"Điểm danh" 4 nỗi sợ của giới đầu tư toàn cầu từ chính sách tiền tệ thắt chặt
Các nhà đầu tư kỳ cựu ở Phố Wall nói rằng biến động tỷ giá giữa các đồng tiền và biến động giá trái phiếu trên khắp thế giới mới đang là điều khiến họ cảm thấy lo ngại hơn cả...
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng cường nỗ lực chống lạm phát, đẩy tỷ giá đồng USD tăng vọt trong khi giá trái phiếu và cổ phiếu trên toàn cầu rơi vào một vòng xoáy sụt giảm, giới đầu tư lo sợ rằng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng.
Tuần trước, thị trường tài chính toàn cầu bước vào một giai đoạn mới của sự biến động tồi tệ, mà ở đó những cú trồi sụt bất thường của tất cả các tài sản đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Cổ phiếu bị bán tháo ở khắp nơi, nhưng trong các cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, các nhà đầu tư kỳ cựu ở Phố Wall nói rằng biến động tỷ giá giữa các đồng tiền và biến động giá trái phiếu trên khắp thế giới mới đang là điều khiến họ cảm thấy lo ngại hơn cả.
“Lịch sử cho thấy, sức mạnh như vậy của đồng USD thường dẫn tới một dạng khủng hoảng tài chính hay kinh tế nào đó”.
Chiến lược gia trưởng về cổ phiếu của ngân hàng Morgan Stanley, ông Michael Wilson
Sau khi bị chỉ trích là chậm chạp trong việc nhận diện lạm phát, Fed đã khởi động một trong những chu kỳ tăng lãi suất quyết liệt nhất của ngân hàng trung ương này kể từ thập niên 1980. Từ mức 0-0,25% hồi tháng 3, Fed hiện đã nâng lãi suất lên 3-3,25% và dự kiến đỉnh lãi suất sẽ là vùng 4,5-4,75% vào năm 2023. Cùng với đó, Fed chuyển sang thắt chặt định lượng (QT) để thu hẹp bảng cân đối kế toán trị giá 8,8 nghìn tỷ USD - tức là không tiếp tục sử dụng tiền thu về từ các trái phiếu đáo hạn để tái đầu tư nữa. Việc Fed triển khai QT đồng nghĩa không còn người mua lớn nhất trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu đảm bảo bằng nợ địa ốc.
“Fed đang phá vỡ mọi thứ”, ông Benjamin Dunn - một cựu giám đốc quản lý rủi ro quỹ phòng hộ, hiện điều hành công ty tư vấn Alpha Theory Advisors - nhận định. “Bạn không thể dựa vào lịch sử để lý giải những gì đang diễn ra trên thị trường hiện nay. Chúng ta đang chứng kiến nhiều biến động lệch chuẩn của những tài sản như đồng Krona Thuỵ Điển, trái phiếu kho bạc Mỹ, dầu thô, bạc… Đó không phải là những dịch chuyển lành mạnh”.
USD TĂNG GIÁ MẠNH - “ĐIỀM BÁO” KHỦNG HOẢNG?
Ở thời điểm hiện tại, đà tăng giá “cả thế hệ mới có một lần” của đồng USD đang là tâm điểm chú ý của các nhà quan sát. Giới đầu tư toàn cầu đổ xô mua các tài sản Mỹ có lợi tức cao hơn do các động thái tăng lãi suất của Fed, và đồng USD nhờ đó đã tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác, đẩy chỉ số ICE Dollar Index tiến tới hoàn tất năm tăng mạnh nhất kể từ khi ra đời vào năm 1985.
“Lịch sử cho thấy, sức mạnh như vậy của đồng USD thường dẫn tới một dạng khủng hoảng tài chính hay kinh tế nào đó”, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu của ngân hàng Morgan Stanley, ông Michael Wilson, nhận định trong một báo cáo mới đây. Những lần lập đỉnh trước đây của đồng USD có sự trùng khớp với cuộc khủng hoảng nợ của Mexico vào đầu thập niên 1990, bong bóng công nghệ Mỹ vào cuối thập niên 1990, cơn sốt bất động sản mở đường cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, và cuộc khủng hoảng nợ công 2012 - theo Morgan Stanley.
