6 tháng cuối năm: Nguy cơ “nhập khẩu" lạm phát
Lạm phát tại Việt Nam đang được kiểm soát khá tốt nhưng nguy cơ nhập khẩu lạm phát là có thật do độ mở của nền kinh tế khá cao, trong bối cảnh nhiều quốc gia tiếp tục nới lỏng tiền tệ...
Tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021” do Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính tổ chức tại Hà Nội ngày 2/7, các chuyên gia cho rằng, 6 tháng đầu năm, cả CPI và lạm phát cơ bản đều thấp, tạo thuận lợi duy trì lạm phát thấp cả năm. Có thể đạt CPI bình quân năm 2021 dưới 3%, trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
ÁP LỰC LÊN LẠM PHÁT
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, bước sang quý 3, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt, bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Phòng Chính sách Tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lưu ý: “Rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nước ta, khi giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu tiếp tục ở mức cao như xăng dầu, gas, thép khiến giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam tăng, gia tăng tỷ lệ “nhập khẩu lạm phát”.
Về mặt con số, rủi ro lạm phát trong năm 2021 là không lớn. Theo ước tính của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, CPI mỗi tháng cuối năm còn có dư địa trên 1% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm dưới 4%. Do vậy, có thể thấy, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4%, vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng “khi nền kinh tế Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, hàng hóa tương đương GDP, không khéo dẫn đến nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ thị trường thế giới”.
Ông Thịnh phân tích, từ đầu năm đến nay, sắt thép tăng 25-30%, nhiều mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất đầu vào, đều tăng giá.
Bên cạnh đó, từ năm 2020, nhiều quốc gia trên thế giới đều bơm tiền với những gói hỗ trợ lớn về tài khóa, tiền tệ để phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của quốc gia đó. Các tổ chức quốc tế cho rằng Mỹ có thể tăng trưởng năm nay từ 6-7% nhưng lạm phát tăng rất chóng mặt. Đến tháng 6, lạm phát của Mỹ tăng 5%, mức cao nhất trong 13 năm qua và vượt mọi dự báo của của giới chuyên gia.
Ngoài ra, đề cập đến áp lực 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Xuân Định bổ sung thêm, còn có áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số dịch vụ công trong thời gian tới. Trong đó, phải tính đến việc triển khai Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ đối với sự nghiệp công lập và đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ trong năm 2021.
Tuy nhiên, ông Định lưu ý: việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần tuý đến vấn đề chỉ tiêu Quốc hội giao mà cần phải được đặt trong đa mục tiêu.
Đó là, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Việc kiểm soát CPI bình quân cũng cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền lạm phát cho việc kiểm soát lạm phát trong năm tới 2022.
CPI TĂNG 1,47%, THẤP NHẤT KỂ TỪ NĂM 2016
Soi lại số liệu 6 tháng đầu năm, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020. Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Lạm phát cơ bản tháng 6/2021 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Trong mức tăng của CPI tháng 6/2021 so với tháng trước, Tổng cục Thống kê đánh giá, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm có chỉ số giá giảm và 1 nhóm giữ giá ổn định. Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 1,07%, làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm, do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 12/5/2021, ngày 11/6/2021 và ngày 26/6/2021 làm chỉ số giá xăng tăng 3,45%, dầu diezen tăng 4,71%...
Tính chung CPI 6 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu.
Đó là, giá xăng dầu trong nước tăng 17,01% so với cùng kỳ năm trước, giá gas tăng 16,51%. Giá dịch vụ giáo dục tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.
Giá gạo tăng 6,97% so với cùng kỳ năm trước, do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.
NGĂN CHẶN ĐẦU CƠ, "TÁT NƯỚC THEO MƯA"
Để đạt CPI cả năm dưới 4%, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp thuộc Bộ Công Thương lưu ý, kiểm soát lạm phát thận trọng, linh hoạt, chủ động nhằm ổn định giá để tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Đồng thời, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Ông Phương cũng nhấn mạnh: “Không đồng thời tăng giá các mặt hàng trong bối cảnh hiện nay. Điều hành tốt giá một số mặt hàng như sắt, thép, xăng dầu, dịch vụ hàng không, dịch vụ y tế…”
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.
Đại diện Bộ Tài chính, ông Nguyễn Xuân Định cho hay, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến chính trị, kinh tế thế giới, giá cả thị trường các hàng hoá thiết yếu, nguyên, nhiên vật liệu chiến lược trên thế giới. Đồng thời, tính toán, dự báo các tác động đến mặt bằng giá trong nước cũng như các tác động tới sản xuất, kinh doanh nhằm có các biện pháp cân đối cung – cầu, giá cả kịp thời trong trường hợp tiếp tục có các biến động mạnh. Mặt khác, ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, thao túng giá, các hành động “tát nước theo mưa” để trục lợi.
“Trong điều kiện khó khăn về giãn cách xã hội, đứt gãy chuỗi cũng ứng, hàng loạt chi phí gia tăng, nhưng những con số tích cực này mới vui 80%, còn lại 20% vẫn còn vấn đề. Giá cả hàng hóa, ở thị trường nội địa, có những thời điểm, có những mặt hàng giá cao vô lý.
Thịt lợn, giá xuống lợn hơi xuống 62-65 nghìn đồng/kg, thời kỳ cao nhất 80-90 nghìn đồng/kg. Nhưng giá ở siêu thị, ngoài chợ chỉ giảm 5%. Cách đây 6 tháng, tôi đến một siêu thị rất lớn, trên quầy có bán sườn non 287,4 nghìn đồng/kg trong khi đúng ra chỉ 160 nghìn. Một con lợn qua 5 cầu, mỗi viên thuốc qua 7 cầu, mỗi cầu lại chiết khấu đến 10%.
Đây là sự thất bại tạm thời của hệ thống phân phối quốc gia. Người chăn nuôi nhỏ lẻ, người trồng trọt không được hưởng lợi. Giá rất thấp, giải cứu, họ phải bán dưới giá thành hoặc vứt đi, cho gia súc ăn. Trong khi đó, ở thành thị, những nơi tiêu dùng lớn, lại phải trả giá cao.
Tôi cũng lưu ý, một số nhà sản xuất hàng tiêu dùng thay đổi quy cách, trọng lượng, nhưng giá không thay đổi. Nhưng thực chất, là tăng giá ngấm ngầm, không đo đếm được trong chỉ số giá Tổng cục Thống kê. Thực chất, con số Tổng cục Thống kê mới phản ánh 60-70% thực tế cuộc sống.
Một vấn đề nữa, dù bán hàng online tăng trưởng 30% trong đại dịch, nhưng trên các trang mạng điện tử, hiện tượng bán hàng không đúng, chất lượng không đảm bảo, khiếu nại rất nhiều. Thậm chí, những trang nổi tiếng như Lazada, Shopee công bố công khai từ 1/6, không cho người bảo vệ tiêu dùng được kiểm tra trước khi thanh toán. Điều này vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, nhưng không ai thổi còi”.
“Giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 trên thế giới được khống chế. Tỷ lệ người dân được tiêm vaccine phòng Covid-19 ở nhiều quốc gia đang tăng nhanh và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục.
Tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch Covid-19 với những biến chủng mới rất nguy hiểm, hạn hán, xâm nhập măn, nắng nóng và bão lũ cực đoan… sẽ ảnh hưởng rất lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung – cầu hàng hoá trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2021, thị trường, giá cả Việt Nam vẫn có những nhân tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI. Vì vậy, có thể đưa ra dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2021 so với năm 2020 sẽ tăng ở mức 2,5%, dao động 0,3%”.