18:25 19/10/2010

Cử tri muốn Quốc hội đi đến cùng trong chất vấn

Nguyễn Lê

1.275 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội thứ tám, khai mạc sáng mai (20/10)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Hải Phòng - Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Hải Phòng - Ảnh: Chinhphu.vn
Thực hiện chất vấn đến cùng để làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng như vai trò của người đứng đầu, là một trong nhiều mong muốn được thể hiện qua 1.275 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội thứ tám, khai mạc sáng mai (20/10).

Dành sự quan tâm đặc biệt cho nội dung xây dựng Nhà nước, xây dựng pháp luật, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội xây dựng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân, theo hướng mở rộng và phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, trong việc bầu những người có đủ phẩm chất, năng lực vào các cơ quan quyền lực Nhà nước.

Với việc thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường hơn một năm qua tại 10 tỉnh, thành phố, nhiều cử tri và nhân dân băn khoăn: thời gian thí điểm chưa lâu, chưa đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để đánh giá và kết luận về việc này, vì thế chưa nên áp dụng rộng rãi ở các địa phương khác.

Hoan nghênh hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội có nhiều đổi mới, tuy nhiên nhiều cử tri và nhân dân cho rằng hiệu quả hoạt động giám sát vẫn chưa cao. Đồng thời kiến nghị Quốc hội cần tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát, lựa chọn những vấn đề cử tri cả nước quan tâm để tiến hành chất vấn, dành thời gian thoả đáng cho việc chất vấn và thực hiện chất vấn đến cùng, để làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng, cũng như vai trò của người đứng đầu.

Liên quan đến sản xuất và đời sống của nhân dân, đông đảo cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng về tình hình giá cả leo thang không kiểm soát được của nhiều mặt hàng thiết yếu. Giá lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng đều tăng; giá sữa, thuốc tân dược tăng cao; giá vàng tăng vọt gây nguy cơ lạm phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất là tầng lớp nhân dân lao động, những người có thu nhập thấp.

Cử tri kiến nghị Chính phủ tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, theo dõi diễn biến thị trường thế giới có ảnh hưởng đến thị trường, giá cả hàng hóa trong nước, kịp thời có biện pháp cụ thể, hữu hiệu để bình ổn giá cả trong những tháng cuối năm và có giải pháp ngăn ngừa lạm phát cao trở lại, nhằm đảm bảo và nâng cao đời sống của người dân.

Báo cáo cũng cho biết, thời gian qua, cử tri và nhân dân nhiều nơi rất bức xúc về tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên, nhất là vào mùa nắng nóng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, học tập của nhân dân và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo ngành chức năng phải có giải pháp quyết liệt cả về quy hoạch, sản xuất điện, cả về phối hợp các nguồn cung ứng điện nhằm ổn định nguồn cung điện cho sản xuất và đời sống, khắc phục tình trạng cắt điện luân phiên trên diện rộng như thời gian vừa qua; đồng thời, sớm cải tổ ngành điện, công khai, minh bạch giá thành sản xuất điện...

Đặc biệt, cử tri và nhân dân rất băn khăn, lo lắng về tình trạng thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, xảy ra liên tiếp ở nước ta, gây hậu quả nặng nề về người và của.

Cũng theo phản ánh của nhân dân, tình trạng né tránh, đùn đẩy lẫn nhau giữa các cơ quan chức năng trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn còn diễn ra phổ biến; còn tình trạng một số cán bộ thực hiện không đúng các quy định pháp luật trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá bồi thường không thoả đáng, thu hồi đất nhưng chậm sử dụng…; thậm chí có biểu hiện một số cán bộ cấu kết với nhà đầu tư làm thiệt hại đến lợi ích của người bị thu hồi đất, gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân.

Về cải cách hành chính và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cử tri cả nước cho rằng vẫn còn tồn tại xu hướng cơ quan hành chính dành thuận lợi về cho mình, đẩy khó khăn về cho người dân. Một bộ phận công chức còn thiếu trách nhiệm, hạn chế năng lực, thậm chí tìm cách vòi vĩnh tiền của nhân dân. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai vấn đề này quyết liệt hơn nữa; đồng thời có biện pháp giáo dục cán bộ, công chức thực hiện đúng vai trò “công bộc của nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Cử tri và nhân dân cho rằng, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, vẫn là vấn đề bức xúc. Trong khi đó công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, yếu kém; không ít trường hợp chưa phát hiện kịp thời, xử lý chưa nghiêm, nhất là xử lý trách nhiệm người đứng đầu; công tác tự phát hiện tham nhũng, lãng phí của các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu.

Bên cạnh nhiều vấn đề chung, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là tên riêng duy nhất được nhấn mạnh tại báo cáo này.

Cụ thể, cử tri và nhân dân cho rằng trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với tập đoàn này có nhiều bất cập, yếu kém; việc kiểm tra, kiểm soát của nhà nước còn kém hiệu quả nên chưa phát hiện được đầy đủ và ngăn chặn kịp thời những quyết định sai trái về đầu tư, sử dụng vốn không đúng mục đích... dẫn đến hiệu quả vốn đầu tư của nhà nước đạt hiệu quả thấp, thậm chí bị thất thoát rất nghiêm trọng.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ làm rõ những sai phạm của lãnh đạo Vinashin và trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ có liên quan và xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân vi phạm; đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiến hành các hoạt động kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng về tình hình tài chính cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khác.

Bên cạnh những kiến nghị nêu trên, cử tri và nhân dân cũng "phàn nàn" về một số vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội, những bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật mà cử tri đã nêu tại các kỳ họp trước, mặc dù đã được Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết từng bước nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội và vẫn đang là những vấn đề mà cử tri có nhiều kiến nghị.

Đó là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp trong quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản vừa để thất thoát tài nguyên, khoáng sản, vừa gây ô nhiễm môi trường, trong xử lý trách nhiệm của các tập thể và cá nhân cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng dài hạn, trong đó có cả rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng tại các vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng…

Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ tám, ngay sau khi Thủ tướng trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội, báo cáo tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân sẽ được Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày trước Quốc hội. Phiên họp này sẽ được truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.