Đà tăng giá chóng mặt của đồng bạc xanh gây ra xáo trộn lớn ở nhiều nền kinh tế trên thế giới vì làm gia tăng áp lực lạm phát ngoài Mỹ - chiến lược gia trưởng về ngoại hối của ngân hàng Barclays, ông Thmistoklis Fiotakis, nhận định trong một báo cáo. “Fed đang lái cỗ xe chính sách tiền tệ phóng quá nhanh và điều này thúc đồng USD tăng giá tới mức khó có thể hình dung đươc. Thị trường có thể vẫn đang đánh giá thấp về hiệu ứng lạm phát từ sự tăng giá của đồng USD đối với phần còn lại của thế giới”.
Trong bối cảnh như vậy, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã buộc phải can thiệp vào thị trường trái phiếu chính phủ nước này vào tuần vừa rồi. Trước đó, nhà đầu tư đã bán tháo các tài sản Anh sau khi Chính phủ nước này công bố kế hoạch giải thuế để kích thích tăng trưởng - một động thái đi ngược lại việc BOE tăng lãi suất để chống lạm phát.
Việc can thiệp vào thị trường trái phiếu đưa BOE trở thành người mua cuối cùng của nợ chính phủ Anh, và đây có thể là cuộc can thiệp đầu tiên mở màn cho một chuỗi động thái tương tự của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu trong những tháng tới.
NỖI SỢ MANG TÊN REPO
Ông Mark Connors, nguyên trưởng bộ phận tư vấn rủi ro toàn cầu của Credit Suisse - hiện là chuyên gia của công ty tài sản kỹ thuật số 3iQ - đặc biệt lo ngại về biến động trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ. Đây vốn là công cụ đầu tư mang lại lợi nhuận cố định (fixed income) an toàn nhất trên thế giới, và sự biến động đó có thể gây gián đoạn dòng chảy trong hệ thống tài chính.
Trái phiếu kho bạc Mỹ được hậu thuẫn bởi uy tín của Chính phủ Mỹ và được sử dụng làm tài sản thế chấp trên thị trường vốn vay qua đêm, sự giảm giá trái phiếu kho bạc Mỹ và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh có thể khiến các thị trường này không thể vận hành trơn tru được nữa.
Những vấn đề trên thị trường mua lại (repo - một cơ chế cấp vốn ngắn hạn đặc biệt quan trọng đối với các ngân hàng, doanh nghiệp và chính phủ) xuất hiện lần gần đây nhất vào tháng 9/2019, khi Fed buộc phải bơm nhiều tỷ USD để trấn tĩnh thị trường.
“Fed có thể sẽ phải bình ổn giá trái phiếu kho bạc Mỹ. Những gì đang xảy ra trên thị trường có thể buộc họ phải vào cuộc và bơm vốn khẩn cấp”, ông Connors, một người đã có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, nhận định.
Sự can thiệp như vậy có thể sẽ buộc Fed phải dừng sớm chương trình QT, tương tự như BOE đã làm - theo ông Connors. Việc đó sẽ gây hoang mang về thông điệp cứng rắn chống lạm phát của Fed, nhưng Fed sẽ không còn lựa chọn nào khác, vị chuyên gia nhận định.
“SẼ CÓ SÓNG THẦN”
Một mối lo nữa, theo ông Connors, là biến động thị trường sẽ làm lộ ra điểm yếu của nhà quản lý quỹ trót sử dụng đòn bẩy nợ quá đà hoặc có sự đặt cược không khôn ngoan. Nguy cơ xảy ra một vụ sụp đổ có thể được ngăn chặn, nhưng lệnh gọi ký quỹ và bắt buộc thanh lý tài sản có thể làm thị trường biến động mạnh hơn nữa.
“Khi đồng USD tăng giá chóng mặt, hãy đề phòng sóng thần. Tiền đổ như thác lũ vào một khu vực và tháo chạy khỏi các tài sản khác. Sẽ có hiệu ứng domino”, ông Connors nói.
Mối quan hệ tương quan giữa các tài sản trong những tuần gần đây khiến ông Dunn nhớ về giai đoạn ngay trước khủng hoảng tài chính 2008. Đó là thời điểm giới đầu cơ tiền tệ khốn đốn - ông Dunn nói. Các giao dịch “carry trade” - đi vay ở nơi có lãi suất thấp để đầu tư vào những tài sản có lợi tức cao hơn, thường sử dụng đòn bẩy - có cả một lịch sử đầy rẫy những thất bại. Trước khủng hoảng 2008 và ở thời điểm hiện tại, “carry trade” khá phổ biến.
