20:00 30/10/2024

Đề xuất bổ sung nhiều ngành nghề vào nhóm nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Thu Hằng

Việc phân loại người lao động phù hợp trong danh mục các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ là căn cứ để người lao động được trang bị các biện pháp đảm bảo an toàn khi làm việc; cũng như giải quyết các chế độ về bảo hiểm xã hội, trợ cấp, nghỉ hưu sớm...

Khi người lao động thuộc nhóm ngành nặng nhọc, độc hại sẽ được hưởng chế độ nghỉ hưu sớm 5 năm. Ảnh minh họa.
Khi người lao động thuộc nhóm ngành nặng nhọc, độc hại sẽ được hưởng chế độ nghỉ hưu sớm 5 năm. Ảnh minh họa.

Sáng 30/10, Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học kỹ thuật, an toàn, vệ sinh lao động đã tổ chức hội thảo với chủ đề: Nâng cao kiến thức, giải pháp, chế độ chính sách cho các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong môi trường lao động trong giai đoạn hiện nay.

NHẬN DIỆN ĐÚNG CÁC NGÀNH NGHỀ CÓ YẾU TỐ ĐỘC HẠI ĐẾN SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe người lao động là chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển của công nghệ khiến cho các phương thức sản xuất cũng có nhiều thay đổi. Do đó, ông cho rằng việc đánh giá, phân loại công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm cũng khác trước.  

"Cần làm rõ vai trò của những người lao động thuộc nhóm ngành nặng nhọc, độc hại trong sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội, cũng như xem xét khi xây dựng chính sách về phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy, việc xây dựng các chính sách mới là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của công tác an toàn lao động trong các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm", PGS. TS Phạm Quang Thao gợi mở.

Tại hội thảo, các báo cáo nghiên cứu được trình bày đã cho thấy điều kiện lao động của một số nhóm ngành như giáo viên mầm non, lao động ngành may, lao động tiếp xúc với bụi chứa silic... có các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Vì thế, các nghiên cứu đã kết luận, điều kiện lao động của người lao động ở mức nặng nhọc và độc hại, có thể xem xét để đưa vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

PGS. TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thu Hằng.
PGS. TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thu Hằng.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Trung, Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, cho biết tiếp xúc với bụi silic với hàm lượng >95% là vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động trong quá trình chế biến đá thạch anh.

Vì thế, nếu không có trong danh mục nghề nặng nhọc, độc hại thì doanh nghiệp sẽ không bị giám sát, và người lao động cũng không được áp dụng các biện pháp phòng chống đầy đủ để phòng bệnh bụi phổi silic.

Họ cũng sẽ không được hưởng nhiều chế độ hơn so với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, như: Hưởng chế độ ốm đau từ 40 – 70 ngày tùy theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội; chế độ bệnh nghề nghiệp; nghỉ hưu sớm không quá 5 năm…

Bên cạnh đó, các báo cáo nghiên cứu tại hội thảo cũng chỉ rằng không chỉ những người lao động làm việc trong nhà xưởng sản xuất mới có các yếu tố nặng nhọc, độc hại, mà ngay cả những người làm việc trong văn phòng cũng chịu một số tác động có hại.

Hội chứng bệnh nhà kín (SBS) của người làm việc và sinh sống trong không gian kín phổ biến là: Vấn đề về hô hấp; kích ứng da và mắt; mệt mỏi; đau đầu và chóng mặt; mất tập trung và suy giảm trí nhớ; triệu chứng liên quan đến dị ứng...

THỐNG NHẤT TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CÔNG VIỆC NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI

Năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động. 

Ông Nguyễn Khánh Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết việc phân loại điều kiện lao động theo các nhóm bình thường; có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để làm căn cứ thực hiện các chế độ đối với người lao động như: Bảo hiểm xã hội, phụ cấp, bồi dưỡng bằng hiện vật, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi…

Đồng thời, đây cũng là căn cứ để xác định chế độ đối với lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người cao tuổi. Nhờ chính sách này đã góp phần giải quyết nhiều chế độ đối với người lao động, như phụ cấp, nghỉ hưu trước tuổi…, song cũng có những mặt trái.

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.

"Nếu nhiều nhóm lao động được đánh giá để xếp vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại thì dẫn đến số người nghỉ hưu trước tuổi sẽ tăng lên. Chưa kể, phải tính đến khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội khi nhiều lao động nghỉ hưu trước 5 năm, thời gian hưởng kéo dài nhưng số năm đóng ít đi", ông Long dẫn chứng.

Vấn đề thứ hai liên quan đến cạnh tranh quốc tế. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, đòi hỏi những tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội càng tăng lên.

“Trong bối cảnh đó, việc đánh giá, phân loại công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nếu không có phương pháp công bằng, hợp lý, hài hòa, vừa giúp cải thiện điều kiện lao động, vừa bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế thì sẽ rất khó để chúng ta cạnh tranh được”, ông Long nhận định.

PGS.TS Lê Minh Đức, Phân Viện trưởng Phân viện Khoa học An toàn Vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường TP. Đà Nẵng, cũng nhìn nhận điều kiện lao động không tốt là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều tai nạn lao động, tổn hại sức khỏe, làm giảm sút khả năng lao động, và gây nên thiệt hại to lớn về kinh tế, môi trường.

Tại Việt Nam, điều kiện lao động chưa tốt, rủi ro tai nạn cao đã bào mòn dần sức khỏe của người lao động, là nguyên nhân làm tăng ô nhiễm môi trường. Năm 2023, đã phát hiện thêm 696 người mắc bệnh nghề nghiệp, trong số đó đã qua giám định là 600, chủ yếu là là các bệnh bụi phổi silic, bụi phổi than, điếc nghề nghiệp.

Do đó, ông Đức kiến nghị cần có phương pháp thống nhất để đánh giá, phân loại theo điều kiện lao động, từ đó phân loại lao động theo điều kiện lao động phản ánh được mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của một vị trí công việc cụ thể.

“An toàn vệ sinh lao động là công việc không của riêng ai, giải pháp cải thiện điều kiện lao động là yếu tố mấu chốt, then chốt trong giảm dần gánh nặng, độc hại của môi trường làm việc cho người lao động”, PGS.TS Lê Minh Đức nhấn mạnh.

Để thuận tiện hơn trong việc đánh giá phân loại điều kiện lao động, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 29/2021.