13:44 01/05/2021

Công cụ giúp doanh nghiệp Việt chủ động cập nhật các thay đổi tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu

Hương Loan

Đã có trường hợp một doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều không biết rằng một loạt chất mới đã được thêm vào danh sách hóa chất bị cấm ở các nước châu Âu. Kết quả là sản lượng xuất khẩu giảm sụt mạnh do nông dân đã sử dụng những hóa chất này...

Ra mắt hệ thống cảnh báo về thương mại toàn cầu phiên bản tiếng Việt
Ra mắt hệ thống cảnh báo về thương mại toàn cầu phiên bản tiếng Việt

Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu liên quan đến quy định về an toàn và sức khỏe, các quy định về sản phẩm, quy trình thử nghiệm và chứng nhận, các biện pháp cần thiết để tiếp cận thị trường quốc tế.

Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TBT), Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) vừa ra mắt phiên bản tiếng Việt của Hệ thống cảnh báo về thương mại toàn cầu (ePing).

Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu đã được đưa ra vào năm 2016 bởi Bộ Kinh tế và xã hội của Liên hiệp quốc (UNDESA), WTO và Trung tâm thương mại quốc tế nhằm mục tiêu thúc đẩy thương mại toàn cầu. Hiện tại, ePing có 13.000 người dùng trên toàn thế giới và khoảng 350 người dùng tại Việt Nam.

Chia sẻ lý do ra mắt Hệ thống cảnh báo về thương mại toàn cầu phiên bản tiếng Việt, bà Pamela Coke-Hamilton, Giám đốc Trung tâm thương mại quốc tế cho rằng, khảo sát của Trung tâm thương mại quốc tế cho thấy, dù là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong cập nhật các biện pháp vệ sinh, kiểm dịch động thực vật và các rào cản kỹ thuật trong thương mại tại thị trường nước ngoài.

Ngôn ngữ chính là một trong những thách thức lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam khi họ cố gắng tiếp cận thông tin liên quan đến cách tuân thủ các biện pháp Kiểm dịch động thực vật và Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam rất khó để nắm bắt kịp thời các yêu cầu về sản phẩm tại thị trường xuất khẩu. Trong khi những thông tin này đặc biệt quan trọng với các nhà sản xuất, nhà xuất khẩu và các cơ quan nhà nước.

Dẫn chứng trong khảo sát của Trung tâm thương mại quốc tế, bà Pamela Coke-Hamilton chia sẻ, một doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều đông lạnh Việt Nam kể, đầu năm 2018, một loạt chất mới đã được thêm vào danh sách hóa chất bị cấm ở các nước châu Âu. Công ty này đã không hề biết về điều này cho đến tận giữa mùa vụ. Kết quả là sản lượng xuất khẩu giảm sụt mạnh do nông dân đã sử dụng những hóa chất này lên vải.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các nhà sản xuất, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tìm được thông tin hữu ích nhất cho họ trong hơn 5.000 thông báo SPS và TBT được đệ trình lên WTO mỗi năm?

Ồn Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương 
Ồn Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho rằng phiên bản Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu phiên bản tiếng Việt sẽ giải quyết vấn đề này, giúp doanh nghiệp tăng thêm nhiều cơ hội xuất khẩu và tránh gián đoạn thương mại. Nền tảng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi họ thiếu vắng nhân lực thạo tiếng Anh.

Không những vậy, Hệ thống cảnh báo thương mại toàn còn tạo điều kiện cho việc tuân thủ của doanh nghiệp. Thông thường, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc phải nắm rõ vô số yêu cầu liên quan đến quy định về an toàn và sức khoẻ, các quy định về sản phẩm, quy trình thử nghiệm và chứng nhận… Hệ thống cảnh báo thương mại toàn sẽ cung cấp và cập nhật thông tin kịp thời về những thay đổi này ở thị trường nước ngoài.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, Hệ thống cảnh báo thương mại toàn phiên bản tiếng Việt có nội dung tập trung vào một số lĩnh vực chính và có tiềm năng như nông sản, thủy sản, da giày, thực phẩm, thiết bị xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón, dược phẩm, thiết bị điện…

Những nội dung về cảnh báo từ các ngành nghề và lĩnh vực này được dịch sang tiếng Việt giúp cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức truy cập dễ dàng, tiết kiệm thời gian và nguồn lực để tiếp cận gần hơn với thương mại quốc tế.

 

Hệ thống cảnh báo về thương mại toàn cầu (ePing) hiện đang có 13.000 người dùng trên toàn thế giới và khoảng 350 người dùng tại Việt Nam.

Ông Hải bổ sung, khi thuế quan liên tục giảm theo các cam kết WTO và Hiệp định thương mại tự do thì số lượng hàng rào kỹ thuật gia tăng mạnh. Khi mức thuế trung bình trên thế giới giảm theo các cam kết thì các thông báo về hàng rào kỹ thuật vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật và Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng lại có xu hướng tăng mạnh.

"Do đó, ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp, Hệ thống cảnh báo về thương mại toàn cầu còn hỗ trợ các cơ quan quản lý, các tổ chức nghiên cứu triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, sát với thực tế" ông Hải cho biết thêm.

Để hỗ trợ Việt Nam sử dụng tốt nền tảng Hệ thống cảnh báo về thương mại toàn cầu , bà Ursula Hermelink, quản lý dự án đối phó với hàng rào phi thuế quan thuộc Trung tâm thương mại quốc tế, cho biết sẽ có những chương trình hỗ trợ xây dựng năng lực, cách thức sử dụng Hệ thống cảnh báo về thương mại toàn cầu … giúp doanh nghiệp tận dụng tốt nhất lợi ích của công cụ này.

“Chúng tôi có những cơ chế đào tạo, nâng cao năng lực, mở rộng mạng lưới giảng viên, chuyên gia đào tạo cho doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại Việt Nam”, bà Ursula Hermelink cho hay.