07:22 30/05/2013

“Đang dùng tất cả các biện pháp để bảo vệ ngư dân”

Nguyên Vũ

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí về tình hình biển Đông

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: "Đối với các tranh chấp trên biển Đông thì lập trường của Chính phủ rất rõ
 ràng là phải giải quyết thông qua hòa bình, đối thoại, tôn trọng Công 
ước Luật Biển của Liên hiệp quốc".
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: "Đối với các tranh chấp trên biển Đông thì lập trường của Chính phủ rất rõ ràng là phải giải quyết thông qua hòa bình, đối thoại, tôn trọng Công ước Luật Biển của Liên hiệp quốc".
Chiều 29/5, sau khi tập hợp ý kiến thảo luận tại tổ cho thấy nhiều lo ngại của đại biểu Quốc hôi về tình hình biển Đông, báo chí đã chuyển đến Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhiều câu hỏi liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thưa ông, đặt mình vào vị trí của một đại biểu Quốc hội bình thường, lúc này ông có có cảm thấy lo ngại về tình hình biển Đông không?

Tất nhiên, vấn đề biển Đông luôn được báo cáo ở các kỳ họp Quốc hội. Là đại biểu thì lo tất cả các vấn đề của đất nước, trong đó có vấn đề biển Đông.

Theo đại biểu nhận xét thì tình hình biển Đông đang diễn ra rất phức tạp, trong khi đó báo cáo của Chính phủ lại chưa thể hiện rõ về vấn đề biển Đông?

Chính phủ sẽ có báo cáo bổ sung, tùy thuộc vào sắp xếp của Quốc hội sẽ có trong chương trình kỳ họp này.

Ông nghĩ sao về đề nghị cần có giải pháp quyết đoán hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc của đại biểu Quốc hội?

Đúng là gần đây tình hình biển Đông có những căng thẳng lên. Chúng ta đã thông qua Luật Biển năm 2012 và đang tiếp tục thực thi Luật Biển. Đối với các tranh chấp trên biển Đông thì lập trường của Chính phủ rất rõ ràng là phải giải quyết thông qua hòa bình, đối thoại, tôn trọng Công ước Luật Biển của Liên hiệp quốc. Đó là các chính sách ngoại giao, còn ngư dân có quyền đánh cá trên các vùng biển của ta, ta tiếp tục bảo vệ ngư dân đánh cá một cách hợp pháp.

Sau vụ tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam rất nghiêm trọng trên biển Đông vừa rồi, Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối, song phía Trung Quốc lại có những luận điệu phủ nhận và vu cáo ngược lại Việt Nam. Vậy tiếp theo Việt Nam sẽ có những động thái gì để giải quyết sự việc này?

Ta phải tiếp tục đấu tranh ngoại giao. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nêu rất rõ vùng đánh cá đó là vùng đánh cá của Việt Nam, việc Trung Quốc cản trở việc đánh cá của ngư dân ta là vi phạm các nguyên tắc.

Từ khi Việt Nam thông qua Luật Biển, các va chạm trên biển với phía Trung Quốc ngày càng nhiều, ngày càng nghiêm trọng và thái độ của phía Trung Quốc cũng ngày càng ngang ngược, tuy nhiên phản ứng của Việt Nam vẫn khiến cả cử tri và đại biểu chưa yên tâm?

Nguyên tắc của ta là bảo vệ ngư dân, và những hành vi cản trở ngư dân như vậy là rất nghiêm trọng. Khi sự việc xảy ra thì ta phản đối. Còn trên ngư trường, nếu có những vi phạm vào vùng biển của ta thì các lực lượng chức năng sẽ có trách nhiệm bảo vệ.

Ta đang dùng tất cả các biện pháp để đấu tranh bảo vệ ngư dân. Đấu tranh ngoại giao là biện pháp trong thời bình và luôn là biện pháp được tất cả các nước sử dụng. Các sự việc tranh chấp trên biển không chỉ có ngư dân Việt Nam mà còn ngư dân các nước khác trong khu vực. Ta dùng biện pháp ngoại giao và tất cả các biện pháp hòa bình có thể.

Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu tại Đối thoại Shangri La tại Singapore từ 31/5 đến 1/6 sẽ chuyển tải thông điệp gì của Việt Nam, thưa ông?

Việt Nam đã tham gia diễn đàn cấp bộ trưởng này từ nhiều năm, nhưng năm nay, Thủ tướng tham dự và phát biểu với tư cách diễn giả chính, là cấp cao nhất.

Chủ đề của Đối thoại Shangri-La là hòa bình, an ninh trong khu vực, bài phát biểu tại phiên khai mạc của Thủ tướng sẽ xoay quanh chủ đề này, và liên quan đến đường lối, chính sách của Việt Nam.

Các bên tham gia sẽ bàn tất cả các vấn đề liên quan, chắc sẽ có vấn đề biển Đông. Cũng sẽ có một số cuộc gặp song phương đang được sắp xếp.

Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia tất cả các diễn đàn khu vực với quan điểm chủ động, tích cực.

Thiếu thông tin, đại biểu khó hỗ trợ bảo vệ biển đảo
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM)

"Đại biểu Quốc hội đều hiểu là trong vấn đề biển Đông nói riêng và quan hệ ngoại giao với các nước nói chung cũng có những vấn đề tế nhị, không phải tất cả đều có thể công khai được. Tuy nhiên, do không phải đại biểu nào cũng có đầy đủ thông tin, dẫn đến sự lo ngại là Quốc hội một mặt không thể giám sát được những giải pháp đang được triển khai để bảo vệ chủ quyền trên biển Đông cũng như các biện pháp bảo vệ quyền lợi của nhân dân và ngư dân trên biển, do đó cũng không góp ý hay đề ra sáng kiến gì để hỗ trợ thêm cho công tác này.

Tôi cho rằng trong tình hình hiện nay thì kỳ họp nào Chính phủ cũng nên có báo cáo với Quốc hội, thậm chí nếu được thì báo cáo giữa kỳ họp, 3 tháng một lần. Đồng thời, lựa chọn cách thức thích hợp để thông tin đến nhân dân về vấn đề này, vì sức mạnh quan trọng nhất để bảo vệ chủ quyền biển đảo chính là nhân dân. Nếu không được thông tin đầy đủ, người dân sẽ khó định hướng hành động của mình. Họ cũng cần có thông tin để có niềm tin và quyết tâm để và để giáo dục lớp trẻ, tăng cường sức mạnh của trong bảo vệ Tổ quốc.

Điều mà đại biểu và cử tri chờ đợi là giải pháp tổng thể, trong đó có việc nâng cao tiềm lực quốc phòng, huy động sức dân và củng cố niềm tin của nhân dân, xây dựng quan hệ hòa bình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc để làm sao không khí tốt đẹp, có sự thông cảm với nhau giữa nhân dân với nhau. Và cuộc đấu tranh pháp lý nếu có phải nằm trong đó với sự phân công, phân nhiệm rõ ràng để khi xảy ra sự kiện thì biết ngay cần làm gì. Tôi hy vọng Đảng, Nhà nước có giải pháp tổng thể như thế, nhưng tôi không có đủ thông tin nên không biết có hay chưa".