12:48 08/03/2011

Đại biểu Quốc hội và chuyện giám sát việc tiêu tiền

Nguyên Thảo

Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan có quyền quyết định cao nhất đối với việc "kiếm tiền" và tiêu tiền

Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan có quyền quyết định cao nhất đối với việc "kiếm tiền" và tiêu tiền.
Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan có quyền quyết định cao nhất đối với việc "kiếm tiền" và tiêu tiền.
Ngày 21/3 tới đây, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 12 sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.

Trong 8 kỳ họp đã qua, có lẽ, một vấn đề khiến nhiều vị đại biểu phiền lòng và đau đầu là việc phải đưa ra quyết định về việc tiêu tiền.

Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan có quyền quyết định cao nhất đối với việc "kiếm tiền" và tiêu tiền.

Mặc dù mấy năm gần đây, thu ngân sách Nhà nước đều vượt cao (năm 2009 vượt 56 nghìn tỷ đồng và năm 2010 vượt 97.670 tỷ đồng, vượt 21,2% so với dự toán) song cả Ủy ban Tài chính - Ngân sách và nhiều đại biểu đều cho rằng kết quả đó cũng chưa hẳn đáng mừng.  

Bởi, điều này thể hiện chất lượng công tác lập dự toán chưa cao, chưa thật sự tích cực, công tác dự báo thu ngân sách Nhà nước chưa sát thực tế. Đây cũng là tồn tại diễn ra trong nhiều năm nhưng chậm được khắc phục ở nhiều bộ, địa phương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá.

Bội thu chưa hẳn đã mừng, song bội chi mới là nỗi lo lớn hơn cả. Bởi vẫn còn tình trạng sử dụng ngân sách lãng phí và kém hiệu quả. Việc chấp hành kỷ luật chi ngân sách không nghiêm, vượt chi ngân sách lớn, thể hiện không tôn trọng nghị quyết của Quốc hội... đã từng là ý kiến được phát biểu công khai tại nghị trường.

Sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thiếu nhịp nhàng cũng được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất ổn của kinh tế vĩ mô, vấn đề từng được Ủy ban Kinh tế cảnh báo tại nhiều kỳ họp gần đây và cũng sẽ được nhấn mạnh tại kỳ họp thứ chín sắp tới.

Phê phán mạnh mẽ như vậy, song giám sát cách nào?

Tại buổi trao đổi kinh nghiệm hoạt động của đại biểu Quốc hội vừa diễn ra sáng 7/3 tại Tp.HCM, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Ủy viên Ủy ban Kinh  tế của Quốc hội đã phần nào trả lời câu hỏi khó này khi trình bày chuyên đề "Vai trò cuả đại biểu Quốc hội trong việc xây dựng và thực thi chính sách tài khóa".

Cấu trúc lại thị trường tài chính

Theo đại biểu Trần Du Lịch, sự tiềm ẩn yếu tố bất ổn vĩ mô nằm ngay trong cơ cấu thị trường tài chính.

Trong giai đoạn 2001-2005, nền kinh tế Việt nam phục hồi sau tác động của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, tốc độ tăng GDP bình quân 7,5%/ năm. Tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại tăng trung bình  23-24%/năm; bội chi ngân sách dưới 5% GDP; tổng đầu tư xã hội/GDP khoảng 38%.
 
Tình hình diễn ra tương đối bình thường trong năm 2006 (GDP tăng 8,3%; dư nợ tín dụng tăng 24%; bội chi ngân sách 5% GDP..).

Nhưng từ 2007, hiện tượng bất thường đã xảy ra: dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại tăng đột biến và thậm chí ngược chiều với tốc độ tăng GDP. Cụ thể, năm 2007: GDP tăng 8,6%; dư nợ tín dụng tăng 53,4%. Năm 2008: GDP tăng 6,4%, dư nợ tín dụng tăng 27,6%. Sang 2009: GDP tăng 5,3 %, dư nợ tín dụng tăng 37,3%; bội chi ngân sách gần 7% GDP và đến 2010 thì GDP tăng 6,78%, dư nợ tín dụng tăng 33% và bội chi ngân sách gần 6% GDP.

Hiện tượng tăng tín dụng bất thường trong 3 năm qua và sự mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu của thị trường tài chính, theo TS Trần Du Lịch có nguyên nhân sâu xa từ cấu trúc của nền kinh tế. Nhưng chính sách tài chính - tiền tệ, đặc biệt là chính sách tài khoá có ảnh hưởng rất quan trọng đến cấu trúc nền kinh tế song dường như chưa được đánh giá đầy đủ.

Do đó, vấn đề đang đặt ra là phải sử dụng đồng bộ chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá để định hướng cho thị trường tài chính cấu trúc lại; buộc các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải tái cơ cấu tài chính doanh nghiệp; phải giảm "nhiệt "hệ thống ngân hàng thương mại trong cơn lốc tăng huy động vốn, tăng tín dụng; phát huy chức năng huy động vốn trực tiếp của thị trường chứng khoán; giảm bội chi ngân sách và kiểm soát đầu tư công chặt chẽ.

