Điều chỉnh quyền số và gốc tính CPI giai đoạn 2020-2025: Ý nghĩa xã hội và tác động đến quản lý vĩ mô - Ảnh 1
Điều chỉnh quyền số và gốc tính CPI giai đoạn 2020-2025: Ý nghĩa xã hội và tác động đến quản lý vĩ mô - Ảnh 2

Sự điều chỉnh này được giới nghiên cứu đánh giá là có những bước tiến căn bản. Tuy nhiên, vẫn cần bổ sung một số điểm để kết quả thống kê phản ánh chính xác, cập nhật nhằm hỗ trợ tối đa cho điều hành và quản lý vĩ mô.

Thứ nhất, mở rộng danh mục hàng hóa đại diện: Danh mục hàng hóa đại diện giai đoạn 2020-2025 là 754 mặt hàng (tăng 100 mặt hàng so với giai đoạn 2015-2020), trong đó loại bỏ một số mặt hàng cũ, không còn phổ biến và bổ sung nhiều loại hàng hóa được ưa chuộng, hiện đại. Đây cũng là mức tăng nhiều nhất về số lượng so với những lần điều chỉnh trước đó (các kỳ trước năm 2000, năm 2005, năm 2009, năm 2014 lần lượt tăng 96, 98, 78 và 82 mặt hàng so với mốc điều chỉnh trước đó).  

Thứ hai, thay đổi quyền số và gốc tính CPI (1): Gốc tính CPI giai đoạn 2020-2025 là năm 2019 thay cho gốc năm 2014 căn cứ trên cơ sở kết quả cuộc điều tra “Khảo sát mức sống hộ dân cư và Điều tra quyền số tính chỉ số giá tiêu dùng năm 2018” và giá kỳ gốc so sánh của rổ hàng hóa là số liệu của năm 2019(2). Nếu những lần điều chỉnh trước chủ yếu tập trung vào nhóm “hàng ăn và dịch vụ ăn uống” thì giai đoạn 2020-2025, quyền số của tất cả các nhóm hàng hóa đều thay đổi (thậm chí mức thay đổi lớn hơn nhóm “hàng ăn và dịch vụ ăn uống”) (Bảng 1).

Thứ ba, linh hoạt thời gian thu thập giá: Nếu các giai đoạn trước (1995-2000, 2000-2006 và 2006-2010), thời gian thu thập giá là 3 kỳ 25 tháng trước tháng báo cáo, ngày 5 và ngày 15 tháng báo cáo; giai đoạn 2015-2020, giá tiêu dùng các mặt hàng trong “rổ” được điều tra 3 kỳ vào ngày 01, 11, 21/tháng thì giai đoạn 2020-2025, kỳ thu thập giá đã được điều chỉnh linh hoạt theo nhóm hàng hóa. Cụ thể, nhóm hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm và các mặt hàng tươi sống, vật liệu xây dựng) được điều tra 3 kỳ từ ngày 1 đến 21 hàng tháng trong khi nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại được thu thập 1 kỳ từ ngày 8 đến 14 hàng tháng…

Thứ tư, tăng cường ứng dụng số hóa trong điều tra giá tiêu dùng: Các phần mềm điều tra giá tiêu dùng mới, như máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh; thiết bị điện tử thông minh góp phần hỗ trợ việc linh hoạt điều tra giá đối với từng nhóm mặt hàng; tăng cường chất lượng, độ chính xác của điều tra, thống kê…

Điều chỉnh quyền số và gốc tính CPI giai đoạn 2020-2025: Ý nghĩa xã hội và tác động đến quản lý vĩ mô - Ảnh 3

So với các kỳ điều chỉnh trước, kỳ điều chỉnh lần này có dấu ấn quan trọng không chỉ về mặt thống kê kinh tế và còn mang ý nghĩa xã hội, phản ánh thực chất nhu cầu và mức sống của người dân – người tiêu dùng thực tế hàng ngày và tác động tích cực đối với kiềm chế lạm phát. Ba  tác động nổi bật nhất có thể thấy:

Thứ nhất, sự mở rộng lượng mặt hàng thay đổi quyền số của nhóm hàng thiết yếu phản ánh xu hướng tiêu dùng hiện đại và ngày càng tiệm cận với quốc tế.

