Chứng khoán sáng 15/11: Nội ngoại "chiến" dữ dội tại VNM
Lực cản chính đối với thị trường sáng nay là giao dịch của VNM, khi khối ngoại vẫn bán đổ bán tháo ác liệt
Lực cản chính đối với thị trường sáng nay là giao dịch của VNM, khi khối ngoại vẫn bán đổ bán tháo ác liệt. Nhà đầu tư trong nước cũng đỡ giá miệt mài tại VNM còn VIC đang cố gắng cân bằng cho chỉ số.
Giao dịch chiếm gần 10% sàn HSX, chiếm 14,5% rổ VN30, VNM là cổ phiếu đáng xem nhất sáng nay. Các phiên trước, cùng với khả năng trụ giá yếu ớt của nhóm blue-chips nói chung, VNM là lực kéo xuống quan trọng nhất đối với các chỉ số. VNM rơi vào nhịp điều chỉnh chóng mặt những ngày qua do khối ngoại xả quá nhiều.
Sáng nay VNM tiếp tục bị khối ngoại bán ra 664.390 đơn vị, hoàn toàn là qua thẳng khớp lệnh, tạo sức ép đáng kể. Lượng bán này chiếm 53% thanh khoản của VNM trong khi mua vào rất nhỏ. Gần như tất cả lực mua với VNM đến từ nhà đầu tư trong nước.
Sức mua của khối nội và lực xả của khối ngoại "chọi" nhau đã đẩy thanh khoản của VNM lên cao nhất thị trường với 1,25 triệu cổ trị giá 155,3 tỷ đồng. Đỉnh điểm của "cuộc chiến" là lúc khối ngoại ép giá VNM giảm tới 4,69% ngay đầu phiên. Mức giảm giá đột biến này đưa VNM rơi xuống 120.000 đồng, tương đương với vùng hỗ trợ giữa tháng 9 vừa qua. Từ đây, lực cầu trong nước bắt đầu "phản công" mạnh mẽ và đẩy dần giá VNM lên 123.200 đồng, chỉ còn giảm 2,14% so với tham chiếu.
Xu hướng giảm tới 15 phiên của VNM là diễn biến kỳ lạ nhất trong nhóm blue-chips, nhất là với các mã trụ. Cổ phiếu này đã giảm tối đa (tính theo giá thấp nhất sáng nay) tới gần 11% so với đỉnh, còn hiện đang giảm 8,4%.
Mặc dù thu hẹp được đáng kể mức giảm nhưng VNM vẫn để mất gần 4.877 tỷ đồng vốn hóa, tương đương 1,4 điểm của VN-Index. Đó là thiệt hại lớn nhất của chỉ số trong sáng nay. Rất may là VIC, đang bật tăng 1,09% đã cân bằng lại phần nào với gần 1,3 điểm.
Nhóm blue-chips thực tế cũng chỉ giao dịch bình bình nhưng vài trụ đang khá tốt, VN30 có 18 mã tăng/10 mã giảm và một số trụ đang hỗ trợ chỉ số đáng kể. Ngoài VIC có GAS tăng 1,41%, SAB tăng 0,79%. Số còn lại chỉ hỗ trợ phần nào vì mức tăng nhẹ hoặc vốn hóa khá bé: VHM tăng 0,31%, TCB tăng 0,2%, BID tăng 0,12%, CTG tăng 0,93%, VPB tăng 1,19%.
Blue-chips cũng là yếu tố duy nhất duy trì trạng thái giằng co, giúp VN-Index tăng nhẹ 0,17%. VN30-Index tăng chỉ 0,11%. Độ rộng của HSX cân bằng với 140 mã tăng/149 mã giảm nhưng Midcap vẫn giảm 0,05%, Smallcap giảm 0,07%. Vì vậy độ rộng không nói lên nhiều điều, khi bản thân các trụ vẫn còn đang vất vả giằng co lẫn nhau.
Số mã tăng giá khá nhiều nhưng không có giao dịch nóng. Nhóm đầu cơ chỉ có SJF và CLG giao dịch khá nhưng cũng chỉ thu hút được vài tỷ đồng giá trị. Dải tăng giá 2%-5% cũng lác đác một số có thanh khoản như DIC, DRH, DBD, CTF, IJC, DIG.
Các mã đầu cơ nóng trước đây hôm nay xuất hiện lực xả lớn và giá giảm cùng với hàng triệu đơn vị thanh khoản: TSC giảm 5,62%, FLC giảm 3,13%, HAI giảm 3,03%, HDC giảm 2,68%, DLG giảm 2,44%...
Sàn HNX vẫn chỉ đang trông cậy vào ACB tăng 0,41%, còn VCG giảm 1,1%, VCS giảm 0,24%, số trụ còn lại tham chiếu. HNX30 không được ACB hỗ trợ đủ, đang giảm 0,01% với 10 mã tăng/11 mã giảm trong khi HNX-Index tăng 0,11% với 47 mã tăng/56 mã giảm.
Thanh khoản sáng nay tăng khoản 10% so với sáng hôm qua, đạt 1.727,4 tỷ đồng nhưng giao dịch tập trung chủ yếu vào VNM, VRE, FPT và ROS. 4 mã này chiếm 29,4% giá trị khớp hai sàn, chiếm 32% sàn HSX và chiếm 48% rổ VN30.
Khối ngoại sáng nay thỏa thuận gần 5,2 triệu SAB trị giá tới gần 1.218,7 tỷ đồng, đẩy tổng giá trị mua trên sàn HSX lên 1.394,1 tỷ đồng. Tuy nhiên SAB là thỏa thuận nội khối. Tổng giá trị bán ra cũng tới 1.472,9 tỷ đồng, nghĩa là khối này vẫn đang xả ròng. VN30 bị bán 1.431,4 tỷ, mua vào 1.352,8 tỷ đồng, cũng là bán ròng. HNX mua 5,8 tỷ, bán 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên các mã bị bán ròng lớn cũng chỉ có VNM, HPG, POW và phía mua ròng là VRE, HSG, DIG.