Covid-19 khiến tỷ lệ cô dâu Việt Nam xuất ngoại giảm mạnh
Việc kiểm soát biên giới chặt chẽ vì đại dịch Covid-19; gián đoạn các dịch vụ công liên quan đến đăng ký kết hôn của các quốc gia, vùng lãnh thổ có thể là nguyên nhân khiến tỷ lệ kết hôn với người nước ngoài của phụ nữ Việt Nam giảm mạnh...
Tại hội thảo khoa học “Hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam và người nước ngoài hiện nay” diễn ra hôm 27/10 do Viện Nghiên cứu Gia đình và giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, một nghiên cứu tình hình hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam đã được công bố.
Nghiên cứu được thực hiện tại TP. Cần Thơ và Hải Phòng tập trung tìm hiểu hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.
Báo cáo một số kết quả chính của nghiên cứu, PGS. TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và giới, cho biết nhìn chung hiện nay, tất cả các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế cao hơn đều giảm số lượng các cuộc kết hôn nhanh và sớm hơn.
Tại Việt Nam, trong các năm từ 2011 – 2015, tỷ lệ kết hôn duy trì ở mức 8,5% – 9,28%. Từ năm 2016 – 2017, tỷ lệ kết hôn giảm nhẹ và sau đó đến năm 2018 tăng lên 8,33%, cao hơn Trung Quốc và các quốc gia so sánh. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2019, tỷ lệ kết hôn ở Việt Nam bắt đầu giảm liên tục, đến năm 2021 chỉ còn 5,12%, thấp hơn rất nhiều so với 10 năm trước.
“Chúng ta sẽ cần một khoảng thời gian 3 – 4 năm nữa để tiếp tục theo dõi xu hướng này xem tỷ lệ kết hôn ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác có tăng lên không. Như vậy, sẽ cho thấy những năm 2020, 2021 là do Covid-19 nên tỷ lên kết hôn giảm, nhưng nếu tỷ lệ kết hôn vẫn giảm trong các năm tiếp theo thì Covid-19 không phải là yếu tố quyết định dẫn đến giảm tỷ lệ kết hôn, mà có thể đây là xu hướng chung của tình hình phát triển xã hội”, bà Thi nhận định.
Cùng với tỷ lệ kết hôn trong nước giảm thì tỷ lệ kết hôn có yếu tố nước ngoài cũng có xu hướng giảm theo. Năm 2007, Việt Nam có 23.820 cuộc kết hôn với người nước ngoài, đến năm 2019, con số kết hôn với người nước ngoài của Việt Nam khoảng 25.000 cuộc, sau đó giảm dần. “Tuy nhiên, so với tỷ lệ số cuộc kết hôn với người nước ngoài trên tổng số cuộc kết hôn trong nước chỉ khoảng trên dưới 2%, chưa từng vượt quá 5%. Điều này có nghĩa là quy mô kết hôn với người nước ngoài của người Việt Nam tương đối hạn chế”, bà Thi phân tích.
Nếu tỉnh tổng trong giai đoạn từ 2011 – 2021, thì Việt Nam có khoảng 230.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Trong số các quốc gia có công dân Việt Nam kết hôn, Đài Loan, Hàn Quốc là những quốc gia có đông cô dâu Việt Nam nhất, bất chấp những chính sách thắt chặt về nhập cư.
Đặc việt, việc nhập cư ở Hàn Quốc thông qua con đường hôn nhân vẫn dễ dàng hơn nhiều so với con đường đi lao động, vì vậy nhiều người vẫn lựa chọn di cư kết hôn để được nhập cư và sinh sống lâu dài ở quốc gia này.
Mặc dù vậy, theo nhóm nghiên cứu đề tài, hiện tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ được lựa chọn phân tích đều ghi nhận sự sụt giảm đột ngột và mạnh cả về số lượng và tỷ lệ kết hôn nói chung cũng như số lượng và tỷ lệ kết hôn với người nước ngoài trong năm 2021 nói riêng.
Giả thiết đặt ra hiện nay chủ yếu do việc kiểm soát biên giới chặt chẽ vì đại dịch Covid-19 gây ra, cũng như gián đoạn các dịch vụ công liên quan đến đăng ký kết hôn của các quốc gia, vùng lãnh thổ.
“Khi chúng tôi đi khảo sát ở Cần Thơ, Hải Phòng vào những năm 2018, 2019 tìm các cô dâu kết hôn với người nước ngoài vô cùng dễ vì quá nhiều, nhưng riêng năm 2021, 2022 có những địa phương chúng tôi phải đi lại 3 lần mới gặp được, thậm chí phải gặp online.
Bởi vì số lượng cô dâu kết hôn với người nước ngoài gần như không có, chú rể không về được để xem mắt, các dịch vụ giữa hai bên đều bị gián đoạn do dịch bệnh”, bà Thi nói và cho biết, hầu hết những trường hợp gặp được chủ yếu là các cô dâu đã có đám cưới trước thời điểm giãn cách xã hội, chỉ chờ dịch hết mới sang đoàn tụ với chồng.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và giới cho rằng như vậy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tỷ lệ kết hôn với người nước ngoài là rất rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn cần quan sát thêm vài năm nữa để xem xu hướng này mang tính chất dài hạn hay ngắn hạn để đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp.