Phụ nữ cần chủ động tiếp cận pháp lý
Với mỗi phong cách quản lý khác nhau, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ có những cách thức vận hành và đối mặt với những rủi ro, thách thức pháp lý khác nhau. Để phòng tránh những rắc rối này, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận pháp lý, tư vấn, hỗ trợ từ các luật sư...
Hơn 20 năm hành nghề, bà Đoàn Thu Nga, CEO Công ty Luật LAWPRO đã tư vấn, hỗ trợ cho hàng trăm phụ nữ, hàng nghìn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận các vấn đề pháp lý từ tranh chấp hợp đồng, giải quyết quyền lao động cho tới ly hôn...
Có những câu chuyện cho đến giờ nữ luật sư không bao giờ quên được bởi những rắc rối pháp luật mà người phụ nữ - vốn được xem là phái yếu - đang phải đối mặt đến từ chính cách thức nhìn nhận và đối mặt với rắc rối và rủi ro trong cuộc sống cũng như kinh doanh.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong tư vấn, hỗ trợ phụ nữ, doanh nghiệp nữ tiếp cận các vấn đề pháp lý, theo bà, đâu là những vướng mắc mà phụ nữ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường gặp phải?
Đồng hành cùng các chủ doanh nghiệp trong nhiều năm qua, tôi thấy rằng, một điều dễ gặp phải ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam không kể là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, doanh nghiệp do nữ làm chủ hay nam làm chủ, là chưa chú ý đến vấn đề pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc chưa quan tâm đúng mức này đang ảnh hưởng đến cách thức vận hành doanh nghiệp cũng như dự báo về những rủi ro pháp lý mà doanh nghiệp sẽ gặp phải.
Đi sâu hơn về câu chuyện pháp lý trong doanh nghiệp do nữ làm chủ và nam làm chủ, tôi thấy rằng, các doanh nghiệp do nam giới làm chủ thường gặp rủi ro pháp lý do sự chủ quan, tự tin thái quá. Điều này phù hợp và tương quan với khí chất, tính cách, tầm nhìn, mục tiêu và tham vọng mà họ theo đuổi.
Trong khi đó, ở doanh nghiệp do nữ làm chủ, rủi ro pháp lý mà họ đối mặt thường khởi nguồn từ sự cả tin hay từ những hành động dễ bị cảm xúc chi phối, thiếu lý trí, sáng suốt. Nói một cách cụ thể hơn, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường gặp 4 rủi ro pháp lý sau.
Thứ nhất, nữ giới có tính cách thống trị. Đây là những người phụ nữ có phong cách vận hành doanh nghiệp theo kiểu thống trị, thích chinh phục thị trường mới, sản phẩm mới. Tuy vậy, họ thường bỏ quên tính kiện toàn hệ thống, hoặc đội ngũ nhân sự của họ thường không theo kịp được tầm nhìn và mục tiêu.
Thứ hai, nữ giới là người truyền cảm hứng. Đây là những người rất giỏi trong marketing, dễ thu hút đám đông với thế mạnh là truyền bá, quảng bá marketing. Với đặc điểm này, họ thường xây dựng một hệ thống mạng lưới kinh doanh tốt.
Thách thức pháp lý mà họ thường phải đối mặt là những lỗ hổng hệ thống quy trình, quy chế hoạt động. Họ ít khi để ý đến số liệu, đến những phân tích, đánh giá định lượng. Do vậy, cơ sở pháp lý ở những doanh nghiệp này thường thiếu chặt chẽ, đôi khi nằm giữa lằn ranh giữa được làm và không được làm. Trong nhiều trường hợp, họ hay phá vỡ quy tắc, chuẩn mực đôi khi do chính họ đặt ra. Vì vậy, lỗ hổng pháp lý ở những doanh nghiệp này thường xuất phát từ cơ chế chính sách của doanh nghiệp. Đôi khi, do sự thiếu kiên nhẫn, dễ bị cảm xúc chi phối, những vướng mắc pháp lý trở nên rối tung và khó xử lý hơn.
