cao khiến cho các tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu công nghệ hay tiền ảo trở nên kém hấp dẫn hơn, vì lãi suất cao mang đến cho nhà đầu tư một khoản lãi không tồi ngay cả khi họ không cần phải mua những tài sản rủi ro như vậy.

Chừng nào tiền còn đắt, những vụ đặt cược rủi ro có thể thất bại và bong bóng sẽ vỡ, dẫn tới những sự kiện như cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực hồi tháng 3 năm ngoái. Đối mặt khó khăn, doanh nghiệp sẽ cắt giảm các kế hoạch đầu tư, người lao động có thể mất việc và khó tìm việc mới hơn.

Dù Fed và các ngân hàng trung ương khác đã tăng lãi suất trong gần 2 năm qua, thế giới đến hiện tại vẫn chưa hoàn tất cuộc dịch chuyển từ thời kỳ tiền rẻ, thậm chí là miễn phí, sang một thời kỳ mà tiền không còn rẻ nữa. Năm 2024 có thể sẽ là năm mà hiệu ứng của cuộc dịch chuyển đó được thể hiện rõ ràng hơn cả.

Điều đó có nghĩa là nhiều doanh nghiệp - và trong một số trường hợp là cả quốc gia - sẽ phải tái cơ cấu các nghĩa vụ nợ vì không còn đủ khả năng trả lãi. Trên thực tế, nhiều nền kinh tế mới nổi đang trải qua các quốc đàm phán với chủ nợ và số doanh nghiệp phá sản trên toàn cầu cũng tăng mạnh. Số hồ sơ doanh nghiệp xin bảo hộ phá sản ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2020 gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trong nền kinh tế, một số khu vực như thị trường bất động sản thương mại - nơi nhiều toà nhà văn phòng bị bỏ trống vì xu hướng làm việc từ xa sau đại dịch - sẽ còn đối mặt nhiều thách thức. Nhiều chủ đầu tư sẽ phải định giá lại danh mục và từ bỏ những toà nhà không có khách thuê. Thua lỗ từ những vụ đầu tư này sẽ ngấm tới các ngân hàng, tương tự như những gì đang diễn ra với công ty bất động sản châu Âu Signa mới vỡ nợ.

Đối với người tiêu dùng, lãi suất cao hơn sẽ đòi hỏi họ phải có sự điều chỉnh. Nhiều người trưởng thành ở Mỹ mới chỉ biết đến lãi suất thấp cho khoản vay thế chấp nhà kỳ hạn 30 năm. Rồi đây, họ sẽ phải làm quen với mức lãi suất cao gấp đôi và phải cân đối lại ngân sách cho phù hợp.

Bài báo kết luận rằng niềm tin của nhà đầu tư sẽ bị thử thách trong năm nay, khi tất cả mọi đối tượng trong nền kinh tế sẽ phải tìm cách để chung sống với lãi suất cao hơn trước kia.