08:22 06/11/2022

Chuyển đổi số để khắc phục những “hố đen” trong sản xuất nông nghiệp

Chương Phượng

Nhiều lĩnh vực của nông nghiệp đang được áp dụng công nghệ số như quản lý đồng ruộng, sử dụng mobile app (phần mềm trên điện thoại di động), drone (thiết bị bay điều khiển từ xa), hệ thống cảm biến nhiệt, cảm biến thức ăn, tự động hóa vệ sinh chuồng trại…

Số hóa trong sản xuất nông nghiệp là điều tất yếu.
Số hóa trong sản xuất nông nghiệp là điều tất yếu.

Tại “Diễn đàn kết nối ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp” tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh rằng chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng, và áp dụng khoa học công nghệ nói chung là để giải mã, khắc phục những “hố đen” trong sản xuất, trong tư duy.

DƯ ĐỊA NÔNG NGHIỆP NẰM Ở TRI THỨC SỐ

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo 2 mũi nhọn đầu tiên áp dụng chuyển đổi số là: Trồng trọt và Chăn nuôi, mà cụ thể là mã hóa vùng trồng, mã hóa thức ăn chăn nuôi.

 

“Khi có cách tiếp cận trúng, đầy đủ, sẽ có cách làm đúng. Dư địa trong nông nghiệp thời gian tới sẽ không đến từ điều kiện tự nhiên, mà nằm ở tri thức số, tri thức ngành”.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận là thực tế còn có những khó khăn nhất định trong áp dụng chuyển đổi số.  Cùng là mã số vùng trồng, mã số thức ăn chăn nuôi, song mỗi nơi một cách hiểu, một cách làm.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp chia sẻ, văn phòng Nông thôn mới Trung ương triển khai xếp hạng sản phẩm OCOP với hệ thống hồ sơ minh chứng đi kèm rất nhiều.

Trước khi thực hiện số hóa, một bộ hồ sơ cấp huyện lên tỉnh dày tới 4-500 trang. Đến năm 2020, nhận thấy quá trình in ấn, chuẩn bị hồ sơ giấy thuần túy tốn kém, Văn phòng Nông thôn mới Trung ương đã tham mưu lãnh đạo Bộ để số hóa việc chuẩn bị hồ sơ OCOP từ cấp huyện lên tỉnh và đối với sản phẩm tiềm năng quốc gia lên 5 sao.

“Đến nay, 1/3 số tỉnh áp dụng phần mềm này để chấm đánh giá cấp tỉnh đến cấp huyện. Thay vì mất khoảng 850 tỷ tiền photo các hồ sơ cho hơn 8.500 sản phẩm OCOP, chi phí đầu tư cho phần mềm chấm và đánh giá sản phẩm không lớn”, ông Tiến thông tin.

Điểm cầu chủ trì Diễn đàn tại Hà Nội.
Điểm cầu chủ trì Diễn đàn tại Hà Nội.

Ông Tiến cho rằng không chỉ dừng lại ở số hóa thủ tục hành chính, mà chúng ta cần từng bước đưa số liệu từ cấp đăng ký, nhập liệu, chứng nhận VietGAP... vào hệ thống dữ liệu của 8.565 sản phẩm OCOP. Việc áp dụng chuyển đổi số ngay từ khâu đăng ký, có thể giúp giám sát đường đi nước bước, truy xuất, cũng như các sản phẩm đã được cải tiến, nâng cao chất lượng như thế nào thông qua thang điểm đánh giá.

CẦN NÂNG CAO NĂNG LỰC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, CÁC HỢP TÁC XÃ

TS. Lê Quý Kha, cố vấn Công ty Đại Thành, cho hay Đại Thành đang xây dựng trạm giám sát nông nghiệp thông minh, vận hành ở các tỉnh phía Nam. Công nghệ này phục vụ truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng. Với máy cắt cỏ tự động, tất cả đều gói gọn trong chiếc smatphone, các loại cỏ từ sân vận động, sân gôn, cỏ trên đồi cao su… đều được cắt tỉa bằng phẳng, nhanh gọn trong thời gian ngắn.

