13:09 17/10/2022

Cần tránh bệnh hình thức khi chuyển đổi số

Thiên Anh

Hiện một số doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thanh Hóa khi thực hiện chuyển đổi số còn có tâm lý sợ tốn chi phí, thiếu nguồn lực con người và lo ngại về tính an toàn, bảo mật thông tin..

Các đại biểu tham quan tại Triển lãm các sản phẩm, giải pháp, mô hình chuyển đổi số
Các đại biểu tham quan tại Triển lãm các sản phẩm, giải pháp, mô hình chuyển đổi số

Thanh Hóa hiện có hơn 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có gần 21.000 doanh nghiệp hoạt động và có phát sinh doanh thu.

Về cơ bản, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những nhìn nhận tích cực về tầm quan trọng của chuyển đổi số, trong sản xuất kinh doanh. Một số ngành nghề đang có những bước chuyển đổi số rất nhanh, mạnh mẽ như lĩnh vực nội dung, tài chính, thương mại điện tử, du lịch…

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa cho rằng, với yêu cầu cấp bách của doanh nghiệp để phục hồi và tăng tốc phát triển sau đại dịch, doanh nghiệp Thanh Hóa đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, chủ động, tích cực tìm những hướng đi mới, tận dụng những ưu thế về công nghệ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Chuyển đổi số được xem là giải pháp quan trọng và là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, bên cạnh đó những mặt làm được, hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay vẫn tồn tại một số vấn đề.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

Thứ nhất, theo ông Đoan, không ít doanh nghiệp còn chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số. Khái niệm về chuyển đổi số còn quá mới mẻ và mơ hồ. Thứ 2, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc thực hiện chuyển đổi số còn có tâm lý sợ tốn chi phí, thiếu nguồn lực con người và lo ngại về tính an toàn, bảo mật thông tin. Thứ 3, chuyển đổi nhiều khi còn mang tính hình thức, phong trào mà chưa thực sự hiệu quả, chưa có có tính thực chất. Thứ 4, vẫn chưa có một con số nào thống kê số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Chưa có một đánh giá nào về thực trạng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Ông Văn Ngọc Anh, Chuyên gia Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiến kế, doanh nghiệp chuyển đổi số  thành công sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và khách hàng vì thế cũng sẽ được hưởng lợi. Nhưng để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần có cái nhìn tổng quan với doanh nghiệp và vai trò các bộ phận trong triển khai chuyển đổi số.

Quá trình thực hiện chuyển đổi số trải qua các giai đoạn như các dự án tập trung vào số hóa cho từng bộ phận; chương trình áp dụng công nghệ số cho nhiều lĩnh vực khác nhau trong doanh nghiệp; chuyển đổi số hoàn toàn mô hình kinh doanh và mô hình quản trị.

Đồng thời các doanh nghiệp có thể lựa chọn thông qua các giải pháp như: xác định tiêu chí lựa chọn giải pháp; tìm kiếm giải pháp và nhà cung cấp tiềm năng; đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp; đàm phán ký kết hợp đồng; đánh giá hiệu quả của giải pháp và nhà cung cấp.

Trước đó, trong Hội thảo Chuyển đổi số doanh nghiệp - Từ mô hình tới thực tiễn do Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa tổ chức, ông Đào Gia Hạnh - Phó Giám đốc Công nghệ FPT IS đã giới thiệu về các xu hướng chuyển đổi số mới nhất hiện nay, giúp các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá tiếp cận với phương pháp luận và góc nhìn về các công nghệ chuyển đổi số tiên tiến.

Các đại biểu tham dự khai trương triển lãm chuyển đổi số tại Thanh Hóa
Các đại biểu tham dự khai trương triển lãm chuyển đổi số tại Thanh Hóa

Ông Văn Ngọc Anh khẳng định: “Chuyển đổi số sẽ thành công khi ba nhân tố Con người - Công nghệ - Doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ với nhau. Doanh nghiệp bước đầu chuyển đổi cần phải đầu tư nguồn lực, phải nghĩ lớn, nhưng khi thực hiện cần bắt đầu thông minh, lựa chọn bài toán phù hợp. Điều quan trọng là chọn được đối tác tin cậy, thấu hiểu bài toán doanh nghiệp, triển khai số hóa từ phạm vi nhỏ để dễ dàng quản lý và kiểm soát, rồi mới tính đến việc nhân rộng”.

Ông Vũ Đức Nhiệm, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đề xuất: 

Thứ nhất; UBND tỉnh giao trách nhiệm cho cơ quan chủ quản là Sở Thông tin truyền thông có khảo sát, đánh giá đúng về nhu cầu, thực trạng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về tình hình chuyển đổi số.

Thứ hai; Tìm hiểu và phân tích được những khó khăn cụ thể từ phía doanh nghiệp để lý giải tại sao: doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hào hứng trong chuyển đổi số? Có phải vì khó khăn về tài chính? Về nhận thức hay khó khăn trong tiếp cận công nghệ. Từ đó có những giải pháp phù hợp.

Thứ ba; Để nghị Sở Thông tin truyền thông xây dựng các chương trình mục tiêu, kế hoạch về chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặt mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn một cách cụ thể, rõ ràng. Phấn đấu đến năm bao nhiêu thì 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số?

Thứ tư; Hiện nay UBND tỉnh đã xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số như: hỗ trợ kinh phí, hạ tầng công nghệ. Vì vậy, đề nghị cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến những chương trình, chính sách hỗ trợ đó để doanh nghiệp trong tỉnh dễ dàng nắm bắt và tiếp cận chính sách như tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn.

Tỉnh Thanh Hóa đang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chuyển đổi số; Kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh; doanh nghiệp chuyển đổi số chiếm 50% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế. Đến năm 2030, thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn cơ bản trở thành đô thị thông minh, hiện đại.