11:11 27/09/2022

Mặc thị trường tài chính rúng động, giới chức Fed vẫn tuyên bố ưu tiên chính là chống lạm phát

An Huy

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 26/9 tiếp tục bày tỏ quan điểm không ngần ngại trước mức độ biến động ngày càng lớn của thị trường tài chính...

Mặt ngoài toà nhà trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington DC - Ảnh: Reuters.
Mặt ngoài toà nhà trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington DC - Ảnh: Reuters.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 26/9 bày tỏ quan điểm không ngần ngại trước mức độ biến động ngày càng lớn của thị trường tài chính toàn cầu, từ sự lao dốc của giá cổ phiếu ở Mỹ cho tới đà mất giá chóng mặt của hàng loạt đồng tiền so với USD.

Họ nói rằng ưu tiên chính của Fed hiện nay là đưa lạm phát trong nước về tầm kiểm soát - hãng Reuters đưa tin.

FED BẤT BIẾN GIỮA THỊ TRƯỜNG VẠN BIẾN

“Đang có một số ảnh hưởng qua lại”, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, phát biểu, nhấn mạnh rằng biến động trên thị trường tài chính có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư và giá trị của đồng USD thực sự có ảnh hưởng đến sức khoẻ nền kinh tế Mỹ.

“Nhưng mục tiêu của chúng tôi và việc chúng tôi đưa ra các quyết sách đều dựa trên tình hình môi trường hiện tại, nhằm lập lại ổn định giá cả ở Mỹ”, bà Mester nói sau khi có một bài phát biểu với thông điệp cứng rắn tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Trong bài phát biểu, bà Mester lập luận rằng việc thiếu hành động để chống lạm phát còn nguy hiểm hơn việc “quá tay” trong cuộc chiến chống lại sự leo thang của giá cả.

Xuất hiện tại một sự kiện do tờ báo Washington Post tổ chức, khi được hỏi liệu ông có cảm thấy nhà đầu tư đã lạc qua quá mức về chính sách của Fed trước khi xảy ra cuộc bán tháo trên thị trường hiện nay, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta - ông Raphael Bostic - trả lời rằng hai việc này chẳng liên quan gì đến nhau.

 

Việc thiếu hành động để chống lạm phát còn nguy hiểm hơn việc “quá tay” trong cuộc chiến chống lại sự leo thang của giá cả.

Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester

“Tôi không biết là họ quá lạc quan hay không đủ lạc quan… Điều quan trọng là chúng ta cần phải đưa lạm phát về tầm kiểm soát. Cho tới khi đạt được điều đó, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều biến động trên thị trường theo các hướng khác nhau”, ông Bostic phát biểu.

Ngoài sự cứng rắn của Fed, thị trường còn đang bất an vì sự giảm giá chóng mặt của đồng Bảng Anh. Sau khi lên cầm quyền, tân Thủ tướng Anh Liz Truss đã đề xuất một kế hoạch giảm thuế. Kế hoạch này có nguy cơ đẩy lạm phát lên cao hơn nữavà đặt chính sách tài khoá của Anh vào thế xung đột với nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) nhằm kiểm soát lạm phát bằng cách tăng mạnh lãi suất.

Sự trái chiều này đẩy đồng Bảng vào một vòng xoáy giảm giá, trượt xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong phiên giao dịch ngày 26/9, đồng thời làm gia tăng sự bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu giữa lúc nhà đầu tư lo sợ Fed sẽ tăng mạnh lãi suất trong thời gian dài và kéo theo các ngân hàng trung ương khác trong “cuộc đua” lãi suất không biết khi nào mới có thể kết thúc.

“Phản ứng của thị trường tài chính với kế hoạch tăng thuế của Anh là một mối lo thực sự”, cho thấy bất ổn gia tăng xung quanh triển vọng kinh tế Anh - ông Bostic nói. “Câu hỏi chính ở đây là việc này liệu có làm cho nền kinh tế châu Âu suy yếu thêm hay không, và câu trả lời cho câu hỏi đó sẽ giữ vai trò quan trọng đối với triển vọng kinh tế Mỹ”.