Quốc hội cần nâng cao tính chủ động trong việc xây dựng và ban hành chính sách tài khóa phục vụ mục tiêu tái cấu trúc thị trường tài chính, đại biểu Lịch đề xuất.

Từ phân tích chính sách tiền tệ thường gắn liền với các mục tiêu ngắn hạn, còn chính sách tài khoá sẽ có tác dụng mạnh mẽ đến các mục tiêu trung - dài hạn, đại biểu Lịch đã nhấn mạnh vai trò của chính sách tài khóa và cơ chế quản trị tài chính, mà theo Hiến pháp thuộc quyền quyết định của Quốc hội.

Theo đại biểu Lịch, Quốc hội cần chủ động chỉ đạo nghiên cứu đầy đủ cấu trúc và động thái của thị trường tài chính nước ta trong giai đoạn từ 2006 đến nay.

Bao gồm nghiên cứu cả cấu trúc tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước, cấu trúc nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước để qua đó xây dựng chính sách tài chính-tiền tệ theo hướng chuyển dần chức năng cung cấp nguồn vốn trung-dài hạn từ hệ thống ngân hàng thương mại sang các định chế tài chính-tín dụng phi ngân hàng; tạo điều kiện để phát triển thị trường sơ cấp trong hoạt động của thị trường chứng khoán.

Chính sách tài khoá cần đi vào mục tiêu từng bước giải quyết  vấn đề căn cơ nói trên, hạn chế dần các biện pháp tình thế mang tính chất ứng phó, ông Lịch đề nghị.

Cần phân tích yếu tố cấu thành tổng cung và tổng cầu

Nâng cao vai trò và chức năng thiết lập chính sách và giám sát thực thi chính sách tài khóa của Quốc hội và đại biểu Quốc hội cũng là vấn đề được đại biểu Lịch đề cập khá sâu sắc.

Với kinh nghiệm tham gia hai khóa Quốc hội, chuyên gia kinh tế này nhìn nhận, nhược điểm của các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của nước ta trong những năm qua là thường nặng về sự áp đặt các mục tiêu mang ý muốn chủ quan hơn là một bản kế hoạch để qua đó dẫn dắt các chủ thể của một nền kinh tế hoạt động theo định hướng của nhà nước.

Vì vậy trên thực tế dường như các mục tiêu kế hoạch mà chính phủ trình ra Quốc hội mới phản ảnh được ở khía cạnh “phải làm gì” mà chưa phản ảnh được các nội dung quan trọng hơn là  “làm cách nào” và “ai làm”.

Do đó, thực tế giữa mục tiêu kế hoạch và chính sách kinh tế không gắn liền với nhau và chính sách tài khoá không phản ánh là công cụ thực thi kế hoạch kinh tế - xã hội.

Để đổi mới phương thức ra quyết định và giám sát việc thực thi của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và chính sách tài khoá, theo ông Lịch cần thay đổi nội dung báo cáo kinh tế- xã hội, báo cáo ngân sách của Chính phủ trước Quốc hội, chuyển từ tính chất mô tả kết quả sang phân tích các mối quan hệ bên trong đưa đến những kết quả đó.

Ví dụ, trong lĩnh vực kinh tế cần phải có báo cáo phân tích các yếu tố cấu thành tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế; các chính sách đã thực thi tác động đến các yếu tố đó; chính sách tài khoá phục vụ cho các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, văn hoá, mội trường… thế nào. Gắn mục tiêu phát triển kinh tế xã hội với chính sách, công cụ thực thi.

Cũng theo quan điểm của đại biểu Lịch, cần gắn quyết định các chỉ tiêu kinh tế xã hội hàng năm với quyết định phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm. Để có cơ sở phân bổ ngân sách đầu tư Quốc hội nên quyết định mục tiêu và các chỉ tiêu kinh tế xã hội trước khi quyết định việc phân bổ ngân sách đầu tư và có sự liên kết giữa đầu tư với các mục tiêu kinh tế-xã hội.

Nhấn mạnh thẩm quyền quyết định lớn nhất  và có hiệu lực cao nhất của Quốc hội là quyết định ngân sách hàng năm, ngân sách cho các chương trình quốc gia, ngân sách bổ sung cho việc thay đổi chính sách kinh tế….đại biểu Lịch đề nghị nên nghiên cứu để chuyển nghị quyết ngân sách hằng năm thành Luật Ngân sách và chuyển tên “Luật Ngân sách Nhà nước" hiện hành thành “Luật Thể chế tài chính công”.

Một khi Quốc hội chủ động quyết định  ngân sách, theo quan điểm của Quốc hội, thì khi đó Quốc hội đã thực sự quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đại biểu Trần Du Lịch tỏ rõ quan điểm.