Thứ ba, là những người ổn định, cẩn thận, kiên nhẫn. Phong cách các chủ doanh nghiệp này là những người kiên định trên con đường và phương pháp kinh doanh đã chọn, luôn nhẹ nhàng, lắng nghe, thấu hiểu, và xử lý công việc nằm trong vòng an toàn, thận trọng. Họ e ngại trước các xung đột pháp lý, ngại đối đấu và thách thức. Vì thế, khi đối diện với các vấn đề rắc rối, họ chấp nhận chịu thiệt về mình kể cả tiền bạc, danh tiếng miễn sao không mất lòng và mối quan hệ đó. Những người này thường có nhu cầu tham vấn pháp lý, luật sư nhiều hơn.
Nhưng với đặc điểm là người cả nể, dễ nghi ngờ, nhưng đã tin thì tin tưởng tuyệt đối nên họ dễ bị vướng mắc vào những vụ việc gian lận thương mại, hay những điều khoản bất lợi trong hợp đồng.
Thứ tư, là những người biết cam kết, tuân thủ, thượng tôn pháp luật. Những người phụ nữ này có xu hướng làm gì cũng chặt chẽ, nên từ khâu tư vấn đến giải quyết tranh chấp xảy ra thì họ rất tôn trọng ý kiến luật sư, dựa trên những phân tích thấu đáo, cẩn trọng, kỹ lưỡng.
Thường những doanh nghiệp này không có nhiều vấn đề về pháp lý do kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng và họ ít khi bị yếu tố cảm xúc tác động. Đặc biệt, họ xây dựng quy trình, quy chế vận hành, chính sách theo chuẩn mực nguyên tắc rõ ràng, ít bị cảm xúc chi phối.
Theo bà đánh giá, có khoảng cách nào giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận pháp luật hay không?
Nếu như 15 năm trước, nam giới thường chủ động tiếp cận pháp luật nhiều hơn phụ nữ thì khoảng 5 năm gần đây, tỷ lệ chủ động tiếp cận pháp luật của nữ giới có phần cao hơn nam giới. Nguyên nhân, theo tôi, là do người phụ nữ ngày càng có ý thức bảo vệ mình trước các tình huống pháp luật phát sinh nhiều hơn.
Ghi nhận tại LawPro cho thấy, tỷ lệ tiếp cận pháp lý trong các vấn đề về gia đình chủ yếu là chị em phụ nữ, lên đến 97%. Trong khi, tỷ lệ này ở các sự kiện pháp lý về kinh doanh lại phần lớn là nam giới. Có thể do phần lớn các doanh nghiệp chủ yếu được lãnh đạo bởi nam giới nên tỷ lệ tiếp cận pháp lý kinh doanh ở nam giới cao hơn nữ giới.
Dù các vướng mắc pháp luật là không giống nhau nhưng nếu có lời khuyên cho chị em phụ nữ trong tiếp cận pháp lý và xử lý rắc rối, bà sẽ nói điều gì?
Từng tư vấn cho hàng trăm khách hàng, tôi thấy rằng, không chỉ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ mà cả những doanh nghiệp do nam giới làm chủ cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật liên quan. Đồng thời, cần thiết lập đội ngũ tư vấn ngay trong công ty hoặc thuê tư vấn ngoài để có kịp thời nhận được sự hỗ trợ tư pháp trong suốt quá trình vận hành, hoạt động doanh nghiệp nhằm dự phòng những tình huống xấu có thể phát sinh.
Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, với mỗi phong cách quản lý doanh nghiệp khác nhau, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần có sự chuẩn bị hay khắc phục chính những nhược điểm trong điều hành, chẳng hạn như bớt cảm xúc hơn, bớt nóng tính hơn… để xử lý mọi việc theo hướng thuận lợi hơn cho bản thân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, với xu hướng gia tăng những vụ tranh chấp ly hôn, bạo hành gia đình trong thời gian gần đây, tôi cho rằng phụ nữ cần chủ động tìm hiểu pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người chồng, người vợ cũng như quyền của con cái để tự tin ứng xử trước mọi tình huống. Người phụ nữ cần làm chủ cuộc sống của mình, dám đứng lên đấu tranh phòng vệ bản thân và sẵn sàng bước ra khỏi hôn nhân khi cần thiết.