08:21 16/07/2007

Chứng khoán tuần qua: Nước ngoài đang chờ những “gương mặt” mới

Hải Bằng

Không khí giao dịch tuần qua khá trầm lắng, giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ lại sụt mạnh sau khi đã tăng ở tuần trước

Các nhà đầu tư đang như chờ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư đang như chờ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp.
Không khí giao dịch tuần qua khá trầm lắng, giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ lại sụt mạnh sau khi đã tăng ở tuần trước.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm mạnh ở 2 sàn, riêng sàn Hà Nội giao dịch sụt xuống mức kỷ lục trong 3 phiên cuối tuần.

Tại sàn Tp.HCM, trong tuần từ 9/7 đến 13/7, VN-Index đã tăng điểm trở lại, chấm dứt chuỗi 6 tuần giảm liên tiếp, mức tăng là 5,2 điểm so với phiên cuối tuần trước. Trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 9/7, đa số cổ phiếu nhỏ tăng giá trở lại sau khi giảm trong tuần trước đó, một số cổ phiếu lớn xuống giá như PPC, SJS và đứng giá như VNM và FPT.

Phiên giao dịch ngày 10/7, các cổ phiếu nhỏ đồng loạt tăng kịch trần trong khi đó các cổ phiếu lớn cũng tăng giá giúp chỉ số VN-Index đột ngột tăng mạnh trở lại. Phiên giao dịch giữa tuần, đa số cổ phiếu trên sàn Tp.HCM tiếp tục tăng giá, đưa chỉ số VN-Index lên gần 1.030 điểm.

Trong tuần, các nhà đầu tư đang như chờ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp, do đó lượng cung và cầu cổ phiếu trên sàn Tp.HCM tiếp tục ở mức thấp.

Qua 5 phiên, tổng lượng đặt mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 40,96 triệu chứng khoán, giảm gần 6 triệu chứng khoán, hơn 17,85 triệu chứng khoán đặt mua không được khớp lệnh, giảm gần 2 triệu chứng khoán so tuần trước.

Tổng lượng đặt bán đạt 37,94 triệu chứng khoán, giảm 9 triệu chứng khoán, thấp hơn đặt mua 3,02 triệu chứng khoán và có gần 15 triệu chứng khoán đặt bán không được khớp lệnh.

Tổng khối lượng khớp lệnh 5 phiên lại sụt giảm mạnh sau khi đã tăng lên trong tuần trước, đạt mức 23,095 triệu chứng khoán, giảm 3,7 triệu chứng khoán, tổng trị giá đạt 2.517 tỷ đồng, giảm 134 tỷ đồng.

5 chứng khoán có khối lượng giao dịch khớp lệnh lớn nhất là STB với 2,657 triệu cổ phiếu, giảm gần một nửa so với tuần trước, trị giá 168 tỷ đồng, FPT đạt 1,333 triệu cổ phiếu, trị giá 402 tỷ đồng, PVD đạt 1,038 triệu cổ phiếu, trị giá 178 tỷ đồng, REE đạt 0,934 triệu cổ phiếu, trị giá 140 tỷ đồng, VF1 với 0,908 triệu chứng chỉ quỹ, trị giá 28 tỷ đồng.

Tại sàn Tp.HCM giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài sụt mạnh so với tuần trước, 4 phiên đầu tuần mua vào nhiều hơn bán ra, tổng trị giá mua đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 340 tỷ đồng, nhà đầu tư nước ngoài bán hơn 1,47 triệu chứng khoán, giảm 1,2 triệu chứng khoán, trị giá 489 tỷ đồng.

Tại sàn Hà Nội, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đột ngột sụt mạnh vào 3 phiên cuối tuần, tổng khối lượng mua vào gấp hơn 6 lần bán ra, qua 5 phiên họ mua 906.600 cổ phiếu, giảm hơn 300.000 cổ phiếu, trị giá mua 77,07 tỷ đồng và bán ra 140.800 cổ phiếu, tăng gần 100.000 cổ phiếu, trị giá bán 11,12 tỷ, tăng 8 tỷ đồng so với tuần trước.

Qua 5 phiên ở sàn Tp.HCM, có 74 mã chứng khoán tăng giá, 22 mã chứng khoán giảm giá và 11 mã chứng khoán đứng giá. Cổ phiếu GMC (May Sài Gòn) là cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường với mức tăng 26,7% lên mức 54.500 đồng.

Nguyên nhân chính là do May Sài Gòn công bố nhiều thông tin khá tốt, kinh doanh tiếp tục thuận lợi, đạt 9 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm, vượt 10% kế hoạch năm và tăng 38,5% so cùng kỳ năm trước. GMC dự kiến đạt 250 tỷ đồng doanh thu và 15 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay.

Giá cổ phiếu Dầu Tường An tiếp tục tăng mạnh do nhà đầu tư nước ngoài liên tục gia tăng mua vào cổ phiếu này, mức tăng là 22,8% tương đương mức 23% trong tuần trước. Đây là cổ phiếu tăng mạnh thứ 2 thị trường với lượng giao dịch tăng đột biến từ mức hơn 30.000 cổ phiếu, tăng lên 101.290 cổ phiếu vào phiên 11/7, hơn 530.000 cổ phiếu vào ngày 12/7 và gần 190.000 cổ phiếu vào phiên cuối tuần 13/7.

Cổ phiếu IMP, HAX, BBC, VIS, SFC, DMC và BT6 tăng giá khá mạnh, mức tăng trên 10%. GIL là cổ phiếu được điều chỉnh giá do phát hành thêm cổ phiếu mới trong tuần qua, giá giảm 31,1%. Giá cổ phiếu SJS giảm 5,6%, BMC giảm 4,3%, TCR, PPC và FPT giảm trên 3% trong tuần qua.