17:29 31/10/2023

Chuỗi cung ứng khó phục hồi trước năm 2025

Vũ Khuê

Hoạt động chuỗi cung ứng đang bị trì trệ và không có nhiều hy vọng sẽ phục hồi trước năm 2025. Thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là dự báo nhu cầu - năng lực, dự đoán điều gì sẽ diễn ra trong tương lai?…

Hoạt động chuỗi cung ứng đang bị trì trệ và không có nhiều hy vọng sẽ phục hồi trước năm 2025.
Hoạt động chuỗi cung ứng đang bị trì trệ và không có nhiều hy vọng sẽ phục hồi trước năm 2025.

Đó là nhận định được đưa ra trong khảo sát của CEL (Công ty tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực chuỗi cung ứng), đã tiến hành với hơn 300 nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia cung ứng tại Việt Nam.

Kết quả khảo sát cho thấy, 3,1% lãnh đạo doanh nghiệp rất không hài lòng về hiệu quả hoạt động của năm 2023; 34,4% hơi không hài lòng; 21,9% cho biết bình thường; 34,4% khá hài lòng và chỉ 6,3% rất hài lòng với kết quả kinh doanh của họ.

Ngoài ra, 46,9% người được khảo sát cho rằng thách thức của năm 2023 là dự báo được nhu cầu, từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng (12,5%), từ quản trị hàng tồn kho (12%) và từ các vấn đề về logistics và vận chuyển (9,4%).

Nhận định về triển vọng năm 2024, hầu hết các ý kiến được khảo sát đều cho rằng hoạt động chuỗi cung ứng đang bị trì trệ và không có nhiều hy vọng sẽ phục hồi trước năm 2025.

Cụ thể, 40,6% người được hỏi cho rằng thách thức vẫn chưa hết, 15,6% tỏ ra lạc quan; 9,4% cho rằng cần thận trọng và cũng 9,4% cho rằng năm 2024 thị trường sẽ sôi động.

Đáng lưu, ý, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là dự báo nhu cầu - năng lực, dự đoán điều gì sẽ diễn ra trong tương lai.

Nguyên nhân của bức tranh kém lạc quan trên, là do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hiệu suất kinh doanh ổn định trong những năm qua. Các chỉ số tài chính và hiệu suất bán hàng cho thấy rằng việc hồi phục đến mức trước đại dịch có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến.

Trong năm 2023, nhiều công ty đã phải đối mặt với những khó khăn như thiếu hụt nguồn cung, tăng giá nguyên liệu, và sự bất ổn của thị trường. Cùng với đó là các chỉ số kinh tế toàn cầu, như GDP, tỷ lệ thất nghiệp và chỉ số sản xuất, đều cho thấy rằng thách thức vẫn còn và việc phục hồi có thể kéo dài.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng rất kỳ vọng về giá trị của áp dụng công nghệ trong hoạt động chuỗi cung ứng. 56,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết năm 2024 đẩy mạnh chuyển đổi số và tích hợp công nghệ, 31,3% hình thành chuỗi cung ứng bền vững; 56,3% đầu tư vào quản trị rủi ro và nâng cao năng lực phục hồi.

“Họ nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động của chuỗi cung ứng trong nền kinh tế đầy biến động như hiện nay, tức là tăng cường giám sát và cải thiện khả năng phục hồi”, khảo sát nhận định.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc liên kết các dữ liệu và hệ thống trong chuỗi cung ứng - không chỉ đơn thuần là việc sử dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến một cách độc lập, từ đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc tích hợp hệ thống. Bên cạnh đó, yếu tố con người và phát triển bền vững cũng là những thách thức thứ yếu mà các nhà lãnh đạo quan tâm.

Bà Nguyễn Quyên, Giám đốc CEL nhận định, Việt Nam là trung tâm sản xuất của thế giới và đã phát triển mạnh mẽ trong 2 thập kỷ qua về năng lực sản xuất, hướng tới các sản phẩm có giá trị gia tăng ngày càng cao. Điều đó đã được chứng minh là một giải pháp thay thế bền vững cho các công ty nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một quốc gia có thế mạnh về sản xuất và phụ thuộc nhiều vào nhu cầu toàn cầu để duy trì hoạt động công nghiệp.

Năm 2023 phản ánh sự chững lại về mức tiêu dùng nội địa của các đối tác thương mại chính của Việt Nam, kèm theo sự nổi lên mạnh mẽ từ các nền kinh tế khác trong cuộc đua cung ứng toàn cầu (như Ấn Độ, Mexico....), dẫn đến sự cấp thiết phải gia tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam nhằm duy trì sự ổn định trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thế trận này đòi hỏi Việt Nam một sự chuyển đổi nhanh chóng theo hướng hiệu quả và đổi mới.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu có vẻ sẽ tiếp tục ảm đạm trong thời gian tới (2024-2025), Việt Nam càng cần phải tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh của mình trên đường đua kinh tế.

Với nhu cầu xuất khẩu và nội địa hạn chế, hiệu quả của chuỗi cung ứng càng trở thành mối quan tâm cấp bách của các nhà lãnh đạo. Kiểm soát và tích hợp chặt chẽ hơn các kênh phân phối, giám sát tốt hơn các gián đoạn tiềm ẩn và nâng cao năng lực dự báo nhu cầu của doanh nghiệp trong điều kiện không ổn định như hiện nay là những điểm trọng tâm chính của năm 2024.

“Công nghệ được kỳ vọng rất cao sẽ có thể giải quyết những thách thức đó. Tuy nhiên, rất cần thay đổi về nhận thức cho rằng công nghệ là giải pháp duy nhất, là phương thuốc chính cho mọi vấn đề sắp tới của kinh doanh, cung ứng. Những vấn đề khác cũng quyết định hoặc phá vỡ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp: con người và môi trường”, bà Quyên nhấn mạnh.