Lạm phát không đáng lo, nhưng vẫn phải kiểm soát
Theo nhiều chuyên gia, rủi ro lạm phát trong năm 2021 là không lớn, nhưng vẫn phải kiểm soát chặt và không thể chủ quan trong điều hành giá...
Theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng cho thấy tín hiệu là lạm phát được kiềm chế. Theo đó, chỉ số này tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020. Đây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Diễn biến giá cả 6 tháng đầu năm 2021 cũng cho thấy khả năng kiểm soát CPI cả năm dưới 4% như mục tiêu đề ra là trong tầm tay. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, tình trạng lạm phát thấp hiện nay một phần do tổng cầu yếu. Khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá cả lên, gây sức ép lên lạm phát. Do đó, không thể lơ là trong kiểm soát lạm phát
LẠM PHÁT, TUY CHƯA ĐÁNG LO…
Theo phân tích của chuyên gia VinaCapital, việc lạm phát ở Việt Nam và trên thế giới trong năm nay tăng chủ yếu do hai yếu tố: (1) “hiệu ứng cơ sở” được tạo ra do sự suy thoái của kinh tế thế giới tại đỉnh điểm của đợt bùng phát Covid-19 vào năm ngoái (khoảng tháng 4 - tháng 5), và (2) giá dầu đã tăng khoảng 80% so với cùng kỳ năm trước.
“Hiệu ứng cơ sở” làm tăng tỷ lệ lạm phát là yếu tố mà hầu hết nhà đầu tư/ngân hàng trung ương/người dân thường chú ý đến, là mức tăng giá hàng năm so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh tế rơi vào suy thoái nặng nề vào khoảng tháng 4 và tháng 5 năm 2020, giá của nhiều loại sản phẩm rất thấp vào thời điểm đó - và khi so sánh cùng kỳ sẽ tự động làm tăng chỉ số lạm phát năm 2021.
Tuy nhiên, tác động của “hiệu ứng cơ sở” sẽ giảm dần trong 1-2 tháng tới và sẽ giảm mạnh vào cuối năm 2021. Điều này giúp giải thích tại sao tỷ lệ lạm phát của Việt Nam có khả năng đạt đỉnh khoảng 3% so với cùng kỳ trong những tháng tới, nhưng sau đó có thể giảm xuống mức từ 2,5 - 3% vào cuối năm. Một cách để thấy rõ “hiệu ứng cơ sở” đang là yếu tố chính đẩy tỷ lệ lạm phát hàng năm của Việt Nam lên cao hơn là hãy quan sát giá tiêu dùng đã giảm gần 1% so với đầu năm.
Giá dầu toàn cầu đã tăng khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng không có khả năng tiếp tục duy trì đà tăng đến hết năm 2021, vì vậy tác động của giá dầu lên chỉ số lạm phát CPI của Việt Nam khó có thể tiếp tục diễn ra trong năm 2021. Giá dầu hiện đang ở mức trên 70 USD, và tuần trước OPEC dự đoán rằng nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng từ 94 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm lên 99 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2021, tuy nhiên OPEC và Nga hiện đang kìm hãm khoảng 6 triệu thùng/ngày sản lượng dầu của họ. Chúng tôi không nghĩ rằng giá dầu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng đáng kể so với mức hiện tại.
Giá thịt lợn tại Việt Nam sẽ tiếp tục giảm, đây sẽ là một yếu tố khác giúp hạn chế đà tăng của lạm phát.
Mặt khác, việc tăng giá thép cũng như giá các nguyên vật liệu khác chỉ có tác động khiêm tốn đến lạm phát giá tiêu dùng của Việt Nam, vì những mặt hàng này chỉ đóng góp rất nhỏ vào rổ tính CPI, nhưng lại có tác động lớn hơn đến lạm phát giá sản xuất (PPI). Ngược lại, giá lương thực thực phẩm chiếm 34% trong rổ tính CPI của Việt Nam và giá lương thực trên thế giới đã tăng về cơ bản vì nhiều lý do, bao gồm các vấn đề thời tiết, các vấn đề về chuỗi cung ứng và sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế ở các nước phát triển khi người dân của họ được tiêm chủng.
Theo ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital, lạm phát giá thực phẩm ở Việt Nam hiện tại chỉ ở khoảng 0% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ kiểm soát được dịch tả lợn Châu Phi ở Việt Nam và Trung Quốc, do đó giá thịt lợn đang lao dốc. Việc giá thịt lợn tăng cao đã góp phần lớn nhất vào tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trong năm 2019 và đầu năm 2020. Hơn nữa, giá thịt lợn tại Việt Nam đã giảm 9% so với cùng kỳ trong tháng 5, nhưng giá thịt lợn tại Trung Quốc lại giảm đến 25% so với cùng kỳ. Từ đó, VinaCapital cho rằng giá thịt lợn tại Việt Nam sẽ tiếp tục giảm, đây sẽ là một yếu tố khác giúp hạn chế đà tăng của lạm phát.