(i) Với sự tăng lên của 100 mặt hàng so với kỳ điều chỉnh trước, đặc biệt là việc bổ sung thêm những mặt hàng mới, đã và đang trở nên phổ biến, được ưa chuộng, hiện đại khiến rổ hàng hóa mang tính đại diện hơn, phản ánh sát hơn đời sống, cơ cấu tiêu dùng của người dân đồng thời phù hợp với sự đa dạng, phong phú của các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Đó là ôtô, điện thoại di động, laptop, thiết bị điện tử thông minh; các hình thức nhà ở thuê cao cấp (biệt thự, căn hộ cao cấp)…

(ii) Mặc dù, ăn uống, lương thực, thực phẩm vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất song đã được điều chỉnh giảm mạnh -2,56% so với kỳ trước và ở mức 33,56% - thấp nhất từ trước đến nay, phản ánh sự giảm dần của tỷ trọng chi tiêu cho nhu cầu cơ bản, từ đó tăng các nhu cầu tiêu dùng cao cấp. 

(ii) Nhóm “nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng” là nhóm có mức tăng quyền số cao nhất (+3,09%) so với kỳ 5 năm trước 2015-2020, một phần phản ánh sự cải thiện về chất lượng chỉ số giá nhà ở thuê (rút 20% mẫu nhà ở thuê cũ và thêm 20% mẫu mới); đồng thời phản ánh lộ trình điều chỉnh tăng giá điện nước, sinh hoạt theo thị trường; sự bổ sung các hàng hóa hiện đại trong xây dựng, trang trí nhà ở của các thế hệ tiêu dùng mới (thế hệ Y, Z)

(iii) Nhóm “thuốc và dịch vụ y tế” sau giai đoạn giảm về quyền số (từ 5,61% giai đoạn 2010-2015 xuống còn 5,04% giai đoạn 2015-2020) đã tăng trở lại lên mức 5,39% giai đoạn 2020-2025 phản ánh ảnh hưởng của dịch Covid-19; xu hướng quan tâm đến nâng cao chất lượng sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân; sự gia tăng của các sản phẩm, dịch vụ y tế cao cấp. 

Thứ hai, khắc phục hiện tượng biến động “quá lớn” của giá cả nhiều nhóm hàng hóa, phản ánh chính xác hơn sự vận động của chỉ số CPI, góp phần kiềm chế lạm phát.

Bảng 2 phân tích diễn biến CPI của các nhóm hàng hóa tháng 7/2020 - tháng chuyển tiếp giữa hai thời kỳ gốc cho thấy, chỉ có hai nhóm “thịt gia súc” và “thịt chế biến” tăng giá khá mạnh so với kỳ gốc (theo cả gốc cũ và gốc mới), phản ánh hiện tượng tăng giá thịt lợn năm 2020 (do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi) và sự tăng cao của nhu cầu thịt chế biến sẵn do tâm lý lo ngại dịch bệnh và sự phát triển của dịch vụ giao đồ ăn. Các nhóm hàng hóa còn lại đều có sự điều chỉnh CPI giữa hai kỳ gốc để phản ánh thực chất hơn biến động giá cả. Có thể phân thành 03 nhóm: Nhóm 1: Nhóm hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục, nhà ở, vật liệu xây dựng, thiết bị đồ dùng gia đình có mức tăng giá rất mạnh, thậm chí đột biến nếu tính theo giá so sánh năm 2014 và quyền số cũ) song thực chất chỉ tăng giá vừa phải (hoặc tăng rất thấp nếu tính theo giá so sánh năm 2019 và quyền số mới); Nhóm 2: Nhóm hàng hóa tăng giá (theo gốc cũ) thì thực chất giảm giá (theo gốc mới) hoặc ngược lại giảm giá (theo gốc cũ) thì tăng giá theo gốc mới; Nhóm 3: Nhóm hàng có mức giảm ít hơn (theo gốc mới) hơn là theo gốc cũ.

Thứ ba, áp lực từ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (đặc biệt là thực phẩm-nhóm có trọng số cao nhất) đối với lạm phát đang giảm dần.

Với kịch bản tích cực hơn trong kiểm soát lạm phát và loại trừ biến động lớn của năm 2020, mức đóng góp của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống sẽ chỉ ở mức 0,8-1,2 điểm %. Giai đoạn 2021-2025, nhóm hàng hóa thiết yếu này sẽ tiếp tục ổn định với mức đóng góp vào CPI tổng thể chỉ khoảng 0,7-0,9 điểm % cùng với sự phát triển của nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp số Việt Nam. 

