09:53 16/10/2021

Các hợp tác xã nông nghiệp chờ “mua vé” lên chuyến tàu chuyển đổi số

Chu Khôi

Theo kết quả khảo sát đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của 153 hợp tác xã nông nghiệp tại 3 tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng cho thấy, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành, cũng như xúc tiến thương mại chưa đạt kỳ vọng…

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa có chất lượng và mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững của các hợp tác xã là nhận định của TS. Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam Việt Nam tại hội thảo “Phát triển mô hình hợp tác xã thông minh, chuyển đổi số thích ứng với biến đổi khí hậu” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Oxfam tổ chức ngày 15/10/2021 theo hình thức trực tuyến.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN CHƯA ĐẠT NHƯ KỲ VỌNG

“Với quan điểm, xây dựng một nền kinh tế nhân văn, lấy con người làm trung tâm và không ai bị bỏ lại phía sau, Oxfam đã, đang và sẽ làm việc với các bên liên quan nhằm tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin trong các hoạt động hỗ trợ người dân và các cộng đồng yếu thế tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số”, ông Phạm Quang Tú khẳng định.  

Ông Trần Tuấn Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin truyền thông của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho biết vừa qua, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã khảo sát đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của hợp tác xã nông nghiệp tại 3 tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Qua khảo sát tình hình tại 153 hợp tác xã, cho thấy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành, cũng như xúc tiến thương mại chưa đạt kỳ vọng. 

Tỷ lệ công nghệ cao được áp dụng tại các hợp tác xã hiện nay: 82,4% số hợp tác xã đã áp dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản; 8.5% số hợp tác xã đã áp dụng công nghệ tự động hóa tưới tiêu; 8,5% số hợp tác xã ứng dụng công nghệ sinh học.

Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất tại các HTX nông nghiệp
Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất tại các HTX nông nghiệp

Tuy nhiên, tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp. Hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin chưa đa dạng, chủ yếu là sử dụng các trang mạng xã hội đơn giản, với chi phí thấp.

"Dù cán bộ quản lý hợp tác xã đánh giá cao mức độ quan trọng của việc áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhưng mức độ áp dụng thực tế chỉ đạt trong khoảng 1,98-2,82/5. Đơn cử như, sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm chỉ đạt 2,28/5 điểm, chưa đạt yêu cầu là 3,76 điểm”, ông Việt thông tin thêm.

Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào tiêu thụ sản phẩm ở các HTX
Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào tiêu thụ sản phẩm ở các HTX
 

Cá biệt, nhiều hợp tác xã không có máy vi tính, hoặc có thì máy đã cũ và cấu hình thấp, chỉ một số văn bản được số hóa và lưu trữ trên máy vi tính. Nhiều hợp tác xã vẫn chủ yếu lưu trữ văn bản giấy, ghi chép sổ sách một cách đơn giản.

Ông Trần Tuấn Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin truyền thông của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Nguyên nhân, theo ông Việt, nằm ở chỗ hầu hết các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin được hợp tác xã sử dụng là miễn phí từ hỗ trợ của cơ quan thuế, sở khoa học công nghệ, Liên minh hợp tác xã tỉnh hoặc các tổ chức quốc tế khác.

PGS.TS Phạm Quang Hà, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Hội hợp tác xã nông nghiệp số Việt Nam đưa ra nhiều gợi ý xây dựng hợp tác xã thông minh. Trong đó, phải xây dựng chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống bán buôn và bán lẻ, kết nối và chia sẻ các công nghệ mới: Công nghệ sinh học; Công nghệ ICT; Công nghệ tự động hóa; Ứng dụng CNC, IOT, drone, AI.

“Mỗi một hợp tác xã Nông nghiệp thông minh cần phải có: quản trị thông minh, lựa chọn sản phẩm thông minh, thành viên thông minh, tổ chức sản xuất thông minh, kết nối và chia sẽ để cùng hợp tác, phát triển. Cần gắn việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp thông minh với nông thôn thông minh”, ông Phạm Quang Hà nêu quan điểm.