Tuần trước, Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp, đánh dấu đợt nâng thứ 5 liên tục kể từ khi khởi động chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 3 năm nay. Động thái này của Fed nâng tổng mức tăng lãi suất trong 5 đợt lên 3 điểm phần trăm, đánh dấu một trong những chu kỳ nâng lãi suất mạnh tay nhất từ trước đến nay của ngân hàng trung ương này.

Trong những tuần gần đây, giới chức Fed liên tục bày tỏ quan điểm quả quyết tăng lãi suất lên cao tới mức cần thiết để kéo lạm phát xuống, cho dù việc này có gây ra tổn thất cho thị trường việc làm và nền kinh tế, thậm chí là khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Một số lĩnh vực trong nền kinh tế đã phản ánh rõ tác động tiêu cực của việc nâng lãi suất. Chẳng hạn lãi suất cho vay thế chấp nhà đã tăng gấp đôi lên hơn 6% và doanh số bán nhà giảm mạnh.

FED CHẤP NHẬN “ĐAU THƯƠNG” ĐỂ CHỐNG LẠM PHÁT, THỊ TRƯỜNG “CHỊU TRẬN”

Tại MIT, bà Mester liên tục nhận được câu hỏi về thị trường địa ốc và liệu Fed đã đi đủ xa trong việc thắt chặt hay chưa. Tuy nhiên, vị quan chức Fed giữ vững quan điểm cứng rắn. Việc chống lạm phát “sẽ gây ra đau thương” - bà nói, giải thích rằng thất nghiệp sẽ tăng lên, nhưng để kéo lạm phát xuống “chúng ta cần phải tăng lãi suất và lãi suất sẽ được giữ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn những gì chúng ta hình dung trước kia”.

Bà Mester nói thêm rằng bà muốn chứng kiến vài tháng giá cả giảm liên tiếp trước khi tin rằng lạm phát đã thực sự qua đỉnh.

Trong một bài phát biểu tại Hội đồng Thương mại vùng Boston mở rộng, Chủ tịch Fed Boston Susan Collins thể hiện quan điểm tương tự như các đồng nghiệp, nói rằng cuộc chiến của Fed để hạ nhiệt lạm phát hiện nay là một cuộc chiến lớn và khó khăn.

“Hiện nay, lạm phát vẫn còn quá cao”, bà Collins nhận định, cho rằng “việc đưa lạm phát về mức mục tiêu sẽ đòi hỏi thắt chặt hơn nữa”.

 

“Kinh tế Mỹ vận hành tốt nhất khi có niềm tin về hướng đi của nền kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn. Lạm phát cao gây suy yếu niềm tin đó”.

Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic

Mục tiêu lạm phát của Fed là 2%, với thước đo là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE). Chỉ số này trong tháng 7 tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu tháng 8 sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu tuần này.

Mấy tuần gần đây, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến sự định giá lại trên diện rộng do khả năng Fed sẽ nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 1 thập kỷ và giữ ở đó trong một thời gian dài.

Trong vòng 1 tháng qua, kể từ khi Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra quan điểm cứng rắn tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, chỉ số S&P 500 đã giảm 12%. Trong bài phát biểu đó, ông Powell nói về “nỗi đau” kinh tế cần thiết để khống chế mức lạm phát đang cao nhất kể từ thập niên 1980. Quan điểm này được ông Powell tái khẳng định trong cuộc họp vào tuần trước.

Trước đây, giới chức Fed thường bị cho là “nuông chiều” thị trường tài chính. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, Fed chưa phát tín hiệu nào cho thấy đợt bán tháo này sẽ khiến họ “nghĩ lại” về kế hoạch chính sách chừng nào giá cả và tiền lương còn tăng và thị trường việc làm vẫn mạnh.

“Kinh tế Mỹ vận hành tốt nhất khi có niềm tin về hướng đi của nền kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn. Lạm phát cao gây suy yếu niềm tin đó”, ông Bostic phát biểu.