10:08 16/05/2025

Vụ án Thuận An: Bài học về việc bất bình đẳng, không công bằng đối với các nhà thầu có đủ năng lực nhưng không có "quan hệ"

Đỗ Mến

Việc nhà thầu móc ngoặc với chủ đầu tư để được tiết lộ, cung cấp thông tin, dự toán gói thầu… gây tình trạng bất bình đẳng, không công bằng cho nhà thầu khác có đủ năng lực nhưng không có quan hệ, muốn tham gia phải xin hoặc chi tiền ngoài cho nhà thầu đó...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Như VnEconomy đưa tin, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 30 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan. Có 27 bị can bị đề nghị về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong vụ án này, ông Nguyễn Duy Hưng (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An) bị cáo buộc chủ mưu vi phạm đấu thầu gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 120 tỷ đồng tại 5 dự án.

Từ vụ án này, cơ quan điều tra Bộ Công an nêu rõ "chạy thầu" là thực trạng diễn ra phổ biến. 

Theo đó, các nhà thầu thi công sử dụng các quan hệ cấu kết, thông đồng, móc ngoặc với chủ đầu tư dự án để được tham gia đấu thầu thi công dự án, gói thầu.

Từ đó, nhà thầu được chủ đầu tư tiết lộ, cung cấp thông tin, dự toán gói thầu… Điều này gây tình trạng bất bình đẳng, không công bằng cho nhà thầu khác có đủ năng lực nhưng không có "quan hệ", muốn tham gia phải xin hoặc chi tiền ngoài cho nhà thầu đó.

Theo kết luận điều tra, gói thầu số 02, dự án cầu Vĩnh Tuy 2, Hà Nội là gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi. Kết quả đóng thầu, mở thầu ngày 7/12/2020 cho thấy có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu trong đó có Liên danh Thuận An. Ngày 18/12/2020, Ban Quản lý dự án thông báo kết quả liên danh Thuận An trúng thầu với giá trúng thầu 289,8 tỷ đồng.

Hai đơn vị còn lại là Công ty Y. và Tổng công ty T. không trúng thầu do không vượt qua bước đánh giá của hồ sơ dự thầu.

Tuy nhiên cơ quan điều tra làm rõ, ông Hưng đã lợi dụng mối quan hệ cá nhân và hình ảnh gây ảnh hưởng của lãnh đạo cấp trên, gặp gỡ đề nghị và được ông Phạm Hoàng Tuấn, giám đốc Ban Quản lý dự án Hà Nội tạo điều kiện cho Công ty Thuận An trúng thầu, thi công gói thầu số 2.

Các bị can thuộc Ban Quản lý dự án thông đồng, móc ngoặc với Công ty Thuận An tiết lộ, cung cấp thông tin về hồ sơ mời thầu, dự toán gói thầu; kiểm tra, chấm trước hồ sơ dự thầu của Công ty Thuận An và liên danh trước thời điểm đóng thầu, mở thầu; cho phép Công ty Thuận An được thay thế, bổ sung hồ sơ dự thầu…

Kết luận điều tra cho thấy các bị can thuộc Ban Quản lý dự án nhận tiền cơ chế ngoài hợp đồng của liên danh, tạo điều kiện đẩy nhanh thủ tục nghiệm thu thanh toán.

Còn tại gói thầu XD01,XD02 Dự án Quốc lộ 14E, lời khai của giám đốc Công ty T. cho thấy khi doanh nghiệp xin tham gia thi công dự án, ông Hưng đồng ý cho 2 công ty được liên danh và yêu cầu 2 công ty phải trả cho Hưng tiền phí 2,5% ngoài hợp đồng.

Tại gói thầu dự án cầu Đồng Việt, các bị can đã điều chỉnh, bổ sung, mở rộng yêu cầu phần tiêu chí về năng lực trong hồ sơ mời thầu (E-HSMT), trong đó bổ sung tiêu chí là “đã thi công cầu Extradosed cấp 1, có kết cấu hệ cáp văng sử dụng neo yên ngựa và tăng thời gian thực hiên hợp đồng lên 8 năm".

Điều này giúp Tập đoàn Thuận An đáp ứng yêu cầu về hồ sơ năng lực, kinh nghiệm, vừa nhằm hạn chế các nhà thầu khác tham dự. Do đó, sau thời gian phát hành E-HSMT chỉ có duy nhất liên danh Thuận An tham dự thầu và trúng thầu.

Kết luận cho thấy ông Hưng thỏa thuận chi phí tiền “cơ chế” là 3% giá trị gói thầu trước thuế cho Ban Quản lý dự án. Do không đủ năng lực đấu thầu thi công cầu Đồng Việt, tháng 1/2022, ông Hưng đã mời 3 doanh nghiệp khác tham gia liên danh.

Các bên thống nhất phân chia cho Tập đoàn Thuận An thi công phần cầu, lắp đặt cáp, dây văng, phụ kiện, hệ thống chiếu sáng chiếm tỷ lệ 47% giá trị gói thầu.

Để có tiền chi cho gói thầu, ông Hưng yêu cầu đối tác phải nộp tiền phí ngoài hợp đồng là 7%, 16% và 30%. Cơ quan điều tra xác định, ông Hưng đã thu tổng cộng hơn 92 tỷ đồng tiền phí ngoài hợp đồng của các nhà thầu.

Lời khai của tổng giám đốc Công ty C. – đơn vị phải “cắt phế” 30% cho thấy, quá trình thi công, khi cân đối được nguồn tiền, từ ngày 8/7/2022 đến ngày 18/1/2023, ông này chỉ đạo kế toán trưởng rút tiền mặt, trực tiếp đưa cho thủ quỹ Tập đoàn Thuận An số tiền 22 tỷ đồng. Quá trình thi công gói thầu, doanh nghiệp này đã chịu lỗ 15,9 tỷ đồng.

 

Theo cơ quan điều tra, ngoài các bị can đã khởi tố và đề nghị truy tố, còn một số cá nhân có hành vi, vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau nhưng chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi sai phạm, cơ quan điều tra Bộ Công An có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo quy định.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng tách thông tin, tài liệu liên quan đến sai phạm cá nhân liên quan để tiếp tục điều tra, xử lý sau.