“Áp dụng công nghệ vào sản xuất đều phải đi theo chuỗi, có như vậy mới đưa sản phẩm của người nông dân thoát khỏi tình trạng được mùa rớt giá”, TS. Lê Quý Kha nhấn mạnh thêm.

Đề cập chuyển đổi số ở cấp địa phương, ông Lê Quốc Điền, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, thông tin rằng tỉnh này ứng dụng công nghệ số hóa với 3 giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn 1, tỉnh này tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu trong truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng.

Ở giai đoạn 2, tỉnh Đồng Tháp xây dựng các cơ sở dữ liệu để thông qua các số liệu này có thể biết được năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và có thể ứng phó biến đổi khí hậu.

Đối với giái pháp IoT, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng dữ liệu về dịch hại cây trồng, chỉ tiêu chất lượng nước. Điều này giúp cho các huyện điều hành sản xuất một cách hiệu quả. Về AI thì dự báo thiên tai, dịch hại ảnh hưởng đến sản xuất.

Trong giai đoạn 3, tỉnh Đồng Tháp kết hợp công nghệ GIS cùng với giải thuật trí tuệ nhân tạo AI, dự báo sản lượng, thị trường, xúc tiến thương mại. Đồng bộ dữ liệu từ Trung ương đến địa phương để đồng bộ nền tảng nông nghiệp số Quốc gia.

Cũng theo ông Điền, trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật thì địa phương quản lý được mã số vùng trồng, nắm rõ các dữ liệu số. Cuối cùng là triển khai, tập huấn cập nhật dữ liệu số cho các xã thông qua các app. Qua đó thực hiện quy trình báo cáo định kỳ từ các xã…

 

"Tại nước ta, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ số đang gặp nhiều hạn chế như: quy mô nhỏ, hoạt động đơn chức năng; mô hình tổ chức quản lý chưa phù hợp; thiếu vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp; ít năng động sáng tạo…"

TS. Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến-TP.HCM.

TS. Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến-TP.HCM (nguyên Phó ban quản lý Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) cho hay các nước tiên tiến định hướng phát triển nông nghiệp thông minh rất rõ ràng.

Ví dụ, nước Đức  thúc đẩy tích hợp hệ thống M2M và IoT, triển khai các dự án nông nghiệp 4.0. Nhật Bản thì áp dụng công nghệ Al, tạo các mô hình phối hợp giữa con người, máy móc, sản xuất thông minh hay Israel, dù nghiên cứu khoa học nông nghiệp trong điều kiện bất lợi về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu nhưng họ phát triển, ứng dụng rất hiệu quả công nghệ tưới nhỏ giọt vào trồng trọt trên sa mạc…

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Bagico, nhận xét rằng từ phía cơ quan quản lý Nhà nước cấp địa phương, có nơi vẫn chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin của người bán trên nền tảng số để minh bạch hóa trao đổi thương mại.

Trong khi đó, quản lý Nhà nước vẫn chưa có biện pháp, công cụ để đưa ngay lập tức ứng dụng chuyển đổi số đối với mã vùng trồng, mã xưởng xuất khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu đi Trung Quốc mà gần đây nhất là sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường 1,4 tỷ dân.

Đại diện Công ty Bagico đề nghị cần tăng cường đào tạo cán bộ cấp thôn, xã đặc biệt đối với các cộng tác viên nông nghiệp, nhân viên khuyến nông vì đây là cánh tay nối dài để đưa ứng dụng chuyển đổi số vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cơ quan quan lý nhà nước, tạo cơ chế chính sách để cán bộ cơ quan quản lý nhà nước ứng dụng mà không sợ vi phạm. Những mặt hàng xuất chính ngạch và các mặt hàng tham gia đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cần nhanh có hướng dẫn về ứng dụng chuyển đổi số từ cơ quan quản lý Nhà nước.