17:29 17/10/2022

Thêm 35.000 doanh nghiệp sử dụng các nền tảng chuyển đổi số

Nhĩ Anh

Số doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận cũng như sử dụng các nền tảng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số đến nay đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt số doanh nghiệp sử dụng đã tăng 20 lần so với con số tháng 3/2022...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã tổ chức đánh giá, lựa chọn các nền tảng số xuất sắc tham gia vào chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx).

Theo đó, hiện có 45 nền tảng số Make in Việt Nam của 27 doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình. Các nền tảng được tập hợp, đánh giá trước khi giới thiệu để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa dùng thử, vận dụng vào những nghiệp vụ cụ thể.

Tính đến 30/9/2022, chương trình SMEdx đã có khoảng 490.923 doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận và trải nghiệm các nền tảng số Make in Việt Nam xuất sắc do chương trình tuyển chọn. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có hơn 318.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tham gia chương trình chuyển đổi số SMEdx, tăng trưởng 760% so với năm 2021.

Thêm 35.000 doanh nghiệp sử dụng các nền tảng chuyển đổi số - Ảnh 1

Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số SMEdx từ đầu năm đến nay đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ qua các tháng. So với hồi tháng 3/2022, cả nước mới có 3.000 doanh nghiệp thì sang tháng 4/2022 đã tăng lên hơn 27.000 doanh nghiệp. Và đến tháng 9/2022 đã tăng hơn 20 lần, với 62.047 doanh nghiệp chính thức sử dụng các nền tảng chương trình.

Thêm 35.000 doanh nghiệp sử dụng các nền tảng chuyển đổi số - Ảnh 2

Với chương trình phát triển nền tảng số quốc gia, đến nay, Bộ đã nhận được đăng ký của 24 doanh nghiệp với 184 nền tảng số, đạt 35/35 nền tảng thuộc chương trình nền tảng số quốc gia. Đã có 26/35 nền tảng số đã được Bộ phê duyệt Kế hoạch triển khai, còn 9/35 nền tảng số chưa phê duyệt kế hoạch triển khai.

 
Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP quý 3/2022 ước khoảng 11,8%. Còn tỷ trọng giá trị tăng thêm của các ngành lĩnh vực khác đang chiếm khoảng 88,2%.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong quý 4/2022, sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển, sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn theo thẩm quyền và kế hoạch hàng năm.

Cùng với đó tập trung đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số theo Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số gắn với bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Cũng trong lĩnh vực kinh tế số, theo dự thảo báo cáo đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước quý 3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP quý 3/2022 ước khoảng 11,8%. Còn tỷ trọng giá trị tăng thêm của các ngành lĩnh vực khác đang chiếm khoảng 88,2%.

Trong khi đó, theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP.

 
Sau 8 tháng triển khai thí điểm, tính đến 31/8/2022, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt hơn 2 triệu khách hàng, tăng 11,6% so với cùng kỳ tháng 7/2022, trong đó số lượng khách hàng tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 1,5 triệu khách hàng, chiếm 69%.