13:52 08/07/2025

Mua ròng đột biến 7.000 tỷ trong 5 phiên: Tiền mới của khối ngoại chính thức nhập cuộc?

Thu Minh

Lượng tiền mua mới của khối ngoại chủ yếu đến từ quỹ chủ động, đặc biệt đã có thể dòng tiền mới nhập cuộc. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố trên mạng xã hội về mức thuế Mỹ sẽ áp cho hàng hóa Việt Nam 20%, áp lực thuế quan giải tỏa, nhà đầu nước ngoài quay trở lại mua ròng ồ ạt cổ phiếu Việt Nam.

Thống kê trong 4 phiên liên tiếp và tính đến hết buổi sáng hôm nay 8/7, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tổng cộng hơn 7.000 tỷ đồng, mang lại tâm lý tích cực cho dòng tiền nội, VN-Index nhanh chóng vượt 1.400 điểm. 

Đáng lưu ý, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong bối cảnh các ETF vẫn rút khỏi Việt Nam. Trong tuần từ ngày 30/6 - 4/7, các quỹ ETF đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục bị rút ròng với gần 285 tỷ đồng, giảm -21% so với tuần trước đó, theo số liệu từ FiinTrade.

Trong đó, động thái rút ròng diễn ra ở 11/20 quỹ, tập trung phần lớn ở quỹ ngoại Fubon FTSE Vietnam ETF. Các quỹ ETF ngoại bị rút hơn 143 tỷ đồng, ghi nhận tuần thứ 8 liên tiếp dòng vốn ở trạng thái rút ròng. Áp lực rút ròng tập trung chủ yếu ở quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF với gần 121 tỷ đồng, trong đó, top các cổ phiếu bị bán ròng mạnh đều thuộc nhóm VN30 là VIC, VHM, HPG, MSN, VCB. Ngoài ra, quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF bị rút ròng gần 23 tỷ đồng.

Giá trị rút ròng ở các quỹ ETF nội ghi nhận hơn 141 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở 2 quỹ do Dragon Capital quản lý là VFM VN30 ETF (-81 tỷ đồng), VFM VNDiamond ETF (-53 tỷ đồng).

Với dòng tiền từ Thái Lan thông qua chứng chỉ lưu ký (DRs): Nhà đầu tư Thái Lan bán ròng 300 nghìn chứng chỉ lưu ký ở quỹ VFM VNDiamond ETF (mã FUEVFVND01), tương đương 10,1 tỷ đồng. Tương tự, nhà đầu tư Thái Lan bán ròng 300 nghìn chứng chỉ lưu ký ở quỹ VFM VN30 ETF (mã FUEVFVND01), tương đương 7,8 tỷ đồng.

Tháng 7/2025, các quỹ ETF ghi nhận bị rút ròng hơn 212 tỷ đồng, nâng tổng giá trị rút ròng từ đầu năm 2025 ghi nhận là 8,3 nghìn tỷ đồng (thấp hơn so với năm 2024 - 21,8 nghìn tỷ đồng) Tại ngày 4/7/2025, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF (chỉ tính các phân bổ vào thị trường Việt Nam) đạt gần 56,3 nghìn tỷ đồng, giảm -1,6% so với cuối năm 2024. Top cổ phiếu bị các quỹ bán ròng trong tuần từ 30/6 - 4/7 là VIC, HPG, VHM, MSN, VCB.

Mua ròng đột biến 7.000 tỷ trong 5 phiên: Tiền mới của khối ngoại chính thức nhập cuộc?  - Ảnh 1

Nhận định về xu hướng mua bán lệch pha của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối nghiên cứu phân tích khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng, lượng tiền mua chủ yếu đến từ quỹ chủ động, đặc biệt đã có thể dòng tiền mới nhập cuộc. 

Dòng tiền mới vào Việt Nam có thể qua ba kênh chính: Thứ nhất, quỹ mới toanh đổ vào cổ phiếu Việt Nam; thứ hai là các quỹ hiện hữu nhưng huy động được lượng tiền mới. Cũng không loại trừ khả năng các quỹ đầu cơ theo câu chuyện nâng hạng. Thông thường, mỗi khi gần đến thời điểm nâng hạng các quỹ ngoại sẽ mua ròng mạnh và thậm chí là đổ tiền vào mua đẩy thị trường lên. Nhưng đây sẽ là các quỹ mới, bởi thực tế các quỹ chủ động hiện hữu họ đã sở hữu tỷ trọng cổ phiếu lớn, hầu hét chờ đợi Vn-Index để thoát hàng.

Số liệu từ FiinTrade cũng cho thấy điều đó, trong tháng 5/2025, có 19/35 mở đầu tư cổ phiếu giảm tỷ trọng tiền mặt, tăng so với 13/32 quỹ trong tháng 4/2025.  Đáng chú ý, hai quỹ thuộc Dragon Capital là quỹ Cổ phiếu Việt Nam Chọn lọc (VFMVSF) và Quỹ Chứng khoán Năng động DC (DCDS) đều ghi nhận động thái giảm tỷ trọng tiền mặt trong hai tháng liên tiếp. Xu hướng này phản ánh tâm lý bớt phòng thủ hơn ở các quỹ cổ phiếu, trong bối cảnh thị trường đang trên đà phục hồi.

Về mặt định giá, theo ông Minh, ở thời điểm hiện tại không nên so sánh định giá của Vn-Index so với quá khứ 5 hay 10 năm bởi câu chuyện nằm ở chỗ định giá của chúng ta đang hấp dẫn hơn so với các thị trường khác lân cận.

Điểm sáng với Việt Nam là chính quyển của Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế cao cho 14 quốc gia, trong đó nhiều quốc gia ASEAN khác như Thái Lan, Campuchia (36%), Indonesia (32%) hay Lào và Myanmar (40%) đang đối mặt với mức thuế cao hơn đáng kể so với Việt Nam. Tức là lợi thế về thuế quan của Việt Nam đang ở mức thấp, từ mức thuế này thì định giá tương lai của Việt Nam cũng sẽ hấp dẫn hơn so với các thị trường trung khu vực. 

"Nhà đầu tư nước ngoài họ mua ròng, mua vùng giá cao, mua ồ ạt liên tục cho nên theo tôi đây là tín hiệu để nhà đầu tư trong nước tự tin ở vùng giá này, thay vì chốt lời ở vùng 1.400, có thể chốt lời 1 phần và chờ đợi mở rộng tăng tiếp. Nếu VN-Index tiếp tục được hỗ trợ bởi tiền nội và khối ngoại, Vn-Index có thể chưa vượt qua hẳn 1.400 điểm ngay lúc này mà sẽ có rung lắc điều chỉnh sau đó đi lên tiếp, con số 1.500 điểm hoàn toàn có khả năng đạt được", ông Minh kỳ vọng.