Đại hội cổ đông MPC: Đơn hàng nhiều, thiếu nhân công, xuất khẩu sang Mỹ không lợi nhuận vì chi phí quá cao
Những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm của Thuỷ sản Minh Phú vào thị trường chiến lược Mỹ sụt giảm. Tuy nhiên, lãnh đạo MPC cho rằng kinh doanh tại Mỹ không có lợi nhuận, tại sao cứ phải đổ vào nơi không có lợi nhuận?...
Ngày 24/6/2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Thủy sản Minh Phú - mã MPC) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.
Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Thuỷ sản Minh Phú, cho biết năm 2021 thị trường xuất khẩu của công ty sang Mỹ lớn nhất với 221 triệu USD (chiếm 34%), trong 5 tháng đầu năm 2022, thị trường Mỹ tụt xuống vị trí thứ 4 với hơn 42 triệu USD. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản lại đứng đầu với 126 triệu USD. Thị trường EU vẫn giữ nguyên vị trí…
Trả lời cho câu hỏi tại sao xuất khẩu sang thị trường Mỹ sụt giảm, trong khi mặt hàng tôm không bị áp thuế chống bán phá giá? Ông Quang cho rằng, vấn đề không nằm ở thuế (chỉ vài %), mà nằm ở chi phí bên Mỹ tăng rất nhiều lần.
“Kinh doanh tại Mỹ không có lợi nhuận, tại sao cứ phải đổ vào nơi không có lợi nhuận? Chúng tôi thay đổi chiến lược, ở đâu có lợi nhuận tốt thì đẩy mạnh bán hàng ở đó”, ông Quang nói.
Về vấn đề căng thẳng vận tải biển kéo dài 3 năm nay, khan hiếm container, theo ông Quang, đó là thị trường, khó mà giải thích được. Chúng ta kinh doanh chấp nhận giá lên xuống theo thị trường… Cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu hết.
Một thực trạng là hệ thống cảng biển và kho bãi tại Việt Nam đang quá tải, gây kẹt cảng. Còn tại Mỹ, tàu đậu mênh mông ngoài biển. Việc cập cảng, nhập hàng… rất lâu, tốn kém. Do đó, lúc đầu ký hợp đồng bán, tính toán thấy có lời, nhưng khi xuất hàng thì chi phí tăng đột biến lại trở thành lỗ. Vì hiện nay, xuất khẩu sang Mỹ chi phí kho tăng gấp 2, chi phí bến bãi tăng 2-3 lần.
Ông Quang thông tin thêm, hiện đơn hàng công ty ký được nhiều, nhưng không có đủ công nhân. Cạnh tranh lao động rất khốc liệt vì Việt Nam là điểm đến của đầu tư nên các nhà máy mở ra rất nhiều, trong khi lực lượng lao động không tăng.
MPC cũng đã nghiên cứu công nghệ tự động hoá, giảm được 40% công nhân. Công ty đang hướng tới số hoá, đã bắt đầu nghiên cứu gần 10 năm nay, để giảm 50-70% lao động và tiến tới giảm 90% lao động.
Chia sẻ về giá cổ phiếu MPC của công ty kém hơn các cổ phiếu thuỷ sản khác, ông Quang cho biết, thực ra, cổ phiếu của Thuỷ sản Minh Phú rất “cô đặc”, các thành viên nắm gần hết lượng cổ phiếu của công ty. Chỉ còn 7% lưu hành bên ngoài, trừ phần cổ phiếu do cán bộ nhân viên của công ty nắm giữ, chỉ còn lại 2% cho cổ đông bên ngoài. Như vậy, cổ phiếu không thanh khoản thì giá không tốt được.
“Giá cổ phiếu MPC ở mức 100.000 đồng/cổ phần vẫn là thấp. Vì công ty có tới 1.200ha đất vùng nuôi và mua được với giá rất rẻ lúc trước, từ 10.000 – 40.000 đồng/m2. Chỉ tính riêng tiền đất, giá trị của MPC cũng tăng 10-20 lần”, ông Quang nói.
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2022, Thuỷ sản Minh Phú dự kiến doanh thu 18.963 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 1.266 tỷ đồng, tăng 92,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về cổ tức, năm 2021, công ty thông qua kế hoạch cổ tức 23% trên mệnh giá, tương đương 2.300 đồng/cổ phiếu và dự kiến thực hiện trong năm 2022. Như vậy, so với kế hoạch đầu năm cổ tức từ 50 - 70%, mức cổ tức công ty trình cổ đông thấp hơn. Bước sang năm 2022, mức cổ tức dự kiến từ 50 - 70%.
Tại ĐHĐCĐ lần nay, công ty cũng thông qua kế hoạch miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Nagoya Yutaka và ông Tsukahara Keiichi. Đồng thời, đề cử bổ sung 2 thành viên thay thế là ông Sasaki Takahiro và ông Hamaya Harutoshi, đại diện cho nhóm cổ đông MPM Investments Pte. Ltd sở hữu 70,2 triệu cổ phiếu (chiếm 35,1% vốn điều lệ).