Điều chỉnh quyền số và gốc tính CPI giai đoạn 2020-2025: Ý nghĩa xã hội và tác động đến quản lý vĩ mô - Ảnh 4

Như trên đã phân tích, việc điều chỉnh danh mục hàng hóa và quyền số tính CPI là để phù hợp, chính xác hơn với diễn biến giá cả thị trường, xu hướng tiêu dùng ngày càng hiện đại, đa dạng của người tiêu dùng. Để góp phần đưa chỉ số CPI đến gần hơn nữa với đời sống của người dân đồng thời góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô trong năm 2021 cũng như trong dài hạn, có bốn đề xuất, khuyến nghị như sau: 

Thứ nhất, linh hoạt và cập nhật hơn trong điều chỉnh danh mục hàng hóa và quyền số tính CPI: (i) Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh xuống 2-3 năm (thay cho chu kỳ hiện tại là 5 năm), nhằm nâng cao tính đại diện của danh mục hàng hóa dịch vụ và phản ánh sát hơn cơ cấu tiêu dùng của người dân, nhất là trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ ngày càng đa dạng và chất lượng đời sống đang cải thiện nhanh và bền vững; (ii) Tổng cục Thống kê tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác kiểm tra và giám sát khâu thu thập số liệu ban đầu và xử lý dữ liệu đầu ra; tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung mạng lưới, điểm điều tra cho phù hợp với sự thay đổi cơ cấu rổ hàng hóa (bổ sung các điểm bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu).

Thứ hai, bên cạnh chỉ tiêu CPI tổng thể, Tổng cục Thống kê cần chú trọng theo dõi và công bố các chỉ số liên quan đến lạm phát của nền kinh tế như chỉ số giảm phát tổng sản phẩm trong nước (GDP-Deflator) và lạm phát cơ bản (đã loại trừ các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, năng lượng, giáo dục, y tế) nhằm phản ánh bao quát hơn, chính xác hơn xu hướng dài hạn của lạm phát; hỗ trợ hoạch định và hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ (đặc biệt là chính sách lạm phát mục tiêu).

Thứ ba, mặc dù áp lực lạm phát năm 2021 không quá lớn song không thể chủ quan, nhất là trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu đang gia tăng, vì vậy lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần cân nhắc các thời điểm phù hợp (tránh những thời điểm cao điểm mang tính mùa vụ), tránh cú sốc lạm phát (việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý là một trong những áp lực chính đối với lạm phát Việt Nam năm 2021 và 2021-2025 bên cạnh yếu tố đà phục hồi tăng trưởng; sự tăng lên của hàng hóa thế giới và độ trễ của tác động chính sách tiền tệ-tài khóa.

Thứ tư, tăng cường truyền thông để người dân, doanh nghiệp người dân có thể tiếp cận với các thông tin chính thống, hiểu đúng về phương pháp tính CPI, sự thay đổi về danh mục hàng hóa đại diện “rổ” hàng hóa tính CPI và quyền số. Nhờ đó, góp phần ổn định tâm lý tiêu dùng và chủ động phân bổ cơ cấu chi tiêu hợp lý hơn phù hợp với thu nhập của từng đối tượng người tiêu dùng (có thể lựa chọn, thay thế các mặt hàng đang tăng giá bằng các mặt hàng giá tăng thấp hơn, ổn định hơn; tránh các thời điểm cao điểm đối với các mặt hàng không cấp thiết…).

Điều chỉnh quyền số và gốc tính CPI giai đoạn 2020-2025: Ý nghĩa xã hội và tác động đến quản lý vĩ mô - Ảnh 5
Điều chỉnh quyền số và gốc tính CPI giai đoạn 2020-2025: Ý nghĩa xã hội và tác động đến quản lý vĩ mô - Ảnh 6
(1) Quyền số tính CPI là tỷ trọng chi tiêu cho các nhóm hàng hoá và dịch vụ trong tổng chi tiêu của dân cư
(2) Giá kỳ gốc năm 2019 của mỗi hàng hóa, dịch vụ được tính bằng phương pháp bình quân nhân đơn giá của 12 tháng (từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2019), tính riêng giá bình quân của khu vực thành thị, nông thôn.