17:09 31/08/2021

Cung ứng ách tắc, giá thực phẩm tháng 8 đồng loạt tăng

Trâm Anh

8 tháng năm 2021, nhiều địa phương như Hà Nội, TP. HCM… vẫn đang thực hiện giãn cách. Dù hàng hoá không thiếu nhưng cung ứng gặp nhiều khó khăn, cước vận tải tăng cao, khiến giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất…

Nguồn cung hàng hóa tại các tỉnh khá dồi dào nhưng khâu phân phối của vẫn gặp ách tắc.
Nguồn cung hàng hóa tại các tỉnh khá dồi dào nhưng khâu phân phối của vẫn gặp ách tắc.

Cục Thống kê TP. Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,77% so với tháng trước, tăng 2,94% so với tháng 12/2020 và tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 1,49% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 8, có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước. Trong đó, cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,21%, trong đó, thực phẩm tăng 3,27%; lương thực tăng 0,74%. Từ đó, tác động làm tăng CPI chung 0,69%.

 
“CPI bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 1,49% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Lý do bởi thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm trên địa bàn cũng như với các tỉnh gặp nhiều khó khăn”, Cục Thống kê TP. Hà Nội lý giải.

Đồng thời, đây cũng là thời điểm giao mùa nên rau, củ các loại khan hiếm, không đa dạng, phong phú như chính vụ.

Cụ thể, giá thịt lợn tăng 4,07%, thịt bò tăng 2,38%, thịt gia cầm tăng 2,98%, thủy hải sản tăng 3,28%; trứng tăng 20,47%; rau, củ các loại tăng 9,42%; gạo tăng 0,56%.

Cũng tại “đầu tàu” kinh tế của cả nước, hiện TP. HCM đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhằm kiểm soát dịch Covid-19. Chính vì vậy, nhu cầu dự trữ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm của người tiêu dùng cũng tăng cao.

Trong khi đó, nguồn cung hàng hóa vẫn còn hạn chế khi nhiều chợ đầu mối và truyền thống vẫn đang tạm ngưng hoạt động để phòng chống Covid-19.

Chi phí vận chuyển hàng hóa trong thời gian này cũng tăng lên. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống: chỉ số giá nhóm này tăng 1 ,68% so với tháng trước. Đây là một số nguyên nhân giá làm CPI tại TP. HCM tháng 8 năm 2021 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 3,83% so với tháng cùg kỳ năm trước và bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 2,51% so với bình quân năm 2020.

Tại Hà Nội, một trong những nhóm hàng hoá khiến cho CPI tăng do nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,5%, tác động làm tăng CPI chung 0,1 %, do sản lượng tiêu thụ điện sinh hoạt tăng cao khiến chỉ số giá điện tăng 0,92%.

CPI tháng 8 và bình quân 8 tháng năm 2021 của Hà Nội. Nguồn: Cục Thống kê TP. Hà Nội.
CPI tháng 8 và bình quân 8 tháng năm 2021 của Hà Nội. Nguồn: Cục Thống kê TP. Hà Nội.

Bên cạnh đó, giá gas đun, giá dầu cũng tăng đáng kể. Các nhóm còn lại có chỉ số giá tăng nhẹ và bằng tháng trước như đồ uống và thuốc lá 0,25%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,21 %; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; thuốc, dịch vụ y tế và hàng hóa dịch vụ khác cùng tăng 0,02%; giáo dục tăng 0,01%; bưu chính viễn thông giá bằng tháng trước.

 
Chỉ 3/11 nhóm hàng có chỉ số CPI bình quân 8 tháng năm 2021 giảm so với bình quân cùng kỳ, gồm: văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,8%; bưu chính, viễn thông giảm 1,08%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,25%.

Có 2/11 nhóm hàng có chỉ số CPI giảm so với tháng trước là giao thông giảm 0,24%, tác động làm giảm CPI chung là 0,02%, do ngày 11 /8/2021 Petrolimex giảm giá xăng, dầu giảm 500đ/lít so với mức công bố tại 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 26/8/2021, giá xăng dầu tiếp tục điều chỉnh giảm, trong đó, xăng giảm 0,47% so với tháng trước; dầu diezen giảm 2,63%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,05%.

Trong 8 tháng năm nay, một số nhóm hàng có chỉ số CPI bình quân tăng cao so với bình quân cùng kỳ. Đó là, nhóm giao thông tăng 7,1%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,48%; giáo dục tăng 2,71%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,59%...