CHUYỂN ĐỔI SỐ CHUYẾN TÀU KHÔNG THỂ LỠ

Ông Đặng Văn Chính, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc hợp tác xã Công nghệ thông tin Huế (HueTechCo.op) cho hay, hiện HueTechCo.op đã có trên 50 sản phẩm, dịch vụ đã triển khai cho khách hàng, đối tác tại hơn 20 tỉnh, thành phố.

Đến nay, đã có trên 300 hợp tác xã sử dụng các phần mềm Kế toán Hợp tác xã do HueTechCo.op thiết lập. Trong đó, trên 100 hợp tác xã sử dụng phần mềm Quản lý điện năng; trên 30 hợp tác xã sử dụng các phần mềm: Quản lý nước, quản lý môi trường, quản lý chợ, quản lý trực đêm,..

Ông Chính nhận xét, hiện vẫn còn nhiều hợp tác xã chưa sẵn sàng thay đổi về nhận thức chuyển đổi số. Mặt khác, nhiều công cụ (phần mềm) vẫn chưa dễ sự dụng, đem lại tiện lợi cho người dùng.

Vì vậy, thiết kế các phần mềm ứng dụng vào chuyển đổi số phải theo hướng tăng chất lượng dịch vụ, giảm thời gian và nhân lực, không tăng gánh nặng giữa các bên liên quan. “Các hợp tác xã cần phải không ngừng cập nhật kiến thức, tham gia tích cực các khóa huấn luyện, tập huấn”, ông Chính khuyến cáo.

Đề cập về mô hình kinh doanh thương mại điện tử, ông Đỗ Lê Bình, Giám đốc Phòng Công nghệ thông tin của Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) chia sẻ, Mô hình B2B (Business to Business) thể hiện nhiều tính ưu việt.

Với nhiệm vụ kết nối mua bán, Sàn B2B có giao diện chính với công cụ tìm kiếm giúp bên mua nhanh chóng tìm được sản phẩm của bên bán. Sàn này cũng là trung gian Giám định các nhà cung cấp nông sản, trung gian kết nối vận chuyển, cung cấp các phương thức thanh toán đa dạng như: thẻ ngân hàng: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, ví điện tử…

Sàn B2B cũng giúp tạo trang riêng quảng bá hợp tác xã và sản phẩm, với việc cung cấp cho bên bán một giao diện riêng với đầy đủ thông tin hồ sơ sản phẩm.

 
"Mỗi hộ thành viên có thể tạo nhiều trang sản phẩm, tự tạo QR và trang web cho tài khoản, nhật ký và từng tài sản. Đó là nền tảng để Ban quản trị hợp tác xã quản lý, giám sát từng thành viên, và gửi thông tin điều hành, cũng như cập nhật các chính sách mới".
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên VIDA

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), cho biết một số dự án số hóa nông nghiệp đã được triển khai rất thành công.

Cụ thể, dự án bảo tồn và phát triển chuỗi giá trị bò H’Mông Việt nam tại các tỉnh Miền núi phía Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang); Dự án quản lý Ngân hàng Bò vay vốn của Hội nông dân tỉnh Tuyên Quang; Dự án số hóa hợp tác xã heo rừng Tây nguyên của Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk; Dự án số hóa mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói Vải Thiều của tỉnh Bắc Giang…

Bà Thực gợi mở một số công nghệ ứng dụng chuyển đổi số tiên tiến hiện nay, như: thiết bị bay không người lái, công nghệ chăn nuôi tự động, phần mềm ảnh viễn thám.... Bà Thực cũng giới thiệu giải pháp nông nghiệp thông minh trên nền tảng công nghệ Auto Agri, nổi trội với nhiều tính năng: số hóa dữ liệu từng hộ thành viên hợp tác xã, lập sổ tài sản của hộ thành viên, lập nhật ký điện tử, phân quyền giám sát.

"Cơ hội cho chuyển đổi số với khối hợp tác xã đang mở ra thênh thang trước mắt, vì vậy từ các hợp tác xã đến từng hộ nông dân sản xuất nông nghiệp không nên để lỡ chuyến tàu chuyển đổi số này”, bà Thực nhấn mạnh.