Cũng theo Andy Ho, một yếu tố khác đã tác động làm tăng giá tiêu dùng trên toàn thế giới chính là “các vấn đề về chuỗi cung ứng” mà Covid-19 đã gây ra. Tiêu biểu, sự thiếu hụt chip máy tính trên toàn cầu đã gián tiếp đẩy giá nhiều sản phẩm lên cao, trong đó có mức tăng đáng kinh ngạc 30% so với cùng kỳ năm ngoái của giá xe ô tô đã qua sử dụng tại Mỹ.
“Tuy nhiên, hiện tại các nhà máy sản xuất gỗ đang sản xuất một lượng lớn gỗ thành phẩm cần thiết để xây nhà,... vì vậy giá gỗ xẻ hiện đang giảm. Đó chỉ là một ví dụ, nhưng chúng tôi cho rằng hiện tượng tương tự sẽ xảy ra với một loạt các sản phẩm nguyên vật liệu khác, mà giá của chúng đã bị ép lên do các vấn đề về chuỗi cung ứng”, Andy Ho nói thêm.
Nhấn mạnh về việc lạm phát trong thời gian tới tại Việt Nam không đáng lo ngại, kể cả trong lĩnh vực chứng khoán, Andy Ho cho rằng: “Chúng tôi không quá lo lắng về lạm phát ở Việt Nam và cũng không cho rằng lạm phát sẽ ảnh hưởng mạnh lên thị trường chứng khoán trong năm nay”.
Trong thời kỳ lạm phát cao, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thường đầu tư vào các công ty hưởng lợi từ lạm phát - như các công ty bất động sản, năng lượng và các công ty hàng tiêu dùng có thương hiệu mạnh có khả năng tăng giá bán để bù đắp một phần việc tăng chi phí đầu vào, chẳng hạn như tập đoàn KIDO (KDC), Đường Quảng Ngãi (QNS)…
… NHƯNG VẪN CẦN KIỂM SOÁT
Dù không quá lo lắng về lạm phát tại Việt Nam trong năm nay, nhưng Andy Ho cũng cho rằng không thể chủ quan. Theo Andy Ho, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá cả lên, gây sức ép lên lạm phát.
Nếu chúng ta có thể hạn chế tăng trưởng tín dụng ở mức tối đa 1,5 lần trên tăng trưởng GDP danh nghĩa thì Việt Nam sẽ ít có khả năng đối mặt với tình trạng lạm phát cao.
Chia sẻ về cách thức kiềm chế lạm phát nếu có thể xảy ra rủi ro, Andy Ho dẫn chứng: vào khoảng năm 2007, khi tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam tăng vọt lên gần 30% do tác động từ lượng tiền lớn đổ vào đất nước của dòng vốn FDI khổng lồ và không kiểm soát. Năm 2011, tỷ lệ lạm phát tăng lên hơn 20% do nền kinh tế bị kích thích quá mức nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. “Chúng tôi cũng ước tính rằng tăng trưởng tín dụng của Việt Nam (bao gồm cả bảo lãnh ngân hàng...) đạt đỉnh ở mức 40% vào khoảng năm 2009”, Andy Ho nói.
“Trong tương lai, nếu chúng ta có thể hạn chế tăng trưởng tín dụng ở mức tối đa 1,5 lần trên tăng trưởng GDP danh nghĩa thì Việt Nam sẽ ít có khả năng đối mặt với tình trạng lạm phát cao. Chúng tôi rất tin tưởng rằng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam hiểu rất rõ điều này và sẽ tiếp tục hành động thận trọng, một phần để duy trì tỷ giá USD-VND ổn định nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào trong nước. Theo đó, kiểm soát lạm phát là điều kiện tiên quyết để duy trì tỷ giá đồng Việt Nam ổn định”.
Cùng quan điểm vẫn nên thận trọng về lạm phát, nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng: Dù tình hình lạm phát bình quân nửa đầu năm khá thấp nhưng không thể chủ quan trong điều hành giá.
Theo đó, từ nay đến cuối năm, các cơ quan quản lý cần phối hợp ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, thao túng giá, các hành động "té nước theo mưa” để trục lợi; tập trung tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Bên cạnh đó, có các giải pháp điều tiết, tạo sự ổn định cho thị trường bất động sản, không để xảy ra hiện tượng sốt giá, thổi giá…