“Mối lo thực sự ở đây là bạn không biết nên nhìn vào đâu để xác định rủi ro. Đó có thể là một trong những vị trí nơi chính sách tiền tệ đang thắt lại; đó cũng có thể là những người đã vay nợ quá nhiều và rốt cục phải trả giá”.
Chiến lược gia Tim Wessel của Deutsche Bank
“Fed và các ngân hàng trung ương đang tạo ra bối cảnh cho một cuộc tháo chạy quy mô lớn khỏi các giao dịch ‘carry trade’”, ông Dunn nói.
Xu hướng tăng giá của đồng USD còn có những ảnh hưởng khác, đó là khiến cho các nhà phát hành trái phiếu ngoại tệ USD ở ngoài Mỹ gặp khó khăn lớn hơn trong việc trả nợ. Điều này có thể làm gia tăng áp lực tại các thị trường mới nổi vốn đang phải xoay sở với lạm phát. Và nhiều quốc gia có thể bán mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ nhằm bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ của họ, khiến biến động giá trái phiếu kho bạc Mỹ càng tăng mạnh.
Những công ty “thây ma” đã tồn tại vật vờ suốt 15 năm qua trong môi trường lãi suất thấp có thể sẽ bị đẩy tớ bờ vực vỡ nợ vì không thể vay nợ với lãi suất ngày càng tăng - theo chiến lược gia Tim Wessel của Deutsche Bank. Ông Wessel cũng cho rằng Fed có thể phải dừng QT nếu lãi suất vay vốn tăng vọt hoặc mức vốn dự trữ của ngành ngân hàng Mỹ giảm xuống mức thấp khiến nhà chức trách lo ngại.
NỖI SỢ VỀ ĐIỀU KHÔNG THỂ ĐOÁN TRƯỚC
Tuy nhiên, cũng giống như việc không ai lường trước được những giao dịch bí ẩn của quỹ lương hưu khiến cho trái phiếu chính phủ Anh bị bán tháo, những chuyện khó lường vẫn là điều đáng sợ hơn cả - ông Wessel nhấn mạnh. Fed đang “học theo thời gian thực” để biết thị trường phải ứng với những nỗ lực của Fed nhằm rút lại sự hỗ trợ mà ngân hàng trung ương này đã duy trì suốt từ khủng hoảng tài chính 2008.
“Mối lo thực sự ở đây là bạn không biết nên nhìn vào đâu để xác định rủi ro”, ông Wessel nói. “Đó có thể là một trong những vị trí nơi chính sách tiền tệ đang thắt lại; đó cũng có thể là những người đã vay nợ quá nhiều và rốt cục phải trả giá”.
Trớ trêu thay, chính những cải cách trong lần khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn 1 thập kỷ đã khiến cho các thị trường trở nên mong manh hơn. Giao dịch ở khắp các lớp tài sản trở nên thưa hơn và dễ gián đoạn hơn sau khi cơ quan chức năng Mỹ buộc các ngân hàng phải cắt giảm hoạt động giao dịch tự doanh. CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase đã nhiều lần cảnh báo về thay đổi này.
Nhà chức trách áp những cải cách như vậy vì các ngân hàng đã “ôm” quá nhiều rủi ro trước khủng hoảng, với niềm tin rằng mình kiểu gì cũng được nhà nước “giải cứu”. Việc cải cách đã làm giảm rủi ro ở các ngân hàng, và các nhà băng giờ đây cũng đã trở nên an toàn hơn trước nhiều, nhưng cũng chính vì vậy mà các ngân hàng trung ương gánh trọng trách lớn hơn trong việc giữ vững thị trường.
Ngoại trừ một số ngân hàng đang gặp khó khăn ở châu Âu như Credit Suisse, các nhà đầu tư và phân tích bày tỏ tin tưởng rằng hầu hết các ngân hàng sẽ đứng vững được trong biến động thị trường thời gian tới. Dù vậy, có một điều ngày càng rõ ràng hơn là Mỹ và các nền kinh tế lớn khác sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn để “cai” sự hỗ trợ to lớn mà Fed đã cung cấp trong suốt 15 năm qua.
“Chính các chính sách của ngân hàng trung ương đã gây ra biến động, và giờ đây, họ lại dùng chính sách để chữa biến động đó. Đây thực sự là một mớ hỗn độn”, chuyên gia Peter Boockvar của Bleakley Financial Group nhận định.